Giai đoạn cuối năm là cao điểm của cầu tiêu dùng, và cũng dễ hiểu khi lãi suất tăng cao ở cuối năm do yếu tố thời vụ này. Nhưng việc NHNN hút ròng trong một vài tuần gần đây lại gây lại càng khiến thanh khoản eo hẹp hơn.
NHNN vốn được cho là theo đuổi nhiều mục tiêu, trong đó có hai mục tiêu lớn là kiểm soát lạm phát ở mức thấp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ba quí đầu năm 2018 đã chứng kiến mức tăng trưởng GDP ấn tượng, khi đều vượt chỉ tiêu 6,7% cả năm, trong đó, quí 1 tăng trưởng ở mức 7,38%, cao nhất trong 10 năm trở lại. Quí 4, GDP chỉ cần tăng 5,75% để đạt chỉ tiêu cả năm và nhiều khả năng sẽ cán đích vượt chỉ tiêu. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng trong tầm tay và NHNN sẽ không cần tăng cao cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng cuối năm tập trung nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu.
Mục tiêu lớn còn lại là kiềm chế lạm phát dưới 4%. Nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát là mục tiêu cơ bản, quan trọng nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, một mức lạm phát ổn định là một yếu tố nội tại của quốc gia để giúp ổn định tỷ giá, hơn nữa là củng cố niềm tin người dân vào nội tệ, điều này đúng với trường hợp của tiền đồng.
Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng từ yếu tố tài chính quốc tế, ví dụ như Feb tăng lãi suất sẽ tác động lên lạm phát do xu hướng găm giữ ngoại tệ, dịch chuyển nắm giữ tiền đồng sang các tài sản ngoại tệ và vàng, đồng thời đẩy mạnh đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế. Như vậy giữ mức lạm phát ổn định sẽ củng cố niềm tin vào tiền đồng trước tác động tiêu cực từ bên ngoài, đặc biệt, Việt Nam đã từng có giai đoạn lạm phát ở mức rất cao kéo dài nhiều năm, nghĩa là ổn định lạm phát trong nhiều năm sẽ tránh được nguy cơ từ lạm phát ỳ (xuất hiện khi kỳ vọng của người dân về lạm phát tương lai tăng cao do lạm phát trong quá khứ bất ổn hoặc neo cao).
Đây là năm thứ 2, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì lạm phát dưới 4% và đây có lẽ là lý do quan trọng để NHNN thận trọng trong điều tiết cung tiền. Tháng 10 đã chứng kiến NHNN bơm ròng mức kỷ lục hơn 92 ngàn tỉ đồng, tuy nhiên sang tháng 11, tổng cung tiền qua thị trường mở (OMO) và tín phiếu chỉ vỏn vẹn gần 2 ngàn tỉ đồng, và NHNN đang hút ròng trong tuần này.
Có thể thấy, NHNN đang điều tiết cung tiền linh hoạt, hạn chế dư thừa thanh khoản trên liên ngân hàng, kết hợp với việc hạn chế nguồn tín dụng chảy vào lĩnh vực rủi ro như tiêu dùng thì việc hạn chế cung tiền đang là mục tiêu NHNN hướng tới, nhưng đánh đổi với nó là phải chấp nhận lãi suất liên ngân hàng neo cao, thanh khoản hạn chế gâp áp lực lãi suất thị trường 1 khi các ngân hàng thương mại phải tìm kiếm thêm các nguồn vốn mới.
Ngoài ra, cần phải kể tới các dự tính về vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế trong giai đoạn tới để NHNN đưa ra quyết định bơm hay hút vốn. Cuộc họp Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) tháng 12 này có lẽ là sự kiến lớn nhất còn lại trong năm 2018. Nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất mục tiêu lần cuối trong năm nay. Điều này xảy ra hiển nhiên sẽ gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất đô la liên ngân hàng. Vậy trong bối cảnh tiền đô liên tục tăng lãi suất, mà NHNN lại bơm ròng thanh khoản để hỗ trợ giảm lãi suất tiền đồng, sẽ khiến chênh lệch lãi suất đô la - đồng giảm, cầu ngoại tệ càng tăng cao và quay trở lại gây áp lực thêm cho tỷ giá và lạm phát. Như vậy, duy trì một mặt bằng lãi suất tiền đồng ở mức cao sẽ tạo ra một cân đối với lãi suất tiền đô, giảm hệ lụy tới nhiều biến số vĩ mô khác.
Trong khi, các quốc gia láng giềng Đông Nam Á như Philippines hay Indonesia cùng tăng 1,5% vào lãi suất điều hành trong năm, để cân đối với chính sách của Fed, thì NHNN không tăng lãi suất, thậm chí còn giảm lãi suất OMO đầu năm và để thị trường tự điều tiết và chỉ thực hiện vai trò hỗ trợ, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Điều này có lẽ hợp lý với Việt Nam, bởi tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ sẽ đi kèm những xáo trộn cho nền kinh tế, ảnh hưởng môi trường kinh doanh và dự tính của các chủ thể kinh tế và cũng phù hợp với định hướng cố gắng hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế mà Chính phủ đề ra.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy