Kinh tế Việt Nam: Mất 15 năm chỉ để 'dò đá qua sông'
29/08/2015 14:30:18
Dưới những nhìn và đánh giá khách quan, kinh tế Việt Nam hiện nay đang bị cho là "tụt hậu" gấp nhiều lần so với các quốc gia khác, trong khi trước đó đã mất một khoảng thời gian tới 15 năm chỉ để... "dò đá qua sông".

Tin liên quan

Kinh tế Việt Nam đang tụt hậu như thế nào?

Tại hội thảo "Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015- 2035", những ý kiến khách quan nhất về tình hình kinh tế của Việt Nam đã được đưa ra từ lãnh đạo các bộ ngành và đại diện của các cơ quan nghiên cứu kinh tế trong nước và quốc tế.

Đáng buồn thay là những nhận xét lời nhận xét đó chỉ xoay quanh hai từ "tụt hậu", sau khi những vấn đề nổi cộm nhất của nền kinh tế Việt Nam đã được thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung không ngần ngại chia sẻ quan điểm: "Chúng ta tự hào về tăng trưởng bình quân 7% nhưng giai đoạn  từ 2008 trở lại nay chỉ còn hơn 5%. Nguy cơ tụt hậu của Việt Nam rất lớn nếu không thay đổi."

Còn TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại thẳng thắn cho rằng: “Không nên nói nguy cơ tụt hậu vì chúng ta đã tụt hậu rồi, thậm chí một số lĩnh vực còn tụt hậu xa. Phải tuyên bố rằng vấn để tụt hậu là rất gay gắt và đặt trong bối cảnh hội nhập thì nó sẽ còn nguy hiểm cỡ nào”.

Kinh tế Việt Nam tụt hậu không còn là nguy cơ mà là đã và đang xảy ra - Ảnh minh họa

Theo  báo cáo của Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam hiện đang duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khá,  tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 1990 - 2014 đạt 6,9% một năm, đưa Việt Nam từ một nước thuộc nhóm các nước nghèo trên thế giới thành nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, đà tăng này đang có chiều hướng giảm xuống so với giai đoạn trước và chậm lại so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, gấp 21 lần so với năm 1990, nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008 và Philippines năm 2010.

Còn tính tại cùng một thời điểm năm 2014 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malsyaia, và 1/27 của Singapore.

Theo ông Cung, nếu tăng trưởng 5% thì đến 2035, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới bằng 75% của Trung Quốc hiện nay, và bằng 83% của Thái Lan. Nếu tăng  trưởng 7%/năm thì may ra từ nay đến 2035 mới đuổi kịp được các nước.

Trong khi đó, việc cân bằng ngân sách của Việt Nam đang thực sự có vấn đề khi tăng thu chậm hơn tăng chi, tốc độ tăng chi đầu tư thấp hơn tốc độ tăng chi thường xuyên.

Do đó mà nợ công quốc gia đã lên tới mức báo động, cao hơn các nước trong khu vực và thậm chí còn lọt cả vào top 15 những quốc gia có nợ công ở mức nguy hiểm nhất thế giới, do Bank of America nghiên cứu và thông kê.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2014 ước tính 2,346 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 110 tỷ USD. Như vậy, trung bình mỗi người dân Việt Nam hiện đang "treo" ở trên đầu một khoản nợ khoảng hơn 1.200 USD.

Cụ thể, tổng nợ công (nợ của Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 54,5% GDP 2013 lên mức 59,6% năm 2014.

Mặc dù nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định khoảng 27 - 28% GDP trong giai đoạn 2010 - 2014, nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP năm 2014.

Trong khi đó, việc phân bổ vốn lại tập trung vào những ngành năng suất thấp, thậm chí năng suất âm như bất động sản, tài chính, xây dựng…. do tín hiệu thị trường sai lệch, đầu cơ lấn át đầu tư và thu nhận địa tô nhiều hơn là tạo ra giá trị gia tăng mới.

Không chỉ sở hữu một kiểu “ngân sách có hại” cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế Việt  Nam như vậy, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay còn được các chuyên gia đánh giá rằng dù có cải thiện những vẫn đang bị "thụt lùi" do tăng suất nội ngành vẫn ở mức thấp.

Hiện tại tỷ trọng nông nghiệp vẫn còn ở mức lớn, chiếm tới 38,3%, trong khi tỷ trọng nông nghiệp ở Philippines chỉ còn  31,1%.

Riêng về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index – GCI), Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia, theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Mất 15 năm để "dò đá qua sông"

Theo ý kiến đánh giá của hầu hêt các chuyên gia, trong thời kỳ này, nếu Việt Nam muốn phát triển, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước trong khu vực thì không chỉ thực hiện mỗi việc ổn định kinh tế vĩ mô, mà còn phải phải thay đổi căn bản thể chế của nền kinh tế.

Do đó, việc cần làm là phải nâng cấp, tăng chất lượng của nền kinh tế theo hướng nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, thực sự mở cửa và hội nhập, thu hút được các nguồn lực bên trong và bên ngoài để phát triển bền bững.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải thay đổi vai trò của nhà nước phù hợp hơn trong nền kinh tế thị trường để tạo sự công bằng, cạnh tranh, không coi kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo mà thay vào đó tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

“Nếu tiếp tục coi kinh tế nhà nước là chủ đạo thì về cơ bản, chúng ta không thể thu hẹp quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước phù hợp với yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ. Cải cách doanh nghiệp nhà nước chỉ nửa vời, không dứt khoát, thiếu thực chất…thì những méo mó, sai lệch thị trường hiện hữu lâu nay vẫn sẽ tồn tại. Điều đó sẽ dẫn đến việc hình thành một nền kinh tế thị trường “lưỡng thể”, thị trường mà chẳng phải thị trường”, TS. Cung nhấn mạnh.

Không những thế, đứng trước cánh cửa bước tới các Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã và sắp ký kết trong thời gian tới, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi rất mạnh mẽ, nếu không sẽ rơi vào bẫy thương mại tự do, thị trường trong nước sẽ biến thành thị trường của doanh nghiệp nước ngoài, khống chế doanh nghiệp trong nước.

Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển tại hội thảo lần này cũng đánh giá rằng, quá trình đổi mới tư duy sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN trong vòng 15 năm vừa qua là hành trình “dò đá qua sông”. Quá trình này rất dò dẫm về lý thuyết, lý luận, nhận thức về mô hình mới vẫn chưa rõ ràng nên gây khó cho việc hoạch định chính sách.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh: "Chúng ta đã dò dẫm, dò đá qua sông quá lâu rồi, không còn thời gian nữa. Người dân cũng không thể ngồi mãi để chờ lý luận, bởi chờ thì không biết cuộc sống của họ sẽ đi tới đâu".

Do đó, việc cải cách kinh tế sẽ cần phải thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn, chứ không còn thời gian để làm theo kiểu nửa vời, lưng chừng được nữa.

Theo VTCNews

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến