Dòng sự kiện:
Kỳ 3: “Vạch nhiễu tìm thù” cho tên lửa SAM-2
18/12/2014 11:08:05
ANTT.VN – Để triệt phá phương tiện tấn công đường không hiện đại nhất của Mỹ, phía Việt Nam đã sử dụng tên lửa SAM-2 với cự li bắn hiệu quả lên tới 32 km.

Tin liên quan

“Siêu pháo đài bay”  B52

Từ khi mới ra đời và trong suốt một thời gian dài được bộ máy chiến tranh của Mỹ quảng cáo là một loại “Siêu pháo đài bay”, B52 được xem là loại phương tiện tấn công đường không quân hội tụ những thành tựu mới nhất của một nền quân sự hiện đại đứng hàng đầu thế giới; là thứ vũ khí hủy diệt linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ (tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược).

máy-bay-B52

Máy bay B52  (Nguồn: internet)

B52 là loại máy bay khổng lồ với chiều cao hơn 12 mét (tương đương một tòa nhà 3 tầng bình thường); chiều dài gần 50 mét, sải cánh hơn 56 mét và nặng trên 200 tấn… Với 8 động cơ phản lực cực khỏe, B52 có khả năng bay cao tới 20 km và bay xa nhiều ngàn km mà không phải tiếp nhiên liệu…

B52  được thiết kế có thể mang tới hơn 100 quả bom. Bởi thế, khi thực thi các phi vụ, chúng thường ném bom theo kiểu “rải thảm” có khả năng hủy diệt cả một vùng rộng lớn. Các chuyên gia quân sự Mỹ tính rằng: một tốp 3 chiếc B52 có sức mạnh hơn cả 30 máy bay cường kích tập trung lại, đủ biến diện tích hơn hai km vuông thành tử địa. Sẽ không có một loại sinh vật nào tồn tại được dưới sức mạnh hủy diệt khủng khiếp của B52 rải thảm.

Trong thực tế, mỗi khi đi ném bom, B52 không bay đơn lẻ mà thường tập trung thành từng tốp. Nhiều phi vụ chúng bay 6 tốp (18 chiếc), thậm chí những trận cao nhất có thể bay tập trung hàng chụp tốp. Cùng bay với B52 còn có một lực lượng hùng hậu  máy bay tiêm kích F-4, F-105 bay hộ tống và bảo hộ xung quanh.

Lần đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng B52 ở chiến trường Việt Nam là ngày 18 tháng 6 năm 1965. Họ đã cho 10 tốp (30 chiếc) B52  bay từ đảo Guam đến “rải thảm” một vùng căn cứ kháng chiến của ta ở huyện Bến Cát (cách Sài Gòn khoảng 50 km về phía Bắc). Tiếp theo đó, chúng cho rải những tờ truyền đơn có vẽ những chiếc pháo đài bay B52 đang rải thảm, cùng những lời lẽ đe dọa đầy chết chóc để hòng khủng bố tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

Thực tế, tại chiến trường miền Nam sau đó, B52 đã từng “làm mưa làm gió”, chúng thường mang bom đi “rải thảm” ở nơi nghi ngờ có căn cứ kháng chiến của cách mạng. Do chúng bay rất cao, nên các loại vũ khí phòng không tầm thấp của Quân giải phóng miền Nam đã không có khả năng bắn hạ.Vì vậy, B52 cũng đã gây không ít thiệt hại và khó khăn cho quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày 12 tháng 4 năm 1966, B52 của Mỹ đã xâm phạm vùng trời miền Bắc Việt Nam. Chúng ném bom ở đèo Mụ Giạ, miền Tây Quảng Bình. Tiếp đó là những đợt rải thảm ác liệt xuống địa bàn Vĩnh Linh và cực Nam quân khu Bốn…

Trong cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ vào thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng… Cuối tháng 12 năm 1972, pháo đài B52 được coi là vũ khí “át chủ bài” của Lầu Năm Góc. Tổng thống Mỹ hy vọng những chiếc “siêu pháo đài bay khổng lồ” B52 và những trận bom “rải thảm” hủy diệt sẽ giúp ông ta khuất phục được ý chí của người Việt Nam. Hà Nội sẽ phải đầu hàng, hoặc “ngoan ngoãn” chấp nhận những điều kiện có lợi cho mỹ trong Hiệp định Paris.

Các chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây đều dự đoán rằng: Tính từ khi các loạt bom “rải thảm” đầu tiên được trút xuống Hà Nội và Hải Phòng, cùng lắm chúng ta chỉ chịu đựng được không quá…ba ngày đêm! Khi cuộc tiến công mới bắt đầu, báo chí Mỹ đã tung tin, vẽ ra một thảm kịch hãi hùng: “Hà Nội sẽ là tử địa!”, “Các nhà lãnh đạo Bắc Việt sẽ phải đứng trước một bản án nghiêm khắc dành cho kẻ chiến bại” và “Hà Nội sẽ không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc chấp nhận các yêu cầu của Mỹ!”.

B52 lợi hại như thế, nên hầu như tất cả các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa anh em và bạn bè quốc tế đều lo lắng thay cho Việt Nam. Trong không khí căng thẳng tột độ của những ngày diễn ra “cuộc quyết đấu” 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” ấy, cả thế giới yêu chuộng hòa bình như cùng hướng về Hà Nội và nín thở theo dõi…

Trước khi tham chiến tại Việt Nam, máy bay ném bom chiến lược B52 chưa từng bị quân đội nước nào bắn rơi. (Và sau cuộc chiến tranh Việt Nam cũng vậy, B52 vẫn tiếp tục tác oai, tác quái ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng chúng đều không bị bắn hạ). Với những trang bị kĩ thuật điện tử tối tân có trong máy bay, người Mỹ thường rêu rao với cả thế giới rằng: Pháo đài bay B52 là bất khả xâm phạm!

Làm thế nào để bắn rơi được B52? Đó là một câu hỏi lớn không chỉ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội ta, mà là của tất cả những người Việt Nam yêu nước.

SAM-2 – “khắc tinh của B52”

Người ta đã nói nhiều về chuyện tên lửa SAM-2 bắn rơi B52 Mỹ nhưng không phải ai cũng biết đến nguồn gốc xuất xứ của nó như thế nào?

Cái tên SAM-2 là do viết tắt của các chữ tiếng Anh “Suface To Air Missile Type 2” (Tên lửa đối đất không kiểu 2) do Mỹ và phương Tây đặt ra để gọi một loại tên lửa của Liên Xô trong thời kì chiến tranh lạnh. Còn ở quê hương của SAM-2, nó được mang tên một dòng song nổi tiếng của Nga: Tên lửa Dvina, kí hiệu là CA-75M.

Tên-lửa-SAM2

Tên lửa SAM-2 (Nguồn: Internet)

Tên lửa SAM-2 được cải tiến từ loại tên lửa SAM-1. Về tính năng, nó có độ cao bắn hiệu quả lớn nhất 23km, cự li bắn hiệu quả nhất là 32 km. Nghĩa là, tầm bắn của SAM-2 có độ cao vượt xa khả năng cao nhất của pháo đài B52 đạt được (B52 có thể bay cao 20 km, ném bom ở độ cao 17km, nhưng nếu muốn ném bom chính xác thì phải hạ độ cao xuống thấp từ 9km đến 11km).

Mỗi quả tên lửa SAM-2 đều có một đầu đạn chứa 200 kg lượng thuốc nổ TNT, có sức công phá lớn. Khi quả đạn được phóng lên, còn cách mục tiêu khoảng vài chục mét, hiệu ứng vô tuyến sẽ kích thích đầu đạn tự nổ. Khoảng 12.000 mảnh kim loại sẽ phóng ra xung quanh với sức công phá lớn. Vụ nổ sẽ tạo nên một quả cầu lửa sáng chói, nhiệt độ tăng đột ngột hàng ngàn độ cùng sức ép cực mạnh của sóng xung kích… Tất cả điều đó có thể bắn rơi máy bay Mỹ.

Tuy nhiên, SAM-2 muốn bắn rơi được B52 thì phải nhờ ra đa xác định mục tiêu. Trong cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng sức mạnh của không quân Mỹ không chỉ là máy bay và bom đạn…mà còn là hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh! Có thể coi đó là một “Cuộc chiến tranh điện tử”, là thủ đoạn chủ yếu nhất của quân đội Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm. Đó là thủ đoạn sử dụng những phương tiện điện tử hiện đại, công suất lớn trang bị trên máy bay làm nhiễu loạn toàn bộ hệ thống thông tin và vô hiệu hóa các loại ra đa cảnh giới bầu trời, điều khiển tên lửa, ngắm của pháo cao xạ dẫn đường cho máy bay MIG…của Việt Nam.

Người Mỹ cho rằng: Trong đêm tối, lực lượng Phòng không – Không quân phía Việt Nam sẽ không thể quan sát mục tiêu bằng ống kính nhìn xa và mắt thường, lại thêm toàn bộ hệ thống ra đa đã bị vô hiệu hóa bởi nhiễu, B52 sẽ tha hồ tác quái.

Một trong những cách gây nhiễu của không quân Mỹ hồi đó là thả hàng trăm triệu sợi kim loại màu trắng bặc cực mỏng và nhẹ. Chúng bay lơ lửng, giăng kín bầu trời, tạo nên một bức tường nhiều khổng lồ, cao từ 5-7 km, dày tới 2km và dài hàng trăm km…

Tháng 4 năm 1972, Không quân Mỹ bắt đầu thử nghiệm thủ đoạn gây nhiễu điện tử kiểu mới. Trong các đêm 10 tháng 4, 13 tháng 4 và đêm 16 tháng 4, Mỹ lần lượt cho nhiều tốp B52 và hàng trăm máy bay chiến thuật đến ném bom ở Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); Hàm Rồng, Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Thành phố Hải Phòng…gây rất nhiều tổn thất cho quân và dân ta.

Ngày 16 tháng 4 năm 1972, 60 máy bay Mỹ ngang nhiên xâm phạm vùng trời Hà Nội giữa ban ngày, cho F4 gây nhiễu giả B52.  Do chưa có kinh nghiệm, Việt Nam đã phóng 30 quả tên lửa SAM-2 mà không tiêu diệt được máy bay nào. Trong trận đêm 16 tháng 4 tại Hải Phòng, bộ đôi ta đã phóng tới gần 100 quả tên lửa, nhưng kết quả vẫn bằng không.

Lầu Năm Góc đã ngạo mạn tuyên bố: “Bằng kỹ thuật điện tử, Không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống ra đa của Bắc Việt có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng không của đối phương. Kể từ đây, Không quân Mỹ có thể tự do ném bom vào bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Việt Nam, đều như đi vào chỗ đông người”.

Và họ tin rằng: B52 là bất khả xâm phạm, chỉ có thể bị rơi do thời tiết, hoặc trục trặc kỹ thuật, quyết không thể bị bắn rơi vì hỏa lực phòng không của Bắc Việt.

Viên tướng Jonh Mayer Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ  cũng đã khẳng định: “Chiến tranh điện tử là con đường sống còn của không lực Hoa Kỳ!”.

Nhưng những gì đã diễn ra trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng tháng 12 năm ấy thì hoàn toàn ngược lại với mong đợi của phía Mỹ: Lực lượng ra đa Việt Nam đã hoàn toàn kiểm soát Không phận của Tổ quốc.

Bằng những kinh nghiệm xương máu có được trong thực tế chiến đấu và cả sự tài trí tuyệt vời, họ đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ “Vạch nhiễu tìm thù” tạo điều kiện cho lực lượng Phòng không – Không quân ta bắn hạ được những chiếc máy bay tối tân nhất của Hoa Kỳ hồi ấy.

Điều bất ngờ khủng khiếp ấy diễn ra như thế nào? (Còn tiếp)

Hoàng Hà (lược trích theo tác phẩm "Phi công Mỹ ở Việt Nam" của nhà văn Đặng Vương Hưng).

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến