Dòng sự kiện:
Lâm Đồng: Đề xuất đầu tư 4.328 tỷ đồng nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương
20/03/2022 10:12:07
UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chủ trương nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương.

Nâng cấp để tiến tới đạt công suất 5 triệu khách/năm

Theo đề xuất này, Cảng hàng không Liên Khương sẽ nâng cấp từ cấp 4D (công suất 2 triệu khách/năm) lên cấp 4E (công suất 5 triệu khách/năm) với nguồn vốn dự kiến 4.328 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo nhận định từ UBND tỉnh Lâm Đồng, Cảng hàng không Liên Khương có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Lâm Đồng, Tp.Đà Lạt nói riêng và vùng Nam Tây Nguyên nói chung.

Từ năm 2010, Cảng hàng không Liên Khương đã đầu tư, nâng cấp và đưa vào khai thác sử dụng đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4D, công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, đảm bảo phục vụ hơn 830 hành khách/giờ cao điểm.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không Việt Nam và các hãng hàng không để mở các đường bay nội địa, quốc tế đi/đến Cảng hàng không Liên Khương và hiện đang khai thác 15 đường bay nội địa, quốc tế đi/đến: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Phú Quốc; Bangkok (Thái Lan), Incheon (Hàn Quốc), Muan (Hàn Quốc), Lan Châu (Trung Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia) và là 1 trong 5 cảng hàng không hoạt động có hiệu quả trong tổng số 22 cảng hàng không trên cả nước.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát thì năm 2019 lượt hành khách thông qua Cảng đạt 2.005.575 khách (vượt mức công suất thiết kế của nhà ga), sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 7.392 tấn, với tần suất khai thác từ 30 - 40 chuyến/ngày (vận tải hành khách tăng trung bình 30%/năm, vận tải hàng hóa tăng trung bình 32%/năm, số lần bay tăng trung bình 20%/năm).

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Cảng hàng không Liên Khương hiện nay chưa theo kịp tốc độ phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại tăng cao người dân trong và ngoài nước, nhất là việc bố trí các phòng làm việc cho các lực lượng hải quan, kiểm soát an ninh, an toàn bay phục vụ các chuyến bay quốc tế thường lệ đi/đến tại cảng.

Từ tình hình thực tế nêu trên cho thấy nhu cầu phát triển vận tải hàng không của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới là cần thiết và cấp bách, đặc biệt là phát triển các đường bay quốc tế đi/đến.

Cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên

Hiện nay, đã có một số nhà đầu tư quan tâm, đề nghị sớm nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ cảng hàng không quốc nội cấp 4D lên quy mô cảng hàng không quốc tế cấp 4E (với đầy đủ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và hệ thống thiết bị phụ trợ dẫn đường tiên tiến, hiện đại để tiếp nhận các loại máy bay thân lớn như Airbus A380, Boeing 787...) theo phương thức đối tác công tư nhằm đưa Cảng hàng không Liên Khương trở thành một cảng hàng không hiện đại, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.

Việc này giúp Tp.Đà Lạt sớm trở thành đô thị hiện đại có đẳng cấp quốc tế theo định hướng quy hoạch chung Tp.Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014.

Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E theo phương thức đối tác công tư.

Công suất thiết kế đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm (xây dựng bổ sung 1 nhà ga quốc tế, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, hệ thống thiết bị…). Diện tích đất khoảng 340,84ha theo diện tích đất hiện có.

Tổng mức đầu tư chưa bao gồm lãi vay dự kiến khoảng 4.328 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư 100% vốn huy động của nhà đầu tư và thời gian thực hiện từ năm 2023 đến 2026.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến