Kiến nghị bỏ 06 “giấy phép con” đang “trói chân” doanh nghiệp vàng
01/07/2016 17:24:55
ANTT.VN - Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị bãi bỏ các “giấy phép con” đang tạo ra cơ chế xin cho, “trói chân” doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Tin liên quan

Cụ thể, tại văn bản số 27/2016/CV-HHV gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/6/2016, đơn vị này xin bãi bỏ 06 giấy phép con.

4 năm không DN sản xuất vàng nào được vay vốn

“Giấy phép con” thứ nhất mà Hiệp hội Kinh doanh vàng mong muốn được bãi bỏ là  quy định DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 33/2011/TT-NHNN của NHNN.

Bởi thực tế, trong hơn 4 năm qua chưa có DN nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.  NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc NHNN xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Trên thực tế, vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường không thuộc đối tượng hạn chế kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu NHNN hạn chế quyền vay vốn của DN thì sẽ trái với tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, đó là nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.

Huy động vàng không phải là “hoạt động kinh doanh vàng khác”

“Giấy phép con” thứ hai mà VGTA muốn được bãi bỏ là quy định tại Nghị định 24/NĐ- CP.

Theo đó, VGTA kiến nghị NHNN và Bộ Tư pháp không nên coi hoạt động huy động vàng của các DN là hoạt động kinh doanh vàng khác để áp đặt DN phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước.

Giải thích kiến nghị của mình, đại diện Hiệp hội cho rằng Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 không quy định về điều kiện huy động vàng đối với các DN. Hơn nữa, Thông tư 11/2011/TT - NHNN cũng chỉ quy định chấm dứt huy động vốn bằng vàng của các TCTD. Do đó, hoạt động huy động vàng của các DN được điều chỉnh theo quy định tại Luật đầu tư 2014, Luật DN 2014 và Bộ luật dân sự 2005.

Theo quy định tại Luật đầu tư 2014, việc DN vay vàng của các tổ chức, cá nhân không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, hoạt động này cũng không thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại Nghị định 24/NĐ- CP. Bởi vì, các doanh nghiệp chỉ vay vàng để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi, chứ DN không cho vay lại, không thu phí giữ hộ. Như vậy, hoạt động vay vàng của DN chỉ là một công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và nó không phát sinh lợi nhuận.

Do vậy, hoạt động này không thể được coi như hoạt động kinh doanh vàng khác theo quy định của Nghị định 24/NĐ-CP. Theo Hiệp hội, hoạt động kinh doanh vàng khác bao gồm kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn vàng, giao dịch vàng phái sinh (giao dịch vàng kỳ hạn, giao dịch vàng quyền chọn, giao dịch vàng tương lai), quỹ đầu tư vàng.

Ảnh minh họa

Chỉ cần một giấy phép kinh doanh vàng miếng cho 1 công ty

Liên quan đến “giấy phép con” khi xin phép kinh doanh vàng miếng, VGTA kiến nghị rằng một DN đã được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng thì đề nghị NHNN cho phép tất cả các chi nhánh/địa điểm kinh doanh trực thuộc không phải xin phép nữa mà chỉ cần làm thông báo tăng mạng lưới mua bán vàng miếng theo nội dung thông tư 16/2012/TT-NHNN.

Ngoài ra, theo phản ánh của các DN, hiện nay địa điểm để kinh doanh đa số là phải đi thuê. Do vậy, việc thay đổi địa điểm kinh doanh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, thì các DN phải xin phép NHNN, như vậy sẽ làm mất thời gian, chi phí và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các DN.

Nghị định chưa rõ ràng khiến cung và cầu huy động vàng “lệch pha”

Theo số liệu của HH KDVVN căn cứ vào báo cáo của Hội đồng vàng thế giới người dân Việt Nam đang giữ khoảng vài trăm tấn vàng. Đây chính là nguồn lực rất quý báu nhưng đang nằm “bất động” trong dân, không mang lại hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, người dân vẫn còn tâm lý giữ vàng để "phòng thân" và họ muốn số vàng tích cóp được bảo toàn nên sẵn sàng đem gửi Ngân hàng ngay cả khi không có lãi. Với mức lãi suất vay vàng chỉ khoảng 1-1,2%/năm thì người dân cũng chẳng vì thế mà ham lãi còn DN kinh doanh vàng chỉ phải trả lãi suất rất nhỏ so với thời kỳ hoàng kim NHTM trả tới 4-5%/năm cho dân. Như vậy rõ ràng sẽ an toàn cho dân và khơi vốn cho sản xuất.

Trong khi NHNN chưa đủ điều kiện để cho lập sàn vàng thì ít nhiều số vàng của dân cũng được đem lưu thông bằng hình thức vay mượn và đem vào sản xuất nữ trang thì cũng giảm đi tình trạng “bất động” của vàng như hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nói thêm việc vay vàng của dân cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu vàng trong nước gây chảy máu ngoại tệ.

DN kinh doanh vàng không được phép nhập khẩu vàng

Theo Hội đồng Vàng thế giới, quý I/2016, trong khi thị trường vàng nữ trang thế giới giảm khá mạnh, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ở Việt Nam lại tăng. Cụ thể, năm 2015, nhu cầu vàng nữ trang ở Việt Nam khoảng 15,6 tấn; riêng quý I/2016 là 4,7 tấn (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước).

Số liệu đó cho thấy rõ ràng sản xuất trang sức trong nước đang có "đầu ra" nhưng khó khăn lại nằm ở chính "đầu vào". Kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực đến nay đã gần 5 năm trời chưa một hạt vàng nguyên liệu nào được nhập khẩu chính thức. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, DN kinh doanh vàng phải chọn cách nhập vào trôi nổi và chịu nhiều rủi ro. 

Câu chuyện cuối năm 2015, việc một tiệm vàng ở Đồng Nai dính cú lừa mua phải vàng nguyên liệu dởm trị giá hơn 10 tỉ đồng gây chấn động giới kim hoàn vẫn được các DN lấy làm bài học.

Do đó VGTA kiến nghị Thủ tướng cho phép những DN đã được NHNN cấp giấy  chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo kế hoach hàng năm và báo cáo định kỳ với NHNN.

Ngoài ra, VGTA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ quy định cấp phép tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức mỹ nghệ với lý do việc gia công vàng trang sức mỹ nghệ và tạm nhập và tái xuất vàng nguyên liệu cho hoạt động này không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và không ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tỉ giá cũng như chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Cuối cùng, VGTA kiến nghị được bỏ giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng. Hiện nay tại Thông tư 22/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ, DN phải được cấp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng trước khi thực hiện hoạt động này. Theo VGTA đây thực chất là giấy phép con không cần thiết, núp bóng giấy chứng nhận. Thực chất chỉ cần “quy định các DN đăng ký dịch vụ thử nghiệm vàng với cơ quan quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động này” – bản Kiến nghị nêu.

Minh Minh

 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến