Dòng sự kiện:
Lãi suất cho vay mua nhà tăng, người dân lo sốt vó
22/10/2022 06:42:11
Loạt ngân hàng nâng lãi suất cho vay khiến người có nhu cầu vay và người đã vay đều đứng ngồi không yên. Chi phí trả lãi vay nhiều hơn khiến không ít người thấp thỏm lo lắng sẽ không trả được nợ.

Lãi suất tăng, khó vay mua nhà

Hồi đầu tháng 10, anh Nhật Quang (Hà Nội) định mua nhà nên tìm đến các ngân hàng trong nước vay vốn. Một ngân hàng tư nhân giới thiệu gói vay lãi suất ưu đãi 9,9%/năm cho năm đầu tiên, từ năm thứ 2 trở đi mới áp dụng cách tính lãi suất cơ sở cộng biên độ. Cứ 3 tháng, lãi suất cơ sở sẽ thay đổi một lần, cộng thêm biên độ 3,3% là ra lãi suất cho vay.

Nhưng chỉ chưa đầy một tuần sau, khi đi vay, anh Quang được nhân viên tín dụng thông báo lãi suất vay mua nhà đã tăng lên trên 12%/năm do bỏ lãi suất ưu đãi năm đầu và áp dụng luôn cách tính thả nổi.

Gần đây nhất, khi liên hệ với nhân viên tín dụng, anh Quang lại biết ngân hàng này một lần nữa tăng lãi suất trong tháng 10 lên trên 13%/năm. Như vậy, chỉ trong một tháng, ngân hàng này đã 2 lần thông báo điều chỉnh tăng lãi suất.

Mặt bằng lãi suất đã tăng ở hầu hết ngân hàng (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Chị Hà Linh (Bắc Ninh) cũng tiết lộ, hồi giữa tháng 10, chị có nhu cầu vay mua thêm nhà đất. Khi đi vay, chị cũng được nhân viên tín dụng thông báo lãi suất cho vay tăng và khách hàng phải chọn mua thêm gói bảo hiểm mới được ưu tiên giải ngân.

Chị Linh nhẩm tính, với lãi suất được thông báo và phải mua thêm gói bảo hiểm 40 triệu đồng thì thực tế lãi vay mà chị phải trả lên gần 14%/năm.

Không chỉ ngân hàng kể trên, theo tìm hiểu của Dân trí, từ đầu tháng 10 đến nay, mặt bằng lãi suất đã tăng ở hầu hết ngân hàng, với mức tăng 2-4%/năm, không chỉ vay mua nhà đất mà cả vay tiêu dùng, dự án… Như thường lệ, lãi suất cho vay ở các ngân hàng tư nhân cũng tăng nhiều hơn so với các ngân hàng có vốn Nhà nước.

"Đứng ngồi không yên" vì trót vay mua nhà

Câu chuyện lãi suất tăng không chỉ ảnh hưởng đến người đang có nhu cầu vay như anh Nhật Quang hay chị Linh mà ngay cả những người đã được vay từ trước đó cũng "đứng ngồi không yên". Những người vay cách đây 1-2 năm, khi khoản vay mua nhà sắp hết thời gian ưu đãi sẽ phải trả lãi theo lãi suất thả nổi.

Theo anh Thành (Hà Nội), năm đầu tiên vay mua nhà đất anh chỉ trả lãi vay 7,5%/năm, đến năm tiếp theo thì áp dụng lãi suất thả nổi. "Nhân viên tín dụng từng khẳng định lãi vay sẽ không vượt quá 11% nhưng hiện tại lãi vay đã vượt 12%", anh Thanh nói.

"Nếu lãi suất tăng tiếp, không chỉ tôi mà nhiều người có khả năng vỡ nợ", anh nói thêm.

Lãi suất cơ sở ngày càng có xu hướng tăng khiến người vay mua nhà như "ngồi trên đống lửa" (Ảnh: Tiến Tuấn).

Lãi thả nổi được tính bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ dao động khoảng 3-3,8%. Trong khi đó, lãi cơ sở sẽ thay đổi tùy thuộc vào thị trường và điều chỉnh của mỗi nhà băng. Hiện lãi cơ sở dao động trong khoảng 6-9,5%/năm. Lãi suất cơ sở cũng ngày càng có xu hướng tăng khiến người vay mua nhà như "ngồi trên đống lửa".

Khó giảm lãi suất cho vay

Diễn biến lãi suất cho vay rục rịch tăng bắt đầu khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và loạt nhà băng tăng lãi suất huy động. Đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới biên độ tỷ giá VND/USD từ 3% lên 5%. Việc tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng đã gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.

Xu hướng này cũng trở lại trong bối cảnh những tháng cuối năm. Trưởng phòng tín dụng một chi nhánh ngân hàng có trụ sở tại Bắc Ninh cho biết, thông thường, nhu cầu vào cuối năm sẽ tăng cao do nhu cầu vay tiêu dùng, trả lương, thưởng… lớn.

Sức ép lãi suất cho vay cũng ngày càng tăng trong bối cảnh lãi suất huy động không ngừng "nóng" lên. Như Dân trí đã phản ánh, hàng loạt ngân hàng thời gian qua đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trên 8%/năm xuất hiện ngày càng nhiều, có nhà băng huy động tiền gửi với lãi suất 9,5% cho kỳ hạn dài.

Theo trưởng phòng phân tích và đầu tư tại một công ty chứng khoán, ngân hàng muốn có lãi thì mức chênh giữa lãi suất huy động và lãi cho vay phải từ 3-4%.

Ngân hàng Nhà nước cho biết việc giảm lãi suất cho vay thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thống đốc chỉ ra 4 nguyên nhân. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.

Ngoài ra, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng cũng gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.

Tác giả: Thảo Thu

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến