Dòng sự kiện:
Kinh phí ước tính cuộc đua gay cấn với ‘thần chết’ từ Hà Nội vào Huế bao nhiêu?
19/05/2018 13:42:22
Điều đặc biệt của ca ghép tim này là quả tim của người hiến ở Hà Nội được vận chuyển bằng đường hàng không đến Huế.

Như ANTT đã đưa, ngày 16/5, ê kíp phẫu thuật ghép tim của Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện ca ghép tim cho một bệnh nhân 52 tuổi, bị suy tim độ 4.

Được biết, ê kíp phẫu thuật tim, đứng đầu là ThS.BS Trần Hoài Ân, ê kíp gây mê hồi sức do BSCKII Đặng Thế Uyên phụ trách, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện TW Huế đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ quả tim bệnh lý và ghép quả tim hiến khỏe mạnh vào cơ thể người nhận.

Toàn bộ các e kíp mổ, ê kíp gây mê, kíp tuần hoàn ngoài cơ thể, kíp rửa tạng đã tập trung phối hợp rất khẩn trương và nhịp nhàng.

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, tổng thời gian quả tim hiến thiếu máu là 5 giờ 30 phút, nằm trong giới hạn cho phép thiếu máu của quả tim ghép là từ 4 đến 6 giờ. Quả tim ghép đã tự đập và đảm bảo huyết động trong lồng ngực của người bệnh lúc 13h25 ngày 16/5.

Bệnh nhân ghép tim được hồi sức ổn định huyết động và chuyển về phòng hồi sức tim lúc 17h cùng ngày sau khi hoàn tất các công đoạn cuối cùng. Đây là ca ghép tim khó do thời gian vận chuyển quả tim từ Hà Nội về Huế đã mất hơn ba tiếng đồng hồ.

Đến 8h ngày 17/5, bệnh nhân may mắn được ghép tim đã hoàn toàn tỉnh táo, huyết động ổn định, tự thở và tiếp tục được chăm sóc theo dõi cũng như tập vận động nhẹ để phục hồi chức năng cơ thể.

Ê kíp mổ nhận hoa chúc mừng từ Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nói về quá trình phẫu thuật, GS.TS Phạm Như Hiệp cho biết, sau khi ghép quả tim vào người nhận thì xảy ra những khó khăn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Cụ thể là trong trường hợp này, khi đã phẫu thuật ghép tim vào rồi nó đập không có hiệu quả, không đẩy máu đi được nhiều nên có nguy cơ dẫn đến suy tim. Tuy nhiên, kíp phẫu thuật đã gấp rút sử dụng những biện pháp hỗ trợ để tăng nhịp tim lên, kiểm tra liên tục bằng siêu âm qua thực quản và đặc biệt là thực hiện các biện pháp để tăng cường lực bóp của tim. Cứ như thế, đến khoảng nửa giờ đồng hồ sau thì tim đập nhịp tốt.

“Một khó khăn nữa là sau khi mổ xong thì xuất hiện chảy máu ở điểm sau của xương ức vì chỗ đó là khó may nhất. Đặc biệt, đối với ghép tim thì đây là điều rất nguy hiểm. Nhưng sau khi tiến hành các biện pháp thì chúng tôi đã cầm máu được cho bệnh nhân”, GS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ.

GS.TS Phạm Như Hiệp cũng thông tin, kinh phí để phẫu thuật một ca ghép tim trên thế giới lên đến 300.000 USD, thậm chí có ca lên đến 1 triệu USD. Còn kinh phí cho ca phẫu thuật ghép tim ở Bệnh viện TW Huế như mới đây thì vẫn chưa có thống kê cụ thể vì quá trình điều trị còn dài và có nhiều diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, kinh phí ước tính từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến