Bê bối nhiễm chì, URC có thể ‘sập tiệm’ nếu ở…Mỹ
22/05/2016 08:32:58
ANTT.VN – Khủng hoảng rồi sẽ qua đi, nhưng cái cách URC đứng ra xử lý nó có thể quyết định chính tương lai của công ty này.

Tin liên quan

Thanh tra Bộ Y tế hôm thứ Sáu có thông báo tạm dừng lưu thông và tiến hàng thu hồi 3 lô sản phẩm C2 và Rồng Đỏ của URC vì kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Đã gần hai ngày trôi qua, vẫn chưa có bất cứ thông báo nào từ URC. Trong lúc này, người tiêu dùng Việt đang chờ đợi một lời xin lỗi, ít nhất là như vậy đã.

Với người tiêu dùng, những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe là không thể tránh khỏi. 

Trong lúc này, dù rằng ở một xã hội pháp trị, tiền bạc không thể đánh đổi được sức khỏe, tính mạng người dân, song những khoản phạt, bồi thường thật lớn, thật nặng sẽ không chỉ có ý nghĩa đòi lại công lý cho người tiêu dùng, mà còn thực hiện chức năng răn đe đối với những công ty coi thường khách hàng, thách thức pháp luật.

Tại sao URC sẽ không phải trường hợp cuối cùng?

Ai cũng biết là vậy, tuy nhiên trong sự việc URC, e rằng giải pháp đưa ra sẽ chỉ giỏi lắm lại là thu hồi sản phẩm, phạt vài ba trăm triệu đồng rồi ‘ai về nhà nấy’, như nhiều vụ việc tương tự trong quá khứ.

Cuối năm 2015, một cửa hàng sản xuất bánh trung thu đình đám nhất nhì Hà Nội bị bắt quả tang không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với năng suất hàng trăm nghìn chiếc bánh tung ra thị trường mỗi năm, đồng nghĩa với chừng ấy người dân Hà Nội mua bánh về để ‘đầu độc’ người thân, bạn bè trong hàng bao nhiêu năm trời, cuối cùng chỉ bị xử phạt…14 triệu đồng.

Theo Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an, năm 2015, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 3.365 vụ liên quan đến an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính trên 2.400 vụ với số tiền gần 17 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi vụ việc bị xử phạt 7 triệu đồng.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ nhoi trong cái thời đại mà đồng tiền dường như được đặt lên trên nhất. Chủ doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe khách hàng. Một bộ phận ‘con sâu’ trong các cơ quan chức năng cũng vì tiền mà làm ngơ, cho qua các doanh nghiệp thực phẩm bẩn. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế lại lặp lại, doanh nghiệp thấy có tiền là có luôn quyền, lại càng vi phạm để kiếm ra thật nhiều tiền.

URC bán nước uống nhiễm chì, họ bị phạt là đương nhiên. Nhưng thực tế là hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn chai nước nhiễm chì đã tung ra thị trường có khác nào mầm mống tai ương cho những thế hệ sau của người Việt? 

Điều gì gây nên nông nỗi này? Do pháp luật Việt Nam còn thiếu và yếu, chưa đủ cơ chế bảo vệ người tiêu dùng? Chắc là vậy rồi. Thế còn khách hàng thì sao. Vâng, lỗi của họ là mua chai nước không…xin hóa đơn.

Năm 2007, trong một vụ việc hi hữu, ông Hà Hữu Tường, P.Bình Chiểu, Quận Thủ Đức, TP HCM đã gửi đơn đến TAND TP HCM khởi kiện các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nước tương có chất 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn quy định. Nhưng cuối cùng vụ kiện cũng rơi vào im lặng vì khi quan tòa yêu cầu chứng cứ mua hàng, ông Tường ‘ngẩn tò te’ bởi trước đó mua chai tương ớt không lấy hóa đơn.

Nói vậy để biết nhiều người búc xúc đòi kiện cho URC ‘sập tiệm’, nhưng xin thưa rằng rồi sẽ chẳng có ai đứng ra kiện cả, bởi người ta biết với hệ thống luật pháp như hiện tại, có kiện cũng chỉ như ‘con kiến kiện củ khoai’.

Quan tòa chỉ cần hỏi hóa đơn mua hàng đâu, là đã ngã ngửa ra rồi. Mà có trưng được ra chứng cứ mua hàng đi nữa, thì quá trình chứng minh được thiệt hại chắc phải tính bằng đơn vị năm, kéo theo nhiều phiền phức liên quan tới pháp luật. Người Việt mình thì lại có ‘đức tính’ không thích dính dáng vào những cái mà họ cho là rắc rối này, họ chỉ thích được yên thân làm ăn.

Bởi luật pháp hiện tại không có những chế tài bảo vệ người tiêu dùng một cách hiệu quả, nên thực tế các vụ kiện liên quan vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta thường được tòa án xử lý theo hướng … hòa giải. Mà nếu khách hàng có thắng đi nữa thì cũng chỉ được bồi thưởng một khoản tiền rất nhỏ (so với doanh nghiệp), trong khi sẽ rất rủi ro nếu thua kiện, bởi suy cho cùng, bị đơn là người có tiềm lực tài chính, có mối quan hệ rộng lớn hơn nguyên đơn rất nhiều.

‘Được vạ thì má đã sưng’, đó là câu nói cửa miệng của người Việt Nam đã từ bao đời nay.

URC có thể ‘sập tiệm’ nếu ở … Mỹ

Việc các công ty thực phẩm, các chuỗi cửa hàng lớn bị cấm hoạt động, hoặc phải nộp đơn phá sản sau các scandal vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm không phải chuyện hiếm ở Mỹ.

Năm 2003, một chi nhánh trong chuỗi cửa hàng Chi Chi, bang Pennsylvania đã nhập khẩu hành tây có chứa vi khuẩn viêm gan từ Mexico, gây ngộ độc hơn 650 người, biến đây trở thành một trong những vụ bê bối thực phẩm lớn nhất lịch sử nước Mỹ.

Hàng trăm đơn kiện sau đó đã được các tòa án liên bang ở Mỹ thụ lý, với phần thắng chủ yếu nghiêng về nguyên đơn. Trong đó một người đàn ông bị suy thận sau khi ăn tối tại chi nhánh trên đã được bồi thường tới 6,25 triệu USD.

Phải nộp số tiền phạt, bồi thường 'khủng khiếp', tuy nhiên mất mát uy tín nghiêm trọng từ người tiêu dùng mới là mối nguy lớn nhất đối với chuỗi cửa hàng Chi Chi.

Thật vậy, công ty này nhanh chóng bị tẩy chay sau đó, dẫn tới phải nộp đơn phá sản, đóng cửa toàn bộ 65 nhà hàng tại Mỹ và Canada. Một doanh nghiệp cùng lĩnh vực đã mua lại số bất động sản của Chi Chi với giá 42,5 triệu USD, tuy nhiên từ chối tiếp nhận thương hiệu này.

Hay gần đây hơn, tháng 9/ 2012, nhà sản xuất đậu phộng lớn nhất Mỹ Sunland bị giới chức nước này cáo buộc vi phạm quy chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm trọng, để vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào nhà máy, quy trình sản xuất và qua đó đi vào hàng trăm tấn thành phẩm đậu phộng. Sunland sau đó đã phải triệu hồi toàn bộ sản phẩm và đối mặt với án phạt nặng nề từ chính quyền bang New Mexico. 

Tháng 11/ 2012, công ty này bị cấm hoạt động. Gần một năm sau, tháng 9/2013, Sunland phải tuyên bố phá sản, để lại khoản nợ lên tới 100 triệu USD.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc thể hiện sự tôn trọng cao đối với sức khỏe người dân của luật pháp Mỹ.

Quay trở lại với URC, có lẽ trước mắt họ vẫn sẽ ưa thích làm việc với chính quyền và giới truyền thông, hơn là cầu thị, thẳng thắn và sòng phẳng với khách hàng, những khái niệm mà chắc đã không tồn tại trong tôn chỉ hoạt động của họ từ lâu.

Khủng hoảng rồi cũng sẽ qua, nhưng xét cho cùng, không có sự lấp liếm nào qua mắt được hàng chục triệu người tiêu dùng Việt cả. Chỉ có những công ty làm ăn uy tín, đặt quyền lợi và sức khỏe của khách hàng lên hàng đầu mới là những người tồn tại được đến cùng trong thương thường cạnh tranh khốc liệt.

Nghi Điền

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến