Lạm phát 2015 thấp kỷ lục và những vấn đề với nền kinh tế
25/12/2015 10:04:36
Lạm phát năm 2015 vừa chính thức được công bố ở mức thấp kỷ lục trong 14 năm gần đây: chưa tới 1% - chỉ 0,6%, thấp xa mục tiêu điều hành 5%. Điều này đặt ra nhiều vấn đề đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tin liên quan

Phải nói rằng, mức lạm phát trên đã nằm ngoài mọi dự đoán của các nhà quản lý cũng như các chuyên gia kinh tế. Năm ngoái, khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2015, Chính phủ đã chủ động đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 5% để đảm bảo nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hợp lý. Song sau diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các tháng trong năm, nhất là sau tác động của việc giá dầu thô giảm sâu, nhiều dự báo cho rằng, lạm phát năm nay sẽ dừng ở con số 3-4%.

Tháng 10/2015, khi báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng vẫn giữ quan điểm cho rằng, lạm phát năm nay sẽ vào khoảng 1,5 - 2,5%. Tuy nhiên, con số cuối cùng chỉ là 0,6%. Lạm phát thấp trong khi tăng trưởng GDP năm nay dự báo vượt 6,5% đã chứng tỏ không có chuyện giảm phát ở Việt Nam, mà phần lớn là do giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới và trong nước giảm, đặc biệt là giá dầu thô.

Lạm phát năm 2015 vừa chính thức được công bố ở mức thấp kỷ lục trong 14 năm gần đây: chưa tới 1% - chỉ 0,6%, thấp xa mục tiêu điều hành 5%.

Lạm phát thấp của năm 2015, với bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%, cũng đã tạo điều kiện để Chính phủ thực hiện các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất - kinh doanh phát triển. Lạm phát thấp thì người tiêu dùng được hưởng lợi và được hưởng trọn vẹn thành quả của tăng trưởng. Nhưng một điều không thể không nhắc tới, đó là hệ lụy của việc lạm phát thấp tới nền kinh tế sẽ như thế nào?

Khi lạm phát thấp, một câu hỏi luôn được đặt ra. Đó là có phải vì tổng cầu vẫn còn thấp hay không? Câu trả lời của năm 2015 là không hẳn, bởi tổng cầu của nền kinh tế - được đo thông qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã có sự cải thiện, tăng 8,3% (loại trừ yếu tố giá cả) so với cùng kỳ sau 11 tháng. Chưa thể bằng giai đoạn trước khi nền kinh tế gặp khó khăn, nhưng như vậy, tổng cầu đang dần hồi phục.

Tuy nhiên, câu chuyện nằm ở chỗ tổng cung đang tăng nhanh không chỉ vì sản xuất trong nước đã hồi phục, mà còn vì số lượng nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng vào Việt Nam là khá lớn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, qua 11 tháng đầu năm, doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới 14,91 tỷ USD, trong khi doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 12,04 tỷ USD. Tính chung, cả nước vẫn nhập siêu 2,87 tỷ USD, trong đó có một phần không nhỏ là từ nhập khẩu hàng tiêu dùng.

Nhìn trên thị trường, gần đây rất nhiều hàng hóa từ giày dép, quần áo, thậm chí là thực phẩm như các loại thịt bò, thịt gà... được nhập khẩu và bày bán tràn lan trên thị trường với giá rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Tổng cung tăng nhanh trong khi tổng cầu không theo kịp đã khiến hàng sản xuất trong nước dư thừa và qua đó tác động tới giá cả thị trường, đẩy CPI xuống thấp. Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng doanh nghiệp trong nước chịu thiệt vì không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập giá rẻ. Nếu không thể kiểm soát được tình hình, thì hệ lụy là khôn lường đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và rộng hơn là đối với cả nền kinh tế.

Một khía cạnh khác cũng cần nói tới. Đó là nếu như trước đây, chuyện nhập khẩu lạm phát đã đẩy lạm phát những năm 2008, 2011 lên 19-20%, thì năm nay, nhập khẩu lạm phát lại kéo CPI trong nước xuống thấp. Chỉ riêng việc giá dầu thô giảm đã làm CPI năm 2015 giảm 1,2%. Trong khi dầu đang giảm sốc, thậm chí có dự báo còn cho là sẽ xuống mức 20 -25 USD/thùng, thì chưa có bất cứ thông tin nào cho thấy, giá hàng hóa trong năm tới sẽ tăng lên.

Năm 2016, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 5%. Nhưng với những diễn biến hiện tại, điều đó rất khó xảy ra. Vấn đề nằm ở chỗ, sau năm 2014 lạm phát chỉ 1,84%, năm 2015 là 0,6%, nếu lạm phát năm 2016 tiếp tục ở mức thấp thì có nên lo ngại về thiểu phát, giảm phát ở Việt Nam hay chưa? Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ở một nền kinh tế như Việt Nam, ngưỡng lạm phát 7% mới là hợp lý để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao. Đây là điều rất đáng lưu tâm trong bối cảnh hiện nay.

Theo Báo Đầu Tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến