Dòng sự kiện:
Lại hối hả tăng vốn theo Basel II
28/02/2019 21:34:17
Tăng vốn điều lệ (VĐL) là vấn đề được đề cập nhiều lần, các NH cũng đang tìm mọi cách để thực hiện, nhằm đáp ứng quy định về hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo Basel II.

Song đây vẫn là câu chuyện còn rất dài và khó đi đến hồi kết, bởi khó khăn trong hoạt động tăng vốn vẫn chưa thể giải quyết trong 1-2 năm tới.

Đủ cách tăng vốn

Thống đốc NHNN vừa ban hành quyết định sửa đổi mức VĐL cho Vietcombank. Theo đó, VĐL hiện tại của NH này đạt hơn 37.088 tỷ đồng, tăng 1.111 tỷ đồng so với trước. Khoản vốn tăng lên do đối tác GIC (Singapore) đã mua 2,55% cổ phần và Mizuho mua thêm cổ phần để đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu 15% VĐL. Số cổ phiếu phát hành vốn cho đối tác ngoại này mới đạt 1/3 tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán.

Hồi tháng 9 năm ngoái NHNN cũng chấp thuận việc Vietcombank thực hiện tăng vốn lên 39.575 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ tổ chức ĐHCĐ 2019 vào ngày 26-4. Tại thông báo về ngày đăng ký để thực hiện quyền tham dự họp gửi đến cổ đông, NH cho biết sẽ tiếp tục đưa ra tờ trình về tăng VĐL bên cạnh các nội dung khác. 

Thực tế, tăng VĐL là yêu cầu chung của tất cả NHTM đang hoạt động. Do đó, mỗi nhà băng đều lên kế hoạch và tìm mọi cách để thực hiện. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho NHTMCP Quốc Dân (NCB).

Theo đó, NH này sẽ chào bán 199,44 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành tới, bao gồm chào bán cho cổ đông hiện hữu 184,6 triệu cổ phiếu, phát hành cho cán bộ nhân viên 14,88 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán tính theo mệnh giá hơn 1.994 tỷ đồng. Khi phát hành thành công, VĐL của NCB sẽ tăng từ 3.010 tỷ đồng lên hơn 5.000 tỷ đồng. 

Các NH khác như BIDV cũng đang trong tiến trình thực hiện kế hoạch tăng VĐL thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank (Hàn Quốc), với tỷ lệ 17,65% VĐL hiện tại. LienVietPostBank dự kiến xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu trong ĐHCĐ sắp tới để tăng VĐL và chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. TPBank cũng đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia  cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, với tổng tỷ lệ 28% để tăng VĐL lên 8.566 tỷ đồng.

 

Khó khăn của VietinBank cần phải tăng 20% vốn, tương đương 7.500 tỷ đồng mới cải thiện hệ số CAR, đáp ứng Basel II.  

Nhiệm vụ cấp bách

Tại báo cáo triển vọng 2019, Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định, theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, thời điểm áp dụng Basel II đối với hệ thống TCTD sẽ bắt đầu từ ngày 1-1-2020. Như vậy, trong năm 2019, các NH phải hoàn thiện công nghệ để tính toán các chỉ số an toàn, cũng như chuẩn bị nguồn vốn để sẵn sàng cho thời điểm áp dụng Basel II.

Trong số những chỉ tiêu của Basel II, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) là một trong những yếu tố cốt lõi. Để đáp ứng và cải thiện CAR trong dài hạn, bắt buộc các TCTD phải thực hiện các biện pháp để tăng vốn cấp 1 cần có. Vốn cấp 1 có thể được tăng cường nhờ gia tăng vốn chủ sở hữu bằng việc phát hành thêm cổ phiếu, hoặc từ lợi nhuận giữ lại.

Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng hay cho đối tác sẽ đem lại dòng tiền mới cho thị trường, đồng thời tạo kỳ vọng tăng trưởng cho các cổ phiếu NH.

Tuy nhiên, không phải NH nào cũng gặp thuận lợi trong việc tăng vốn. Trong khi nhóm NHTMCP có quy mô lớn, đã niêm yết, có lợi thế về điều kiện phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, thì lợi nhuận của các NH nhỏ hiện nay còn khá thấp, do đó việc giữ lại lợi nhuận cũng không hỗ trợ tăng vốn được nhiều, nên không ít nhà băng đã thất bại.

Còn các NHTM có vốn nhà nước, dù đã có những tín hiệu mới song việc tăng vốn cải thiện hệ số CAR vẫn đối mặt với nhiều áp lực, vì nhóm NH này vốn đã không có nhiều lựa chọn để cải thiện hệ số CAR. Như trường hợp Vietinbank đang cần tăng vốn khoảng 20%, tương đương 7.500 tỷ đồng trong 2 năm tới để đáp ứng yêu cầu về hệ số CAR. Tuy nhiên, do tỷ lệ sở hữu nhà nước ở mức 64,46% (thấp hơn mức tối thiểu theo quy định 65%) nên Vietinbank gặp nhiều khó khăn trong tăng vốn. 

Trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Tổng giám đốc Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), cho biết NH này sẵn sàng hỗ trợ Vietinbank tăng vốn và mong muốn được Chính phủ ủng hộ. Song nếu vốn càng tăng thêm, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ càng giảm xuống, nếu Nhà nước không bơm thêm vốn vào sẽ đẩy NH này vào thế khó.

Theo Quyết định 986 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển của ngành NH đến năm 2025, tỷ lệ sở hữu tại các NHTM có vốn nhà nước sẽ giảm về mức 51% trong giai đoạn 2021-2025. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Do đó, thời điểm này, Vietinbank chỉ có thể co hẹp tăng trưởng tín dụng để giữ hệ số CAR theo đúng quy định.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đầu năm nay, 4 NHTM có vốn nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank đồng loạt kiến nghị gỡ tăng vốn, với các giải pháp cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu và tháo gỡ các điều kiện ràng buộc để bán vốn nhà đầu tư nước ngoài.

Trông cậy nhà đầu tư Nhật, Hàn

Mặc dù có rất nhiều giải pháp đang được áp dụng và nhiều kiến nghị được đề xuất lên Chính phủ và NHNN để mở ra cánh cửa tăng vốn, nhưng tâm lý chung của các NH đang rất kỳ vọng vào sự hỗ trợ từ nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, nhất là sau khi nhiều nhà băng đã phát hành cổ phiếu thành công cho đối tác ngoại. Song dòng vốn ngoại cũng đang lựa chọn kỹ đối tác Việt Nam và tập trung vào những NH lớn.

Cụ thể, theo thông tin được công bố gần đây, Tập đoàn Tài chính NongHuyp - định chế tài chính đứng thứ 4 tại Hàn Quốc - muốn hợp tác với Agribank để thực hiện lộ trình cổ phần hóa NH này. Ngược lại, một số NHTMCP nhỏ dù chủ động tìm đối tác nước ngoài nhưng nhiều năm qua cũng chưa có kết quả.

Cũng liên quan đến việc mời gọi đối tác nước ngoài đầu tư để tăng vốn, hiện nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đang quan tâm đến việc góp vốn vào NH Việt Nam vì các quốc gia này có văn hóa kinh doanh tương đồng với Việt Nam. Hơn nữa họ vào đầu tư tại các NH Việt Nam một phần vì muốn hỗ trợ các khách hàng truyền thống của họ, đó là những doanh nghiệp đang làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam và quan hệ với các NH lớn của Việt Nam. 

Các nhà đầu tư nước ngoài ở khu vực khác, nhất là châu Âu rất nhạy cảm đối với văn hóa kinh doanh Việt Nam. Do đó, dù họ thấy tiềm năng của các NH Việt nhưng mới chỉ nhòm ngó. Chỉ khi nào tỷ lệ sở hữu nước ngoài được mở rộng đúng như kỳ vọng, nhóm nhà đầu tư này mới mạnh dạn đổ tiền vào. Bởi lẽ họ không muốn đầu tư nhưng không có quyền quyết định như hiện nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH

Theo Sài Gòn đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến