Dòng sự kiện:
Kiến nghị tiêm vắc-xin mũi 3 cho 320.000 công nhân ở TP HCM
23/11/2021 15:02:51
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, hơn 300.000 công nhân của 1.500 nhà máy tại 18 Khu là lực lượng chủ lực trong sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu của TP.

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA) - vừa có văn bản kiến nghị Thành ủy, UBND TP HCM và các cơ quan liên quan tiêm mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19 tăng cường cho 320.000 công nhân đang làm việc tại 18 Khu chế xuất - Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao.

Theo ông Bé, hơn 300.000 công nhân của 1.500 nhà máy tại 18 Khu là lực lượng chủ lực trong sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu của TP HCM. Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đã đạt hơn 27 tỷ USD.

"Trong tình hình dịch bệnh bùng phát từ tháng 6-9 đã có hơn 700 nhà máy cùng hơn 70.000 công nhân hoạt động sản xuất theo '3 tại chỗ'. Chỉ với 67 nhà máy của Khu công nghệ cao sản xuất trong 8 tháng vẫn đạt tổng kim ngạch xuất khẩu là trên 16 tỷ USD", lãnh đạo HBA đánh giá.

Do đó, hiệp hội kiến nghị tiêm mũi 3 tăng cường cho 320.000 công nhân chính quy là lực lượng chính đang lao động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu tại các Khu công nghiệp - Khu chế xuất và Khu công nghệ cao.

Từ tháng 10 đến nay, TP HCM đã tiêm mũi 2 vắc-xin cho 310.000 công nhân đang làm việc tại các Khu công nghiệp - Khu chế xuất và Khu công nghệ cao. Ảnh: Duy Hiệu.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị cần ban hành sớm quy chế y tế, đẩy nhanh tiến độ thành lập các khu cách ly tập trung của Khu chế xuất - Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao.

"Đến nay Chi hội Khu công nghệ cao đã vận động các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động các Khu cách ly. Nhưng do chưa có quy chế hoạt động cụ thể của Sở Y tế, nhằm làm rõ trách nhiệm của cơ quan y tế nhà nước và trách nhiệm của nhà đầu tư các Khu", đại diện HBA cho biết.

Do đó, nhà nước cần phải đầu tư đội ngũ y tế điều hành và thuốc điều trị. Đồng thời ban hành Quy chế y tế hoạt động Khu cách ly tập trung do các Khu thành lập nhằm xác lập rõ ràng trách nhiệm của y tế nhà nước và sự hỗ trợ của nhà đầu tư.

Không chỉ vậy, Hiệp hội cho rằng không thể coi các Khu, nhà máy, doanh nghiệp là nguyên nhân chính gây lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. "Người công nhân chỉ là làm việc 8 giờ trong nhà máy, doanh nghiệp còn 16 giờ sống trong cộng đồng cần được địa phương hỗ trợ giúp đỡ, quan tâm như mọi cư dân bình thường khác", lãnh đạo hiệp hội kiến nghị.

Theo thống kê, đến nay đã có 1.440/1.497 nhà máy, doanh nghiệp tại 18 Khu đã tái hoạt động với tỷ lệ trên 97%, với hơn 300.000 công nhân. Do vậy số lượng F0 chắc chắn sẽ tăng lên và hiện có khoảng 2.824 công nhân F0 đang điều trị nhiều nơi.

Từ ngày 20-30/6, TP đã tiêm ưu tiên mũi 1 cho 320.000 công nhân (đạt 98%); từ tháng 10 đến nay đã tiêm mũi 2 cho 310.000 công nhân đang làm việc tại các khu (đạt 95%).

Thực tế nhà máy, doanh nghiệp khi tiếp nhận công nhân hoặc công nhân đang sản xuất bị phát hiện là F0 đang rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", chậm được giải quyết.

Do khi tuyển dụng doanh nghiệp phát hiện công nhân bị nhiễm F0, trở về nhà trọ điều kiện chữa trị không phù hợp. Tại nhà máy thì chưa quyết định tuyển dụng nên chưa thể đi các bệnh viện đã ký kết.

Tại nhà máy, tuy đã ký kết với bệnh viện nhưng tình trạng quá tải nên công nhân F0 thường lưu giữ kéo dài tại nhà máy. Ngoài ra cũng có tình trạng cơ quan phòng, chống dịch địa phương đùn đẩy qua lại trong việc tiếp nhận F0.

Tác giả: Thanh Thương

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến