Dòng sự kiện:
Lãi suất cho vay giảm
17/12/2020 14:37:35
Theo NHNN, tính đến tháng 10, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm bình quân 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó có một số ngân hàng đã giảm 1-2,5%/năm.

Không lâu sau động thái giảm lãi suất huy động của hầu hết ngân hàng thương mại, nhiều ngân hàng lớn đã quyết định giảm lãi suất đầu ra với các khoản cho vay, tập trung chủ yếu vào nhóm khách hàng doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Mới nhất, Vietcombank đã giảm 1%/năm lãi suất cho vay VND với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng (áp dụng đến hết 15/3/2021). Đối tượng giảm lãi suất không bao gồm các khoản vay đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất khác của ngân hàng.

Ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay

Lãnh đạo ngân hàng này cho biết khác với các đợt giảm lãi trước đó, lần giảm lãi suất cho vay này của Vietcombank mang quy mô rộng hơn khi áp dụng với toàn bộ dư nợ hiện hữu và cho vay mới.

Trước đó, ngân hàng này cũng giảm 1%/năm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi lũ lụt khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian 3 tháng (đến hết 12/2/2021). Nhà băng này ước tính có khoảng 50.000 tỷ đồng dư nợ của nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi lũ lụt được hưởng chính sách ưu đãi, qua đó giảm lợi nhuận ngân hàng ít nhất 270 tỷ đồng.

Cũng nhằm mục đích hỗ trợ khách hàng cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 và đáp ứng nhu cầu vốn dịp Tết dương lịch, BIDV đã thông báo mở rộng quy mô gói cho vay ngắn hạn ưu đãi lãi suất từ 70.000 tỷ lên 100.000 tỷ đồng (áp dụng đến hết 31/1/2021).

Trong đó, mức lãi suất nhà băng này đưa ra là từ 5%/năm với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc từ 5,5%/năm với các khoản vay 6-12 tháng, thấp hơn 0,5%/năm ở tất cả kỳ hạn.

Trong thông báo mới nhất, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm với toàn bộ dư nợ cho vay hiện hữu và cho vay mới từ 15/12/2020 đến 12/2/2021. Ảnh: Hoàng Hà.

Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp BIDV hạ lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn sau 2 lần hạ tổng cộng 1%/năm hồi cuối tháng 8 và giữa tháng 9.

Đầu tháng 12, Agribank cũng thông báo dành 70.000 tỷ đồng và 150 triệu USD cho các gói tín dụng lãi suất thấp dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, nhà băng này dành 35.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất tối thiểu 3,7%/năm áp dụng tùy theo từng giải kỳ hạn đối với các khoản vay ngắn hạn và tối thiểu 7%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn.

Theo đánh giá mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 10, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã giảm bình quân 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó có một số ngân hàng đã giảm 1-2,5%/năm. Mức lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở 4,5%/năm.

Việc NHNN liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2%/năm đã hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, tạo điều kiện cho nhóm nhà băng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp hơn từ NHNN, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay trên thị trường.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất (Philipines -2%; Thái Lan -0,75%; Malaysia -1,25%; Indonesia -1,25%; Ấn Độ -1,15%; Trung Quốc - 0,3%).

Lãi cho vay vẫn giảm chậm hơn huy động

Ngoài ra, việc NHNN giảm 0,6-1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí và giảm mạnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tư nhân cho biết việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đợt này chủ yếu nhằm mục đích đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng dịp cuối năm.

Trong đó, Vietcombank giảm lãi suất cho vay nhưng ngân hàng này cũng mới được NHNN nới “room” tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 14% cả năm. Như vậy, trong tháng 12 ngân hàng này có tới 4% room tăng trưởng tín dụng nên phải đẩy mạnh cho vay ra.

“Việc tín dụng có dấu hiệu tăng nhanh 2 tháng gần đây cũng có nguyên nhân từ việc mặt bằng lãi suất cho vay ra có xu hướng giảm cùng thời gian này. Nếu lãi suất cho vay cao quá, khách hàng không vay được thì các ngân hàng buộc phải giảm lãi để đẩy dòng vốn ra”, vị này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo ngân hàng này thừa nhận lãi suất cho vay không thể giảm nhanh và mạnh như lãi suất huy động. Nguyên nhân chủ yếu do dòng vốn cho vay hiện tại của các ngân hàng vẫn là dòng vốn với mức lãi suất huy động của các tháng trước nên chi phí đầu vào cao hơn hiện tại. Và khi chưa thể đẩy dòng vốn với chi phí cao hơn này ra thị trường, các ngân hàng chưa thể cho vay với lãi suất thấp tương ứng lãi suất huy động đầu vào.

Ngoài ra, đợt giảm lãi suất này cũng tập trung tại một số ngân hàng lớn chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng thấp của cả năm này (đã tăng gần đây nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ), đặc biệt tại nhóm ngân hàng quốc doanh. Việc không thể tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng khiến ngân hàng phải giảm lãi suất huy động để điều tiết thanh khoản. Dù vậy, từ nay đến đầu năm 2021 thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn trong trạng thái dồi dào.

Trong báo cáo mới nhất đánh giá về hoạt động ngành ngân hàng, các chuyên gia phân tích của FiinGroup cho rằng việc các ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cho vay bình quân ở mức cao trong khi lãi suất huy động đầu vào giảm liên tục qua từng tháng là nguyên nhân chính giúp NIM (biên lãi ròng) tăng mạnh.

Cụ thể, số liệu kết quả kinh doanh của 21 ngân hàng niêm yết cho thấy NIM quý III của nhóm đã tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý II, đạt 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý I/2018 - giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.

Cũng trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, thu nhập lãi và các khoản tương tự của các ngân hàng tăng 4,5% so với quý II trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%. “Điều này cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong thời gian vừa qua”, báo cáo của FiinGroup nhấn mạnh.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến