Cảnh buôn bán ế ẩm ở chợ Bến Thành (TP HCM) vì vắng bóng du khách
Chỉ áp dụng với DN đặc thù?
Sở Du lịch TP.HCM vừa có đề xuất cho doanh nghiệp (DN) du lịch có quy mô lớn trên 200 lao động được vay vốn với lãi suất (LS) 0% để trả lương. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đề nghị hỗ trợ cho vay với LS 0% trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 và giảm 50% LS cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủcông bố hết dịch Covid-19.
Hay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cũng đã có kiến nghị Chính phủ phương án hỗ trợ Vietnam Airlines (VNA) theo hướng giải cứu bằng việc thông qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng các nguồn vốn dự trữ và cơ chế tái cấp vốn qua các NH thương mại nhà nước, NH chính sách cho phép VNA được vay khoản ưu đãi với quy mô 12.000 tỉ đồng LS 0% tối thiểu trong 3 năm để đủ thời gian cho đơn vị này khắc phục các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trường hợp không thực hiện được phương án trên, đề nghị cho VNA vay vốn các NH thương mại, phần nhà nước hỗ trợ cho VNA thông qua bù chênh lệch lãi suất…
Vietnam Airlines từng được kiến nghị cho vay ưu đãi 12.000 tỉ đồng lãi suất 0%
GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, nhận định kiến nghị này không dễ thực hiện ngay được mà cần phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Chẳng hạn như quy mô gói vay sẽ là bao nhiêu? Thời gian cho vay bao lâu? Nếu cho vay LS 0% thì nhà nước sẽ cấp bù LS là bao nhiêu? DN được phép vay vốn LS 0% được sử dụng làm gì?... Việc Chính phủ phải chi tiền để cấp bù LS có hiệu quả hơn là sử dụng số tiền đó để hỗ trợ trực tiếp các DN hay không? Tại sao phải hỗ trợ đi đường vòng thông qua hệ thống NH thương mại?...
“Nếu áp dụng đại trà hoặc cho nhiều DN vay với LS 0% thì tôi e ngại sẽ làm méo mó chính sách tài chính tiền tệ nói chung của Chính phủ. Do vậy nếu như sau khi nghiên cứu kỹ thì cũng chỉ có thể áp dụng cho một số DN đặc thù nhất định như trường hợp của VNA vì nếu không hỗ trợ hãng sẽ phá sản. Hơn nữa đây cũng là DN nhà nước với ngành nghề đặc thù nên có hỗ trợ riêng. Ngân sách của nhà nước cũng sẽ không đủ để hỗ trợ đại trà cho mọi DN.
Bên cạnh đó, cần phải tính toán về cơ chế đặc thù, minh bạch và công khai nếu áp dụng mà không để xảy ra tình trạng xin cho. Nhưng quan trọng hơn là đẩy mạnh chính sách tài chính để hỗ trợ các DN như giảm hẳn 30% thuế thu nhập DN cho tất cả các đơn vị mà không chỉ gói gọn ở quy định DN có doanh thu dưới 200 tỉ đồng; giảm mạnh hơn các loại thuế phí cũng như cắt giảm nhiều nữa thủ tục, điều kiện liên quan đến DN”, GS-TS Võ Đại Lược nói.
Chọn ai, bỏ ai... không đơn giản
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng giải pháp này khó có thể thực thi được bởi nguyên tắc của NH là huy động tiền và trả lãi cho người gửi, sau đó cho khách hàng vay lại. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh LS điều hành, thực hiện cắt giảm các chi phí… để các NH có điều kiện giảm LS huy động, từ đó giảm LS đầu ra. Các NH thương mại huy động tiền của dân với LS khoảng 2,5 - 7,8%/năm thì làm sao cho vay ra 0%, không lẽ họ cho vay lỗ? Còn nếu áp dụng LS vay 0% và Chính phủ phải bỏ tiền ra tài trợ cho mức LS này thì cũng khó khăn.
TS Lê Xuân Nghĩa phân tích: Ở nước ngoài, LS 0% là LS chính sách của NH trung ương, và các DN tiếp cận vốn từ các NH vẫn vay theo LS thương mại. Giải pháp duy nhất có thể thực hiện được, theo ông Lê Xuân Nghĩa, là NH thương mại cho vay LS từ 2 - 3%/năm, phần chênh lệch còn lại ngân sách nhà nước sẽ bù. Dù vậy ông Nghĩa vẫn không đánh giá cao giải pháp này mà cho rằng thay vào đó, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho gói hỗ trợ kinh tế lần 1 được hiệu quả hơn.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế, Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng nếu áp dụng gói tín dụng LS 0% thì nhà nước phải dùng ngân sách để hỗ trợ bù LS. Trong bối cảnh ngân sách đang hạn hẹp thì chắc chắn phải tính đến quy mô gói tín dụng 0%, chỉ hỗ trợ tập trung những đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất do dịch Covid-19.
Thế nhưng, đối tượng nào được hỗ trợ LS 0% là cả một vấn đề vì gần như toàn xã hội hiện nay đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra, người này được ưu tiên mà người kia không được cũng rất khó. Áp dụng LS cho vay 0% để DN trả lương cho người lao động, xét về mặt đạo lý là nhân văn.
Thế nhưng nếu DN vay gói tín dụng LS 0% bị phá sản, không trả được nợ gốc thì lúc đó giải quyết như thế nào? Trong những tháng qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành NH thấp không những đến từ việc các khách hàng ít vay mà một phần do các NH cũng ngại cho vay trong bối cảnh khó khăn, không lường trước được rủi ro, có khả năng làm gia tăng nợ xấu.
“LS cho vay chỉ là một yếu tố, vấn đề NH quan tâm hiện nay là DN vay có trả được nợ hay không. Trong trường hợp các gói tín dụng sử dụng nguồn tái cấp vốn từ nhà nước, nguồn vốn ngân sách để có LS 0%, các NH càng thận trọng hơn với quyết định cho vay bởi ngoài thủ tục tăng lên, NH còn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp bị trục lợi hay mất vốn ngân sách...”, TS Nguyễn Đức Độ chia sẻ thêm.
Mạnh dạn hỗ trợ DN
Trái ngược với những quan điểm thận trọng trên, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng Chính phủ vẫn có thể áp dụng được các gói cho vay với LS thấp để hỗ trợ cộng đồng DN. Cụ thể hơn, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu với kỳ hạn 5 - 10 năm để hút tiền về, sau đó cho các DN vay lại đúng bằng LS phát hành trái phiếu. Bởi hiện nay, nhiều đợt phát hành trái phiếu chính phủ với LS còn dưới 2%/năm.
Trong đó đối tượng mua trái phiếu chính phủ nhiều nhất vẫn là các NH thương mại do tăng trưởng tín dụng còn thấp, thanh khoản của các nhà băng dồi dào. Theo TS Lê Đạt Chí, việc huy động vốn và cho vay này như là cái “bơm” để đưa vốn từ nơi thừa đến nơi cần, giúp các DN nhanh chóng khôi phục hoạt động.
Thậm chí, với những ngành bị tác động nặng nề do dịch Covid-19 như hàng không và du lịch, Chính phủ cũng có thể sử dụng nguồn vốn nói trên để cho vayvới LS 0% và thực hiện cấp bù LS thông qua NHNN chỉ định các NH thương mại nhà nước.
TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh: Nếu ai đến trung tâm TP.HCM sẽ thấy nhiều khách sạn vẫn đang đóng cửa vì không có khách; hàng loạt DN du lịch, lưu trú bị sụt giảm 95% doanh thu hay VNA cũng kiệt quệ. Chỉ cần công ty du lịch bán được 1 tour cho 1 khách hàng thì nhà nước sẽ thu được 10% thuế giá trị gia tăng song song với việc DN đó có lãi sẽ thu được thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Thậm chí nếu DN chưa có lãi, không thu được thuế TNDN thì Chính phủ vẫn thu được thuế GTGT, đây chính là nguồn thu để bù lại phần LS đã bù khi cho vay 0%. Số thuế này sẽ rất lớn khi doanh số của cả ngành du lịch gia tăng trở lại. Tương tự đối với hoạt động của ngành hàng không, số thuế GTGT luôn lớn hơn thuế TNDN.
Chính phủ cần mạnh dạn với các gói hỗ trợ cho DN như cho vay LS thấp hay 0% vì rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều đó. Thậm chí Chính phủ các nước còn chi tiền để phát không cho cả DN lẫn người dân. Việc hỗ trợ bù LS không phải là trợ giá hàng hóa và nhất là trong điều kiện do đại dịch Covid-19, chúng ta không lo ngại vi phạm về các nguyên tác của kinh tế thị trường. Nếu không thực hiện thì khi “lò xo” kinh tế thiếu động lực và muốn phục hồi trở lại thì sẽ càng tốn kém nhiều hơn.
Đã có 4 gói hỗ trợ khác nhau Trong một báo cáo mới đây của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, Chính phủ Việt Nam đã có 4 gói hỗ trợ với tổng giá trị thực - tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống các tổ chức tín dụng cam kết bỏ ra - ước tính khoảng 181.400 tỉ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019. Trong đó gói hỗ trợ tài khóa khoảng 73.100 tỉ đồng; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giá trị ước tính 36.600 tỉ đồng; gói an sinh - xã hội thực tế có giá trị khoảng 45.800 tỉ đồng (chứ không phải 62.000 tỉ đồng do chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương về bản chất chỉ là phần tiền lãi không tính do LS là 0%); các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 26.000 tỉ đồng như giảm tiền điện, dịch vụ viễn thông. Trong 4 gói hỗ trợ thì gói tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, các gói còn lại rất chậm và còn vướng mắc, cần sớm khắc phục. Trong các gói hỗ trợ trên, gói tín dụng 16.000 tỉ đồng cho vay LS 0% hỗ trợ trả lương vẫn chưa giải ngân được do điều kiện đặt ra chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn; quy trình, thủ tục phức tạp, xử lý lâu khiến DN e ngại. Ngoài kiến nghị Chính phủ cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại, như đã được nhận diện trong thời gian qua, nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2) giúp người dân, DN vượt khó với quy mô 2,5% GDP. |
Tác giả: Mai Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy