Chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục duy trì trong 2025
Ổn định, dù tín dụng bứt tốc
Nhìn lại năm 2024, một trong những câu chuyện “gập ghềnh” - lãi suất được gọi tên. Sự co hẹp mạnh mẽ của thanh khoản, chuyển sang trạng thái phụ thuộc lớn vào dòng tiền hỗ trợ và khó khăn gia tăng trong cân đối vốn của nhiều ngân hàng thương mại khiến cho mặt bằng lãi suất tiền đồng tăng trở lại trên cả 2 thị trường.
“Áp lực chính đến từ nguồn cung ngoại tệ kém dồi dào và động thái điều tiết cung tiền thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi tỷ giá leo thang. Ngoài ra, hiện tượng dòng tiền bị găm giữ bởi kênh tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại NHNN do cân đối ngân sách thặng dư tích cực trong phần lớn giai đoạn của năm (đến cuối tháng 11 vẫn thặng dư 248.000 tỷ đồng) cũng làm giảm bớt mức độ dồi dào của thanh khoản. Trong khi đó, khả năng huy động vốn của nhiều ngân hàng gặp khó khăn, tăng trưởng huy động cả năm ước chỉ đạt khoảng 11-12% và thấp hơn so với tăng trưởng cho vay khoảng 3-4%”, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho hay.
Theo đó, trên thị trường 1 (khu vực tổ chức và dân cư), lãi suất huy động sau khi giảm nhẹ trong quý I đã bật tăng trở lại từ quý II với mức tăng phổ biến khoảng 0,2-0,5%/năm tại hầu hết các dải kỳ hạn. Trên thị trường 2 (liên ngân hàng), lãi suất kỳ hạn qua đêm - 1 tuần sau khi duy trì quanh mức thấp trong phần lớn quý I cũng tăng mạnh lên vùng 4-5%/năm và chủ yếu dao động quanh vùng này cho đến cuối năm.
Cụ thể hơn, một lãnh đạo cao cấp Vietcombank cho biết, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong giai đoạn cuối năm 2024 khi áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu, cũng là để thu hẹp mức độ chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống, đồng thời gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường, bên cạnh mục tiêu đảm bảo thanh khoản và đáp ứng nhu cầu tín dụng.
“Dẫu lãi suất huy động chịu sức ép tăng, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đi ngang và duy trì ở mức thấp trong giai đoạn cuối năm 2024 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế, bởi room tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp”, vị lãnh đạo Vietcombank nói.
Lãnh đạo BIDV nhận định, trong năm 2025, đà tăng của lãi suất có thể chậm lại, chuyển sang đi ngang/tăng nhẹ 0,2-0,3%/năm trên thị trường 1 và dao động quanh mức lãi suất OMO - tín phiếu trên thị trường 2. Thanh khoản có thể cải thiện nhờ các yếu tố: Nguồn cung ngoại tệ dự kiến cân bằng hơn sau khi thâm hụt khoảng 8 tỷ USD trong năm 2024; dòng tiền giải ngân từ ngân sách nhà nước ra nền kinh tế gia tăng khi đầu tư công kỳ vọng được đẩy mạnh trong năm bản lề; tăng trưởng huy động vốn dự kiến cải thiện so với năm 2024 lên mức 13-14%, thấp hơn tăng trưởng cho vay 1-2%.
“Sự phụ thuộc lớn của thanh khoản vào các dòng tiền hỗ trợ cũng là yếu tố khiến cho lãi suất tiếp tục dao động quanh vùng lãi suất định hướng OMO - tín phiếu trong năm 2025. Cộng với chính sách tiền tệ dự kiến vẫn trong xu hướng nới lỏng, kỳ vọng diễn biến lãi suất sẽ trở nên ổn định hơn sau khi đã tạo lập được một mặt bằng hợp lý trong năm 2024”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Tỷ giá: Duy trì đà đi lên với mức tăng thấp
Đồng hành với câu chuyện lãi suất đó là tỷ giá bởi mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau một cách gián tiếp. Trong năm 2024, tỷ giá USD/VND tăng 5%, nhưng mức mất giá của VND cũng không quá lớn nếu so với đồng tiền khác trên thế giới như JPY (11,1%), KRW (12,2%), EUR (5,4%), PHP (5,7%)...
Nguyên nhân của vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, thứ nhất, do USD tăng mạnh trên thị trường quốc tế (chỉ số DXY tăng 6,6% trong năm 2024) khi kinh tế Mỹ phục hồi tốt và kỳ vọng tích cực với các chính sách dự kiến của Tổng thống đắc cử Donald Trump; thứ hai, chênh lệch lãi suất VND-USD kỳ hạn 1 tháng tiếp tục giảm xuống -0,8%/năm tại thời điểm cuối tháng 11/2024 so với mức -3,8%/năm của tháng 12/2023 làm giảm các hoạt động đầu cơ tỷ giá; thứ ba, lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán 9 tháng đầu năm 2024 vẫn lớn, ở mức -16,87 tỷ USD.
Lãnh đạo BIDV dự báo, tỷ giá USD/VND vẫn duy trì đà đi lên, nhưng mức tăng trong năm 2025 có thể thấp hơn so với năm 2024 khoảng 3-4% tại thời điểm cuối năm. Rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá vẫn xuất phát chủ yếu từ các vấn đề quốc tế như mặt bằng lãi suất USD ở mức cao kéo dài, sức mạnh USD tiếp tục củng cố, rủi ro địa chính trị và chiến tranh thương mại khó lường...
Trong khi đó, điều kiện trong nước có phần giảm bớt áp lực hơn cho tỷ giá so với năm 2024, cụ thể: Thứ nhất, cân đối cung cầu ngoại tệ dự kiến có thể cải thiện so với năm 2024 dù chưa dồi dào, chuyển từ thâm hụt sang cân bằng. Trong đó, giải ngân FDI kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tương đối tích cực 8-10% nhờ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất “Trung Quốc+1”. Cán cân thương mại dự kiến thặng dư ở mức thấp hơn so với năm trước, ước đạt khoảng 19-20 tỷ USD, chủ yếu do thương mại toàn cầu chậm lại và nhu cầu nhập khẩu cho các dự án đầu tư công lớn có xu hướng gia tăng. Vay nợ nước ngoài và lỗi, sai sót trong cán cân thanh toán có thể cải thiện nhẹ cùng quá trình hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Thứ hai, chênh lệch lãi suất VND-USD bình quân kỳ hạn ngắn dự kiến dao động quanh mức 0%/năm, tăng mạnh so với mức -1,3%/năm của năm 2024, trong bối cảnh lãi suất VND và USD có thể giảm khoảng 25-50 điểm phần trăm trong 2025.
Thứ ba, với kinh nghiệm tích lũy trong thời gian qua, NHNN dự kiến tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt với biên độ phù hợp, sẵn sàng sử dụng các công cụ can thiệp để bình ổn thị trường trong những thời điểm chịu áp lực lớn. Đây cũng là yếu tố có thể hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng của tỷ giá trong những giai đoạn căng thẳng.
Duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng
Lãnh đạo các ngân hàng và chuyên gia nghiên cứu nhận định, thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của NHNN trong năm 2025 - năm bản lề với quyết tâm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% của Chính phủ. Cộng với áp lực lạm phát chưa đáng lo ngại, chính sách tiền tệ của NHNN dự kiến sẽ xác lập xu hướng nới lỏng nhất quán trong năm nay. Tuy nhiên, mức độ nới lỏng sẽ được NHNN điều tiết linh hoạt khi cân nhắc thêm các vấn đề về tỷ giá, nợ xấu cũng như hiệu ứng từ chính sách tài khóa.
Theo đó, bên cạnh duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt, nhịp nhàng các công cụ trên thị trường mở. Lãi suất OMO, tín phiếu dự kiến dao động ở vùng thấp hơn khi Fed hạ lãi suất thêm 50 điểm phần trăm trong năm 2025. Ngoài ra, các giải pháp thúc đẩy tín dụng sẽ tiếp tục được NHNN triển khai mạnh mẽ ngay từ đầu năm với con số định hướng tăng trưởng tín dụng đạt 16% - cao hơn mức 15% của năm 2024.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn so với dự kiến dưới áp lực của đồng USD mạnh lên và rủi ro về việc Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra thao túng tiền tệ. Trong kịch bản đó, NHNN có thể sẽ cần áp dụng một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, đồng nghĩa với việc dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể bị hạn chế.
“Tôi không kỳ vọng sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025 và kỳ vọng lãi suất đầu vào sẽ duy trì ở mức 5-5,2%/năm. Mặt khác, tôi cho rằng, khả năng tăng lãi suất trong bối cảnh nới lỏng kinh tế toàn cầu là không cao. Theo đó, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để giữ lãi suất ở mức thấp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”, bà Hiền nói.