“Át chủ bài” của kênh bancassurance
Để bổ sung vốn kinh doanh mua bán nông sản, đầu năm 2020, ông A Hên trú tại xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum làm thủ tục vay vốn tại Phòng giao dịch Ngọc Hồi - Chi nhánh BIDV Kon Tum với tổng số tiền 950 triệu đồng, đồng thời quyết định tham gia sản phẩm bảo hiểm người vay vốn của Bảo hiểm BIDV (BIC) cho toàn bộ các khoản vay.
Gần một năm sau, trong một lần điều khiển xe máy lưu thông trên đường, do không làm chủ được tay lái nên ông A Hên đã tự ngã xuống lề đường và tử vong trên đường đi cấp cứu. Ngay khi nhận được tin báo từ thân nhân khách hàng, BIC và Chi nhánh BIDV Kon Tum đã gửi lời thăm hỏi và hướng dẫn gia đình hoàn thiện các thủ tục để được chi trả bảo hiểm theo quy định. Tổng số tiền bảo hiểm gia đình ông A Hên được nhận là 1,047 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc, lãi tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm, hỗ trợ tiền lãi vay trong thời gian làm thủ tục chi trả bảo hiểm và tiền trợ cấp mai táng.
Thực tế, ông A Hên là một trong hàng ngàn khách hàng mua bảo hiểm tín dụng của BIC và được hãng bảo hiểm này đứng ra chi trả hết khoản tín dụng đã vay của ngân hàng khi người vay không may tử vong. Theo đại diện BIC, sản phẩm này đã góp phần chia sẻ rủi ro với hơn 2.000 gia đình trên toàn quốc, số tiền chi trả lớn nhất đến nay là hơn 2 tỷ đồng. Đây cũng là sản phẩm chủ chốt của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) hợp tác giữa BIDV và BIC.
Tại BIC, ngoài bảo hiểm người vay vốn (cho khách hàng cá nhân), hãng bảo hiểm này còn bán qua các ngân hàng liên kết một số sản phẩm khác như bảo hiểm tai nạn và chăm sóc sức khỏe cao cấp cho người quản lý doanh nghiệp, bảo hiểm nhà…, nhưng chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là bảo hiểm người vay vốn. Năm 2020, kênh bancassurance của BIC tăng trưởng gần 70% - cao nhất từ trước đến nay.
Ở những doanh nghiệp phi nhân thọ khác, kênh bancassurance cũng phân phối đa dạng các sản phẩm. Chẳng hạn Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng bán qua ngân hàng liên kết các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm sinh mạng người vay, bảo hiểm nhà, xe cơ giới... Trong năm qua, doanh thu đến từ kênh bancassurance của PJICO đạt 217 tỷ đồng, tăng 22% và hoàn thành 106% kế hoạch năm.
Với MIC, tổng doanh thu từ kênh bancassurance năm qua đạt hơn 850 tỷ đồng, tăng trưởng 52%. Tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm bảo hiểm về sức khỏe con người, các sản phẩm số hóa… qua kênh ngân hàng là chiến lược của MIC trong năm 2021.
Năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng và các tổ chức tín dụng của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đạt 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 13%. Năm 2021, hãng bảo hiểm này đặt kế hoạch doanh thu qua kênh bancassurance là 1.450 tỷ đồng. Cùng với bảo hiểm xe cơ giới, bảo an tín dụng - bảo hiểm cho người vay vốn cũng là dòng sản phẩm chủ lực của PTI khi bán qua ngân hàng.
Kỳ vọng lợi nhuận sẽ cao hơn
Trên thị trường, hầu hết các hãng bảo hiểm phi nhân thọ đều triển khai và khai thác rất tốt sản phẩm bảo hiểm cho người vay vốn qua các ngân hàng liên kết. Về cơ bản, sản phẩm này sẽ giúp khách hàng giảm thiểu rủi ro, giảm gánh nặng nợ nần cho người thân, mang lai sự yên tâm khi vay vốn tại ngân hàng…
Ngân hàng thường hướng khách hàng mua sản phẩm tại các công ty bảo hiểm mà họ đã hợp tác nhằm đảm bảo quy trình bồi thường cho khách hàng được thuận lợi và ngân hàng có thể theo dõi việc bồi thường đó.
Được biết, đối với mua bảo hiểm khi vay vốn, trong một số sản phẩm của ngân hàng như vay tín chấp thì việc mua bảo hiểm là yêu cầu bắt buộc, nhưng mua bảo hiểm của doanh nghiệp nào thì là quyền của khách hàng. Tuy vậy, ngân hàng thường hướng khách hàng mua sản phẩm tại các công ty bảo hiểm mà ngân hàng đã hợp tác nhằm đảm bảo quy trình bồi thường cho khách hàng được thuận lợi và ngân hàng có thể theo dõi việc bồi thường đó. Việc lựa chọn các doanh nghiệp bảo hiểm đối tác tại các ngân hàng cũng phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí, trong đó chất lượng dịch vụ được đặt lên hàng đầu.
Không dừng lại ở việc hợp tác với các ngân hàng, nhiều hãng bảo hiểm còn mở rộng kênh bán thông qua các tổ chức tài chính, công ty tài chính tiêu dùng như Bảo hiểm Bảo Minh, PTI... Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay, phát triển dòng sản phẩm bảo hiểm bảo an tín dụng là chiến lược quan trọng của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bởi dung lượng thị trường lớn, doanh thu cao (tỷ trọng của dòng sản phẩm bảo an tín dụng hiện chiếm hơn 60% trong tổng doanh thu bancassurance).
Về tỷ lệ bồi thường của sản phẩm bảo hiểm tín dụng, dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng theo một cán bộ ngành bảo hiểm, tỷ lệ này vẫn nằm trong mức an toàn. Tuy nhiên, phân khúc sản phẩm này cạnh tranh gay gắt không kém nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Bên cạnh việc cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, phí bảo hiểm…, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải đầu tư một khoản ngân sách lớn cho các hoạt động truyền thông, đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng… nên lợi nhuận không cao, cho dù doanh thu tốt.
Còn nhớ, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 4/2021, một số cổ đông của Bảo hiểm Bảo Minh đã thắc mắc về mức lợi nhuận dưới kỳ vọng của các sản phẩm bảo hiểm tai nạn cho người vay vốn hay bảo hiểm sức khỏe, đồng thời bày tỏ sự e ngại các sản phẩm này sẽ khó có sự tăng trưởng tốt trong năm nay khi thị trường vốn tiêu dùng đang gặp khó khăn… Trả lời cổ đông, đại diện Bảo Minh cho hay, tỷ lệ kết hợp của bảo hiểm tai nạn cho người vay vốn hay bảo hiểm sức khỏe đạt bình quân 99% nên vẫn đảm bảo tạo ra mức lợi nhuận vừa đủ. Năm 2021, Bảo Minh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ kết hợp xuống 97,5%, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận tăng 2,5%, cao hơn mức 1,5% của năm 2020.
Dù chưa tỷ suất lợi nhuận chưa cao, nhưng với dư địa khai thác lớn nên bảo hiểm sinh mạng cho người vay vốn sẽ vẫn là một trong những sản phẩm chủ lực của các công ty bảo hiểm phi nhân và tiếp tục được tập trung phát triển trong thời gian tới. Điều cần quan tâm ở đây là các doanh nghiệp bảo hiểm cần đa dạng các dòng sản phẩm triển khai qua kênh bancassurance, thậm chí là phải xây dựng những dòng sản phẩm chuyên biệt để đảm bảo sự chủ động trong việc hợp tác với ngân hàng. Việc đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm giảm thiểu rủi ro và tùy vào định hướng phát triển, nhà bảo hiểm sẽ có chính sách thúc đẩy doanh thu từng sản phẩm cho phù hợp.
Tác giả: Gia Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy