Lãi suất trong chương cuối cuốn sách tiền rẻ
10/02/2017 09:22:40
Trong tháng 1-2017, hầu hết các ngân hàng đều tăng lãi suất tiền gửi. Kỳ hạn một tháng phổ biến ở mức 5,4%/năm, kỳ hạn sáu tháng khoảng 6,5%/năm, cá biệt có ngân hàng áp dụng mức 6,7%/năm.

Tin liên quan

Cũng trong tháng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào 1,2 tỉ đô la Mỹ với giá 22.575 đồng/đô la Mỹ. So với giá mua bình quân của năm 2016 tầm 22.300 đồng/đô la Mỹ, giá mua vào của cơ quan quản lý đã tăng 257 đồng/đô la Mỹ, tương ứng cộng thêm 1,23% so với đầu năm ngoái. Mức giá mua vào về cơ bản được cho là sẽ ổn định sau Tết Nguyên đán và trong quí đầu tiên của năm với điều kiện thị trường tài chính quốc tế không biến động mạnh cũng như tỷ giá giữa đô la Mỹ và các ngoại tệ mạnh khác không “nhảy nhót” bất ngờ.

Không có lợi nhuận, ngân hàng không có nguồn trích lập để xử lý nợ xấu. Suy cho cùng, một khi nợ xấu giảm doanh nghiệp cũng được hưởng lợi. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Như vậy, trong tháng 1, NHNN đã bơm ra thị trường khối lượng tiền đồng không hề nhỏ để mua ngoại tệ, đồng thời thị trường mở hoạt động nhộn nhịp, đáp ứng nhu cầu tiền đồng tăng cao trước Tết. Theo chu kỳ, sau Tết nhu cầu tiền đồng giảm xuống và lãi suất huy động sẽ hạ nhiệt.

Liệu điều này có đúng trong thời gian tới? Câu trả lời dường như đang nghiêng về phía “không”. Những yếu tố nội lực và ngoại lực chỉ ra lãi suất đang chịu sức ép rất lớn để có thể ổn định ở mức các chủ thể trên thị trường mong muốn như nó đã từng ổn định trong hai năm vừa qua.

Toan tính của các “ông lớn”

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết: “Mục tiêu năm 2017 của chúng tôi không phải là tăng tốc mà bền vững. Những năm qua Vietcombank đã tăng tốc rồi. Năm nay dư địa phát triển tín dụng của Vietcombank còn tới 11% (tức tỷ lệ vốn cho vay trên huy động còn dưới mức quy định của NHNN áp dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) nơi Nhà nước vẫn đang nắm cổ phần chi phối tới 11% - NV), song chúng tôi có thể không cần phải tận dụng hết”. Vietcombank không còn nợ xấu vướng chân và nhiều khả năng được hoàn nhập dự phòng rủi ro năm nay và năm sau hàng ngàn tỉ đồng.

Lãi suất tiền đồng là một trong những cái neo vững chãi để ổn định giá trị đồng nội tệ. Cái neo ấy không thể bị buông lỏng, vì thế có lẽ không nên quá kỳ vọng về một mặt bằng lãi suất thấp hơn trong năm con gà này.

Vì sao Vietcombank không chạy theo tín dụng hay nói cách khác là không cho vay bằng mọi giá? Vietcombank có thể cho vay lãi suất thấp nhưng sẽ không quá thấp để phá mặt bằng lãi suất. Ông Thành dẫn chứng, năm ngoái, tín dụng của nhiều chi nhánh “bùng nổ” do mạnh dạn tìm kiếm khách hàng loại A. Chẳng hạn, năm ngoái, chi nhánh Kỳ Đồng TPHCM tín dụng đã tăng từ 1.000 lên 5.000 tỉ đồng. Không thể có tốc độ từ 5.000 lên 25.000 tỉ đồng trong năm nay. Các chi nhánh vẫn được khuyến khích tìm khách hàng tốt, nhưng nếu có nợ xấu là phải trích lập cho bằng hết, tức trích lập tuyệt đối. Tín dụng cao mà chỉ cần một khoản cho vay có vấn đề là lợi nhuận một chi nhánh có thể “đi đứt”.

Sau Vietcombank, Thống đốc NHNN công khai đề nghị VietinBank và Techcombank mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trong năm 2017. Nhìn từ hướng này, xử lý nợ xấu giờ đây được đặt trực tiếp và chủ yếu lên vai các TCTD. Muốn thế, các ngân hàng cần đạt lợi nhuận tốt, đồng nghĩa với việc không thể để chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra quá hẹp.

Vẫn còn đó e ngại nếu ngân hàng đạt lợi nhuận cao sẽ đối mặt dư luận là ngân hàng “ăn hết” lợi nhuận doanh nghiệp. Nhưng mấu chốt nằm ở chỗ không có lợi nhuận, ngân hàng không có nguồn trích lập để xử lý nợ xấu. Suy cho cùng, một khi nợ xấu giảm doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.

Áp lực thứ hai lên lãi suất đến từ Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Theo đó, từ năm nay, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của hệ thống giảm từ 60% xuống 50%. Các ngân hàng phải cân đối lại kỳ hạn nguồn vốn. Có hai cách: nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên để thu hút người dân dịch chuyển tiết kiệm sang kỳ hạn dài hay nâng và giữ lãi suất kỳ hạn huy động ngắn để đảm bảo có vốn huy động liên tục, khoản sau gối đầu cho khoản trước. Dù sử dụng cách nào thì lãi suất vẫn khó hạ.

Áp lực thứ ba: muốn lãi suất giảm, về lý thuyết, cung tiền phải dồi dào. Tổng phương tiện thanh toán năm nay không hề thấp so với năm trước. Đáng lẽ với mức tăng tổng phương tiện thanh toán như vậy, lãi suất đã giảm từ lâu. Khổ nỗi chỉ tiêu phát hành trái phiếu chính phủ cao vòi vọi. Năm 2017, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn dưới 100.000 tỉ đồng. Nếu chỉ phát hành để bù đắp số lượng đáo hạn thì chỉ tiêu không cao. Đằng này, chỉ tiêu Bộ Tài chính đưa ra tới 250.000 tỉ đồng. Ai sẽ mua trái phiếu chính phủ, tức cho ngân sách vay, nếu không phải là các ngân hàng? Ngân hàng là định chế trung gian, huy động tiền của dân để dành một phần mua trái phiếu chính phủ. Chính phủ thông qua lợi tức trái phiếu huy động thấp, liệu dân có cho vay không?

Chương cuối cuốn sách tiền rẻ?

Sự lên giá của đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền khác như euro, yen Nhật, bảng Anh, đô la Canada, đô la Singapore, đô la Úc đang bị thử thách. Đấy không chỉ bắt nguồn từ những chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà còn từ sự khởi sắc từ đống tro tàn khủng hoảng kinh tế của kinh tế châu Âu và một số quốc gia khác. Tương lai của đồng tiền chung châu Âu đã trở nên tươi sáng hơn nếu không muốn nói là sự lên giá của nó so với đô la Mỹ và bảng Anh đã bắt đầu. Năm 2016, kinh tế châu Âu tăng trưởng 1,7% - cao nhất kể từ năm 2008 và cao hơn mức 1,6% cùng năm của Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp đang đi xuống nhanh chóng. Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất lục địa già - tỷ lệ thất nghiệp đã chạy marathon xuống 3,9%, thấp hơn cả tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ. Thêm nữa, lạm phát tháng 1-2017 của khu vực euro ở mức 1,8%, đã rất gần với mức phấn đấu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu định hướng là 2%. Cứ với đà này chính sách nới lỏng tiền tệ của châu Âu không thể kéo dài, lãi suất đồng euro sẽ được điều chỉnh và cùng với nó tỷ giá sẽ thay đổi.

Có thể chương cuối của cuốn sách tài chính quốc tế mang tên tiền rẻ đang dần kết thúc. Thị trường mới nổi và cận biên đã đang và tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dòng tiền rẻ rút ra. Một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Mỹ có thể tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trên bình diện ấy, liệu Việt Nam có thể mãi duy trì chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0%/năm?

Mặt khác, sự kết thúc của tiền rẻ quốc tế sẽ không thể không ảnh hưởng đến cán cân thương mại xuất, nhập khẩu và gián tiếp đến mặt bằng giá cả trong nước. Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay là thách thức lớn. Giữa tăng trưởng GDP, kiềm chế lạm phát và ổn định giá trị đồng nội tệ, NHNN chọn cái nào?

Nên nhớ lãi suất tiền đồng là một trong những cái neo vững chãi để ổn định giá trị đồng nội tệ. Cái neo ấy không thể bị buông lỏng, vì thế có lẽ không nên quá kỳ vọng về một mặt bằng lãi suất thấp hơn trong năm con gà này.

Theo TBKTSG 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến