Dòng sự kiện:
Lạm phát trong năm 2022 của Đức lên mức cao kỷ lục 7,9%
18/01/2023 11:31:06
Tỷ lệ lạm phát cao nhất trong lịch sử chủ yếu là do giá các sản phẩm năng lượng và hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Duesseldorf, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 17/1, cho biết lạm phát trong năm 2022 của nước này là 7,9%, mức cao nhất trong lịch sử hậu chiến.

Theo Chủ tịch Destatis Ruth Brand, tỷ lệ lạm phát cao nhất trong lịch sử chủ yếu là do giá các sản phẩm năng lượng và hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine.

Năm 2022, người tiêu dùng Đức phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng nhanh nhất, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu.

Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát đã giảm rõ rệt trong tháng 12/2022 xuống còn 8,6%, sau 3 tháng liên tiếp duy trì ở mức trên 10%, trong đó tháng 10/2022 là mức cao nhất, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát đã tăng từ trước thời điểm xảy ra xung đột tại Ukraine, lên mức 4,9% trong tháng 1/2022 và 5,1% vào tháng 2/2022.

Đến đến tháng Ba, một tháng sau thời điểm Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine, lạm phát tăng vọt lên 7% và tăng “phi mã” lên 10,4% vào tháng 10/2022 trước khi giảm nhẹ vào cuối năm.

Hiện tượng lạm phát gia tăng dường như xảy ra trên phạm vi toàn cầu trong năm 2022, chứ không chỉ giới hạn ở Đức hay châu Âu, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do trước đó phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Chủ tịch Destatis nhấn mạnh: “Mặc dù việc tăng giá không ảnh hưởng toàn bộ đến người tiêu dùng, nhưng năng lượng và thực phẩm nói riêng đã trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều với họ."

Giới phân tích hy vọng rằng áp lực lạm phát tại Đức sẽ giảm bớt trong năm 2023.

Phát biểu với tờ “Die Welt” bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck dự đoán tỷ lệ này có thể giảm xuống 5% vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, ông cảnh báo con số lạm phát của cả năm rất có thể sẽ cao hơn.

Bên cạnh việc giá lương thực và năng lượng tăng cao, các vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hàng hóa, nhiều nguyên nhân có thể bắt nguồn từ hậu quả của đại dịch COVID, cũng góp phần gây ra áp lực về giá.

Năm 2022, chi tiêu năng lượng của các hộ gia đình Đức tăng 39,1% so với năm trước, cao hơn bốn lần so với lạm phát chung.

Dầu sưởi ấm tăng 87% và khí đốt tự nhiên tăng 64,8%, giá điện nhìn chung tăng 20,1%. Giá xăng dầu và dầu diesel tăng 26,8%.

Theo Destatis, các gói cứu trợ của chính phủ đã giúp giảm áp lực đối với người tiêu dùng trong những tháng cuối năm./.

Tác giả: Phương Hoa

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến