Dòng sự kiện:
Làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã
20/03/2021 20:31:15
Người dân tá hỏa khi phát hiện các lồng nuôi cá dọc sông Mã ở Thanh Hóa cá chết nổi hàng loạt.

Theo phản ánh của các hộ dân nuôi cá lồng dọc sông Mã ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa), hiện tượng cá chết bắt đầu xuất hiện từ khoảng đêm 14/3.

"Ban đầu những con cá ngoi lên mặt nước ngáp ngáp, sau đó chúng chết nổi trắng bè", một chủ lồng nuôi ở thị trấn Cành Nàng nói.

Ban đầu cá chết rải rác ở một vài lồng nuôi, sau đó xảy ra hàng loạt trên địa bàn các xã Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Ngoại.

Các lồng nuôi cá ở huyện Bá Thước đều có tình trạng cá chết

Người dân nói rằng, gần đâu nước sông Mã có màu đen khác thường. Không chỉ cá nuôi lồng chết mà tôm, cua sống tự nhiên cũng có hiện tượng chết. Họ nghi ngờ tình trạng trên có thể do nước sông bị ô nhiễm từ các nhà máy đặt ở thượng nguồn xả thải ra sông.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, cho biết, tính đến ngày 20/3, toàn huyện có 93 hộ nuôi với hơn 150 lồng bè có cá bị chết với tổng khối lượng gần 4,2 tấn; tập trung tại thị trấn Cành Nàng 21 hộ, các xã Ái Thượng 49 hộ, Hạ Trung 5 hộ và Lương Ngoại 18 hộ.

Sau khi nhận được thông tin, UBND các xã, thị trấn và ngành nông nghiệp huyện đã cử cán bộ xuống ghi nhận thực tế.

Bước đầu kiểm tra lâm sàng, mổ khám cá nuôi tại chỗ cho thấy, cá không bị xuất huyết bên ngoài, mang và các cơ quan nội tạng bên trong bình thường, không có hiện tượng xuất huyết hay tụ huyết bất thường hay dấu hiệu bệnh khác.

Cá chết trắng được người dân vớt lên bờ

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã xuống địa bàn lấy mẫu nước, xác cá gửi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I phân tích, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây cá chết.

Nhà chức trách địa phương đang rà soát các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn, hướng dẫn người nuôi theo dõi và vệ sinh lồng bè, dùng máy sục khí, máy bơm nước để tăng hàm lượng oxy hòa tan, lưu thông dòng chảy.

Ngành chức năng cũng khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi chất lượng nước trên sông, khi thấy dấu hiệu tác động đến sức khỏe đàn cá cần di chuyển ngay lồng nuôi đến khu vực tốt hơn như ao, hồ, khe suối để giảm thiệt hại.

Dọc 2 bờ sông Mã thuộc các huyện Quan Hóa, Bá Thước có nhiều cơ sở chế biến lâm sản, ngâm ủ, chế biến tre luồng, bột giấy.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng trên, trước đó tháng 4/2020, cá nuôi lồng cũng chết hàng loạt trên sông Mã. Ngành chức năng sau đó phát hiện nhiều cơ sở chế biến lâm sản xả thải ra sông.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến