Kiến nghị NHNN xem xét lại lộ trình của Thông tư 36
26/12/2014 12:20:46
Để đảm bảo hài hoà và thúc đẩy thị trường phát triển, Hiệp hội kinh doanh Chứng khoán Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét có lộ trình thích hợp cho việc triển khai thông tư 36 nhằm góp phần thúc đẩy chương trình cổ phần hoá, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước.

Tin liên quan

Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) vừa có ý kiến gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về những tác động cần được quan tâm trước khi thông tư 36 có hiệu lực. Chúng tôi có trao đổi với ông Nguyễn Thanh Kỳ là Tổng thư ký hiệp hội xung quanh những kiến nghị này.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ-Tổng thư ký hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)

Thưa ông, cái được lớn nhất của Thông tư 36 là gì?

Theo quan điểm của chúng tôi, Thông tư 36 là một quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước để tiến tới lành mạnh hoá hoạt động của các Ngân hàng thương mại, giải quyết các vấn đề sở hữu chéo nhằm cải thiện chất lượng tài sản có.

Thưa ông, nhiều quan ngại cho rằng Thông tư 36 ra đời sẽ ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, quan điểm của hiệp hội về vấn đề này như thế nào?

Đến nay, tốc độ cổ phần hoá đang rất chậm. Tính đến hết tháng 8, Nhà nước thu về được 2,23 ngàn tỷ từ việc IPO 33 công ty Quốc doanh tức mới đạt chưa đến một nửa kế hoạch năm. Đến nay đã qua tháng 11 nhưng tình hình không mấy khả quan hơn. Sự chậm trễ và khả năng hấp thụ của thị trường đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp quốc doanh vẫn hạn chế, các nhà đầu tư tư nhân không có cơ hội tham gia vào các doanh nghiệp.

Trước tình hình cổ phần hoá chậm chạp đó, Chính phủ đã có nghị quyết số 15 về việc đẩy mạnh cổ phần hoá và gắn cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đây là một quyết sách lớn của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu hoàn thành cổ phần hoá 432 doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2014-2015.

Nay, sự ra đời của thông tư 36, đồng vốn phục vụ cho thanh khoản thị trường sẽ bị thu hẹp. Theo tính toán vốn điều lệ của các Ngân hàng thương mại và chi nhánh nước ngoài khoảng 450 ngàn tỷ đồng thì việc giới hạn mức 5% cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể lên đến 22.500 tỷ, đây là mức vốn không nhỏ trong khi đó dư nợ cho vay chứng khoán đến 10/2014 là 17.000 tỷ đồng nhưng nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% như Agribank, Vietcombank, SHB, ACB, Oceanbank...Như vậy, số dư nợ 17.000 tỷ phải cắt giảm 50% còn khoảng 8.000 tỷ. Đây là khó khăn cho thị trường chứng khoán, nguồn cung chứng khoán sẽ ồ ạt bán ra, tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán đặc biệt là các công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng.

Thông tư 36 có hiệu lực cũng sẽ làm giảm sức cầu của công chúng đầu tư đối với cổ phiếu của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá, gây khó khăn cho quá trình cổ phần hoá theo như mục tiêu của Chính phủ.

Một trong nỗi lo khác của Hiệp hội là Thông tư 36 sẽ tác động đến tái cấu trúc Ngân hàng thương mại, công ty tài chính yếu kém. Ông có thể giải thích rõ hơn luận điểm này?

Theo nội dung của Thông tư 36, Ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu không qua 2 tổ chức tín dụng. Song, thực tế hiện nay, nhiều Ngân hàng thương mại đang sở hữu trên 5% cổ phần của nhiều ngân hàng, công ty tài chính.

Nếu phải điều chỉnh ngay để đáp ứng quy định của Thông tư 36 thì sẽ gây xáo trộn mạnh trong một thời gian ngắn, tác động đến quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng yếu kém.

Hiện tại có những ngân hàng nào đang vướng phải vấn đề sở hữu nêu trên, thưa ông?

Ví dụ như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đang nắm giữ cổ phần của ít nhất 5 tổ chức tín dụng như Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Phương Đông (OCB), Eximbank, Saigon Bank và công ty tài chính xi măng.

Ngân hàng Hàng hải hiện nay cũng đang đầu tư vào MB với tỷ lệ 9,9%, MD Bank với tỷ lệ 10,2% và tài chính dệt may 11%; Maritimebank đã được chấp thuận mua lại công ty tài chính dệt may và MD Bank...

Đó là chưa kể đến nhiều trường hợp ngân hàng thương mại góp vốn vào ngân hàng liên doanh sở hữu trên 5% như Vietinbank sở hữu trên 10,4%, Saigonbank, ABBank sở hữu 8,4% EVN Finance và Techcombank sở hữu 10% tài chính hoá chất.

Phía hiệp hội có đệ trình gì gửi Ngân hàng Nhà nước về Thông tư 36?

Từ thực trạng trên đây, để đảm bảo hài hoá và thúc đẩy thị trường phát triển, Hiệp hội kinh doanh Chứng khoán Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét có lộ trình thích hợp cho việc triển khai thông tư 36 nhằm góp phần thúc đẩy chương trình cổ phần hoá, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng phát triển ổn định!

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ cho nhà đầu tư!

Theo Infonet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến