Lần dấu KCN 'ma': Hai vợ chồng trông coi 175 ha đất
01/04/2015 15:27:19
ANTT.VN – Hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang 7 năm trời, cánh đồng lúa ngày nào nuôi sống hàng nghìn gia đình biến thành bãi chăn, thả trâu, bò…, cảnh tượng này đang diễn ra chính tại Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Tin liên quan

Tiếp tục cuộc hành trình “mục sở thị” những khu công nghiệp lọt danh sách "đen” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về phát triển Khu công nghiệp lần thứ 5, chúng tôi tiếp tục dừng chân tại Khu Công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương – nơi đất “vàng” bỏ hoang gần chục năm qua.

Dự án KCN Cẩm Điền - Lương Điền đã 7 năm nhưng vẫn "dậm chân tại chỗ"

Hàng trăm hecta đất chỉ để cỏ mọc

Khu Công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền ( tỉnh Hải Dương) là một trong những khu công nghiệp bị liệt vào nhóm IV (khu công nghiệp có tỉ lệ lấp đầy thấp, chưa đền bù, GPMB và chưa đầu tư xây dựng hạ tầng) trong danh sách “đen” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khác với những Khu công nghiệp mà chúng tôi nhắc đến trong những số báo trước ở tỉnh Hưng Yên như Khu công nghiệp Minh Quang hay KCN Yên Mỹ II, tuy là những dự án trên giấy chưa được triển khai nhưng ở đó vẫn hiện hữu cánh đồng lúa xanh tốt, mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con vẫn tiếp tục… còn tại Khu Công nghiệp Cẩm  Điền – Lương Điền hàng trăm hecta đất sản xuất nông nghiệp ngày nào đã bị bỏ hoang những 7 năm qua.

Nằm ngay giáp QL.5, một vị trí có thể nói là “đắc địa ” để xây dựng một khu công nghiệp hiện đại, được khởi công từ năm 2008, hàng trăm hecta đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền, nhưng đến nay trên mảnh đất ấy không “mọc lên” bất kỳ nhà xưởng hay doanh nghiệp nào mà ở đó lại chỉ để “phục vụ” cho… cỏ dại mọc.

Theo tìm hiểu của PV ANTT.VN, ngày 13/6/2008 Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương ra quyết định số 2078/QĐ – UBND về việc thu hồi và tạm giao đất cho Công ty Cổ phần Phúc Hưng để kiểm kê và lên phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, huyện Cẩm Giàng.

Vào thời điểm năm 2008, Công ty cổ phần Phúc Hưng là chủ đầu tư dự án

Theo quyết định, sẽ thu hồi 175 ha do các hộ gia đình và UBND hai xã Cẩm Điền và Lương Điền quản lý, trong đó, nhóm đất nông nghiệp là 1.569.244m2, nhóm đất phi nông nghiệp là 182.178m2.

Trong quyết định trên nêu rõ “ Khi Công ty cổ phần Phúc Hưng hoàn tất thủ tục theo quy định và có văn bản thu hồi chấp thuận dự án đầu tư của Công ty cổ phần sao Thái Dương, văn bản thu hồi giấy phép đầu tư của Công ty Shijar của cấp có thẩm  quyền, lập thủ tục trình UBND tỉnh quyết định thu hồi đất giao chính thức cho Công ty cổ phần Phúc Hưng quản lý, sử dụng”.

Tuy nhiên, đã 7 năm trôi qua kể từ năm 2008 đến nay gần 200 ha đất “vàng” lại bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm trong khi ngay gần đó là những khu công nghiệp vẫn ngày đêm “miệt mài” hoạt động.

Đất “vàng” bỏ hoang, vì sao?

“Tấc đất, tấc vàng”, nhưng dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền trước đây là đồng lúa nuôi sống hàng trăm gia đình nay chỉ còn là bãi đất nham nhở, thứ hiện hữu duy nhất trên 175 ha đất này là 3 cổng chào xây dang dở và một ngôi nhà ở giữa cánh đồng.

Việc dự án “dậm chân tại chỗ” không những làm cho hàng nghìn hộ dân vừa không có đất sản xuất nông nghiệp mà còn gây ra sự lãng phí đất trong 7 năm vừa qua, nhìn cả cánh đồng lúa ngày nào nay chỉ toàn cỏ dại không khỏi khiến cho người ta đặt nghi vấn: “Tại sao đất “vàng” lại để phí đến 7 năm ròng?”

Để triển khai dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, có tới 1.322 hộ dân hai xã Lương Điền và Cẩm Điền bị thu hồi đất canh tác, trong đó, riêng thôn Hoàng Xá (xã Cẩm Điền) có 121 hộ bị thu hồi đất.

Tiếp xúc với người dân thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền chúng tôi được biết, việc KCN Cẩm Điền – Lương Điền bị bỏ hoang bấy lâu nay vì một phần hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường và hỗ trợ giải phóng mặt bằng mà chủ đầu tư và chính quyền tỉnh Hải Dương đưa ra.

Cánh đồng lúa ngày nào nay chỉ còn trơ cỏ dại

Theo chia sẻ của bà Nhàn – người dân thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, việc đền bù giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, vì nằm cách KCN Cẩm Điền – Lương Điền không xa là KCN Bình Giang, cùng vào thời điểm đó đã trả tiền đền bù cho bà con là hơn 30 triệu đồng/sào, còn số tiền đền bù tại KCN Cẩm Điền – Lương Điền lại chỉ vẻn vẹn 23,4 triệu đồng/sào. “Chúng tôi nghĩ bán ruộng đi thì hết đời chúng tôi cũng không có đất nữa mà giả tiền đất rẻ quá nên chúng tôi không bán” – bà Nhàn nói.

Bà Nhàn cũng cho hay, một số hộ dân không có đất sản xuất nông nghiệp đã quyết định mua trâu, bò về chăn thả trên cánh đồng cỏ rộng hàng trăm hecta này. Một nghịch lý rõ ràng mà ai cũng thấy, cánh đồng lúa năm nào còn mướt xanh nay thay vào đó là cánh đồng cỏ mênh mông bị bỏ hoang để phục vụ cho việc chăn trâu, chăn bò thì quá lãng phí.

Cả KCN Cẩm Điền – Lương Điền ngoài 3 cổng chào xây dở dang còn có một ngôi nhà được xây dựng để thuê người trông nom khu đất, theo lời của vợ chồng ông Lê Văn Linh làm bảo vệ ở đây thì vợ chồng ông đã được thuê 4 năm để trông coi Khu công nghiệp này, ông Linh cho biết, “ người ta (Chủ đầu tư – PV) làm được nửa chừng nhưng vì không có tiền nên người ta bỏ, gần Tết vừa rồi thấy họ đến làm lễ, không biết họ có tiếp tục làm nữa không”.

Một số hộ dân "xót" đất tận dụng những khu đất còn "bắt" được nước để cấy lúa

Cũng theo vợ chồng ông Linh một số hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù nên vẫn tận dụng những chỗ đất dễ “bắt” nước để cấy lúa.

Được biết, gần đây Công ty TNHH Phúc Hưng và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP JSC) đang trong quá trình hoàn tất việc đàm phán mua bán Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền. Sau khi chấp thuận chủ trương VSIP mua lại KCN Cẩm Điền – Lương Điền, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ về việc này.

Theo đó, để tạo điều kiện cho việc VSIP triển khai dự án, UBND tỉnh Hải Dương đã gia hạn tiến độ KCN Cẩm Điền – Lương Điền đến hết tháng 12/2016. Theo thông tin từ UBND tỉnh Hải Dương dù đến tháng 9/2010, tỉnh đã bàn giao 150 ha đất KCN cho chủ đầu tư trong đó Phúc Hưng đã ký hợp đồng thuê đất hơn 112 ha, tuy nhiên, thực tế Phúc Hưng mới cơ bản hoàn thành san nền khoảng 30 ha, xây dựng được ít tường rào, đường trục chính và đã dừng hoàn toàn việc thi công.

Diện tích cấy được lúa không nhiều...

Lý giải điều này, UBND tỉnh Hải Dương cho rằng do gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; việc bồi thường và giao đất bị kéo dài; những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tình hình tài chính của chủ đầu tư và việc thu hút các dự án đầu tư…

Vì đa số đất ruộng đã bị san lấp tạo thành những mô đất nên không thể trồng cấy được

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu sau khi “đổi chủ” việc giải quyết bồi thường và hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho những hộ gia đình chưa đồng ý với phương án bồi thường có được giải quyết? liệu mảnh đất cằn cỗi sau 7 năm bị bỏ hoang có được triển khai thành một khu công nghiệp đúng nghĩa?

Còn nữa…

Thiên Di – Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến