Tại sao không nên “hoãn” thi hành Thông tư 36?
12/12/2014 16:30:55
ANTT.VN – TS. Võ Trí Thành: “Trong giai đoạn nước rút hiện nay, hơn lúc nào hết, thị trường rất cần một thông điệp tốt về cải tổ, cải cách”.

Tin liên quan

Giờ G đang điểm

Ngày 20/11/2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/02/2015.

Thông tư 36 sẽ thay thế một loạt các văn bản từng gây chú ý trên thị trường trước đây như Quyết định 03 về giới hạn cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, Thông tư 13 về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Tuy nhiên, tính trọn thời gian từ khi ban hành cho tới thời điểm chính thức đi vào thực tiễn của văn bản trên thì dường như “quãng dư” 2 tháng 10 ngày lại chẳng thật sự rộng dài để tất cả ngân hàng có thể nhanh chóng “chỉnh xoay” về đúng chuẩn.

Thời hạn hiệu lực của Thông tư 36 đã đến gần nhưng có không ít ngân hàng vẫn nắm giữ cổ phiếu của nhiều hơn 2 TCTD khác (Ảnh: Internet)

Đơn cử, có thể kể đến như quy định tại Điều 20 của Thông tư trên thì chỉ những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được quyền mua và nắm giữ cổ phiếu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Thêm vào đó, mỗi ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá  2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó.

Đồng thời, tỷ lệ nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng hoặc ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ thị của NHNN.

Quy định rõ ràng là vậy nhưng trên thực tế, hiện tại có không ít trường hợp NHTM đang sở hữu trên 5% cổ phần của các ngân hàng, công ty tài chính cũng như sở hữu cổ phần của nhiều hơn 2 TCTD. Có thể kể đến như Vietcombank hiện đang sở hữu cổ phần ít nhất của 5 TCTD gồm MB (9,6%), OCB (5,1%), Eximbank (8,2%), SaigonBank và Công ty tài chính Xi măng CFC (10,9%). Hay, Maritime Bank hiện cũng đang đầu tư vào MB (9,9%), MD Bank (10,2%), Tài chính Dệt may (11%); Eximbank cũng lại đang sở hữu 9,6% cổ phần của Sacombank...

“Mạng nhện” sở hữu chéo có thể nói là đầy phức tạp và đã có một thời gian dài "thâm căn cố đế ", tuy nhiên, giờ G đang điểm rất gần, liệu rằng có phát sinh những điều chỉnh nào khi mà trong quá khứ có nhiều lần “trống đã điểm nhưng học sinh chưa vào lớp” (Thông tư 02 là một ví dụ điển hình)?

Thông tư 36: Bản chất và mâu thuẫn

Trao đổi với phóng viên ANTT.VN, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, về bản chất, Thông tư 36 được NHNN ban hành hướng đến nhiều đích ngắm.

Điểm thứ nhất, tư tưởng của Thông tư nằm trong tinh thần cải tổ, tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng Việt Nam theo Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Và để cải tổ hiệu quả hệ thống ngân hàng cần thiết phải có 2 ý quan trọng:  1/ Yêu cầu “dần” các NHTM phải cải tiến để đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị, nhất là tiêu chuẩn quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế  2/ Xử lý vấn đề sở hữu chéo, qua đó, tăng tính minh bạch giảm thiểu rủi ro cho các quan hệ tài chính, đầu tư.

Thông tư 36 ban hành cuối tháng trước có khá nhiều các quy định cụ thể về tỷ lệ an toàn vốn; giới hạn cấp tín dụng; tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi. Và những nội dung quy định đó tương đối phù hợp với tinh thần và lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh cần thiết lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng quyết liệt như hiện nay.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Điểm thứ hai lại liên quan đến câu chuyện xử lý những vấn đề trong ngắn hạn và những mục tiêu trong dài hạn.

 Về dài hạn, điều quan trọng để hướng tới là một hệ thống tài chính, tín dụng, ngân hàng thực sự lành mạnh theo đúng tinh thần và phù hợp với các chuẩn mực quản trị quốc tế.

Còn về ngắn hạn, Thông tư 36 cũng là một nỗ lực mà cơ quan quản lý cố gắng hướng đến để xử lý các yêu cầu trước mắt như hỗ trợ phục hồi kinh tế, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ xử lý nợ xấu.

Có thể kể đến như quy định tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đã được điều chỉnh từ 30% lên gấp đôi, là 60%.

Điểm này đã thể hiện tinh thần hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, qua đó, tạo điều kiện gia tăng tín dụng cho vay trung & dài hạn gắn với đầu tư sản xuất kinh doanh, cũng như kéo lãi suất cho vay trung & dài hạn vẫn được đánh giá là cao hiện nay xuống thấp hơn nữa.

Song song với những điểm tích cực đó, theo TS. Võ Trí Thành, chính vấn đề trên sẽ lại làm nảy sinh một mâu thuẫn. Bởi, sự điều chỉnh cũng lại đặt ra một yêu cầu rất cao về mặt giám sát, nếu không, về dài hạn những tác dụng trước mắt đó sẽ lại làm phát sinh một vấn đề mà trong thời gian vừa qua chúng ta đã từng vấp phải. Đó là sai lệch về cơ cấu thời hạn (trong bảng cân đối tài sản) và chính điều này có thể sẽ dẫn đến những vấn đề liên quan về thanh khoản. Tương tự, câu chuyện ngắn hạn – dài hạn cũng đặt ra những mâu thuẫn, thách thức, đòi hỏi xử lý vấn đề trong các quy định về chuẩn mực cho vay đầu tư chứng khoán, khống chế, xử lý sở hữu chéo…

Đồng thời, ngược lại, mục tiêu dài hạn của Thông tư là hướng đến một quy chuẩn tốt để đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn nhưng về ngắn hạn thì lại “vấp”. Vấp phải vấn đề vì nhiều ngân hàng vẫn đang thực hiện cho vay theo những quy định cũ và bây giờ phải điều chỉnh lại nên sẽ có những tác động đối với dòng tiền, đặc biệt là tâm lí đối với thị trường chứng khoán. Bên cạnh nguyên nhân giá dầu giảm thì đây chính là 2 nguyên nhân cơ bản gây ra những xáo động trong thị trường thời gian qua.

“Cộng 2 vấn đề nói trên sẽ liên quan đến một vấn đề thứ ba, đó là, với thời hạn như vậy, đến tháng 2 năm sau thì liệu khả năng thực hiện của các ngân hàng là như thế nào?”.

Giải pháp thực hiện

Tìm lời giải cho chính câu hỏi mà mình vừa đưa ra, TS. Võ Trí Thành nhận định: Nhìn lại thời gian vừa qua, hệ thống ngân hàng đang trong quá trình cải tổ và vẫn còn những vấn đề rất yếu kém cho nên mỗi một lần mà cơ quan quản lý đưa ra những thông lệ chuẩn mực tốt hoặc đưa ra những đòi hỏi phải thay đổi ngay ở 1 số điều khoản nào đấy thì các NHTM đều thấy rằng rất khó thực hiện.

 Và khi đó, vấn đề sẽ được xử lý theo 2 cách: 1/ Gia hạn thêm thời gian 2/ “Mềm hóa” qui định

“Thông tư 02 thấy khó quá thì dùng Thông tư 09, dẫu chưa đưa đến chuẩn mực tốt nhất nhưng vẫn là một bước cải tiến dài”, ông ví dụ.

Trong quá khứ, Thông tư 02 đã từng được điều chỉnh bằng Thông tư 09

Ngoài ra, theo Phó Viện trưởng CIEM, còn cách thứ 3 khi mà câu chuyện không phải “vướng” với cả hệ thống mà chỉ “vướng” với một số ngân hàng thì phương án xử lý sẽ căn cứ vào “cá thể”, tức là, các ngân hàng khác vẫn phải thực hiện, còn một số ngân hàng quá khó khăn quá thì có thể sẽ lại được cho thêm thời gian.

Xét theo khía cạnh đề cao tính ổn định cả hệ thống thì cách làm của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua có phần phù hợp với khả năng chịu đựng, khả năng ứng phó của các NHTM đối với yêu cầu mới.

Nếu Thông tư 36 “hoãn” thi hành….

Nhưng mặt trái của cách làm ấy, sẽ gây ra sự giảm sút lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường, vào cải cách của Việt Nam, bởi, sự “trì hoãn” sẽ làm giảm nhịp tiến trình cải cách và phần nào phản ánh cộng cuộc cải cách là thiếu quyết liệt, thiếu thực chất.

Ngoài vấn đề lòng tin, việc trì hoãn thực hiện các văn bản đã ban hành cũng gây ra những rủi ro đạo đức. Do hoạt động tài chính, ngân hàng có mức lan tỏa rộng và tính dây chuyền nên nếu NHNN không tỏ ra quyết liệt thì rất dễ tạo ra tiền lệ không hay khiến một số ngân hàng tỏ ra “chây ì” trong việc thực hiện quy định.

Đánh giá về lộ trình thực hiện Thông tư 36, TS. Thành chia sẻ:

“Trong trường hợp này, cá nhân tôi cho rằng “chắc” Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài Chính đã có sự phối hợp vì nội dung Thông tư đã bao quát lên cả thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu.

Đồng thời, nội dung mà Thông tư 36 điều chỉnh cũng không phải là điểm khó của toàn hệ thống tài chính mà chỉ khó khăn đối với cá biệt một số ngân hàng (nhất là vấn đề cho vay đầu tư chứng khoán).

Tôi cho rằng quyết định ban hành Thông tư trên cũng đã ít nhiều có sự tính toán, phối hợp giữa NHNN và Bộ Tài chính, đồng thời, cũng không giống như vấn đề xử lý nợ xấu mang tính phổ biến đối với các NHTM gắn với Thông tư 02 và Thông tư 09. Do vậy, trong lần này, cá nhân tôi không muốn nhìn thấy một sự trì hoãn như cách làm cũ, đặc biệt là trong giai đoạn nước rút hiện nay khi mà hơn lúc nào hết, thị trường rất cần một thông điệp tốt về cải tổ, cải cách.

Tuy nhiên, khi Thông tư chính thức có hiệu lực, có thể có một vài ngân hàng sẽ rất khó khăn, nên nếu có “giãn” thì cũng chỉ mang tính cá thể và cần 1 sự giám sát nghiêm khắc, tránh trường hợp về rủi ro đạo đức”.

Trao đổi với báo chí, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, NHNN sẽ không lùi thời hạn thi hành Thông tư 36 bởi đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu và bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu.

 

N.G

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến