Kiện URC bằng vỏ chai C2, Rồng đỏ thuộc lô hàng bị thu giữ được không?
02/06/2016 17:01:05
ANTT.VN – Sau sự việc ngày 31/5, Cty URC Hà Nội bị phạt 5,8 tỉ đồng vì hàng loạt hành vi vi phạm trong đó có việc sản xuất 2 lô C2, Rồng Đỏ với hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, người tiêu dùng băn khoăn không biết có thể kiện đòi cty này bồi thường sau khi đã sử dụng sản phẩm của họ hay không.

Tin liên quan

Ngày 31/5/2016, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH URC Hà Nội do ông Jean Pierre Gamboa, Tổng giám đốc Công ty TNHH URC Việt Nam làm đại diện.

Theo đó, URC Hà Nội có hàng loạt hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong đó có việc sản xuất 2 lô C2, Rồng Đỏ với hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Tổng cộng các lỗi sai phạm, URC Hà Nội bị phạt hành chính 5,8 tỉ đồng.

Quyết định xử phạt này đã giải tỏa được sự căng thẳng như “quả bóng sắp nổ” của dư luận trong những ngày qua. Tuy nhiên, ngay sau khi sai phạm của cty này được các cơ quan chức năng xác nhận, người tiêu dùng băn khoăn không biết có thể khởi kiện để đòi bồi thường sau khi lỡ dùng các sản phẩm kém chất lượng của cty này hay không.

ANTT.VN đã có cuộc trao đổi ngắn với luật sư Nguyễn Quang Ngọc - (Giám đốc Công ty Luật Quốc Tế Thiên Việt (VIETSKY LAW FIRM), Giám đốc Trung tâm pháp luật – Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, thành viên Đoàn luật sư Hà Nội):

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc

Thưa luật sư Nguyễn Quang Ngọc, việc doanh nghiệp làm ăn gian dối gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như trường hợp URC vừa rồi, liệu người tiêu dùng có thể tiến hành khởi kiện để đòi bồi thường được không?

LS Nguyễn Quang Ngọc: Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện theo quy định tại Mục 6 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 8 của Luật này quy định về “Quyền lợi của người tiêu dùng”, trong đó mục 6 nêu rõ người tiêu dùng có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”.

Trong trường hợp này, URC đã vi phạm cam kết về chất lượng hàng hóa công bố, cụ thể là hàm lượng chì cao hơn mức niêm yết trên sản phẩm và điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Trường hợp người tiêu dùng muốn kiện URC thì cần làm theo trình tự như thế nào, thưa luật sư?

LS Nguyễn Quang Ngọc:  Tại Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

Bước 1 là giải quyết bằng thương lượng, nếu không tự thương lượng được thì tiến hành hòa giải, nếu vẫn không đạt được sự đồng thuận thì đưa ra trọng tài, thậm chí tòa án xét xử.

Người tiêu dùng có thể đơn phương khởi kiện hoặc thông qua Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Khi tiến hành khởi kiện, người tiêu dùng cần xuất trình những giấy tờ hoặc căn cứ gì?

LS Nguyễn Quang Ngọc:  Người tiêu dùng có nghia vụ cung cấp các chứng cư  chung minh như việc sở hữu,  mua bán, sử dụng hàng hoá, hậu quả do sử dụng hàng hóa kém chất lượng đó và mức bồi thường yêu cầu.

Làm sao có thể chứng minh được hậu quả, trong khi việc sử dụng thực phẩm nhiễm chì không có biểu hiện tác hại ngay lập tức và thường để lại hậu quả về lâu dài, thưa luật sư?

LS Nguyễn Quang Ngọc:  Đó chính là một trong những vấn đề bất cập nhất trong luật pháp về bảo vệ người tiêu dùng hiện nay mà chúng ta chưa giải quyết được.

Tôi nghĩ trong quá trình hoàn chỉnh luật về sau, với những sản phẩm có chứa chất độc hại gây hậu quả lâu dài cho sức khỏe người tiêu dùng như thế này thì nên bỏ qua yêu cầu chứng minh hậu quả.

Trong trường hợp người tiêu dùng không có hóa đơn mua hàng nhưng vẫn còn giữ được vỏ chai có ghi rõ số lô hàng trùng với lô sản phẩm bị thu hồi thì có thể dùng vỏ chai đó để kiện đòi bồi thường được hay không?

LS Nguyễn Quang Ngọc:  Tôi nghĩ là rất khó, vì luật yêu cầu người tiêu dùng chẳng những phải chứng mình được mình là người mua chai nước nhiễm chì đó mà còn cần phải chứng minh mình chính là người đã sử dụng chai nước đó. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên tham khảo ý kiến của luật sư trước khi tiến hành bởi vì cần đánh giá được từng trường hợp cụ thể mới có thể xác định được việc khởi kiện là có căn cứ hay không.

Xin cảm ơn luật sư.

Được biết, hiện nay, trong nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng là nạn nhân của các sản phẩm C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì này, một số luật sư - những người am hiểu về pháp luật, đã đứng ra kêu gọi thành lập “Hội các luật sư vì cộng đồng”.

Các luật sư tham gia Hội này nhận hỗ trợ miễn phí cho người tiêu dùng trong vụ kiện chống lại tập đoàn URC Việt Nam.

Hiện tại đã có những luật sư sau sẵn sàng trợ giúp người tiêu dùng:

1. Luật sư Phạm Công Út, Trưởng VP Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư TPHCM)

2. Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Cty Luật Basico

3. Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh

4. Luật sư Hoàng Giao, Công ty Luật Hoàng Giao & Cộng sự

Người tiêu dùng có thể liên hệ các văn phòng luật sư nói trên hoặc trang FB chính thức của Hội Bảo vệ người tiêu dùng tên là “Bảo vệ người tiêu dùng”.

Minh Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến