Tin liên quan
Loạn nợ
“Rồi, con Nguyệt đi rồi, bể nợ!”, bà Lê Thị Tờ (55 tuổi) và rất nhiều người ở xã Nghĩa Phú thành phố Quảng Ngãi cảm thấy đứng tim khi nghe tin này. Tết cận kề, không ai đùa ác ý kiểu này cả. Bà Tờ vẫn còn chút nghi ngờ nên vội vã hỏi lại vài người nữa thì ai cũng nhắc lại câu “bể rồi, đi rồi, giật nợ!”. Mọi người ùn ùn kéo tới xếp rồng rắn trước nhà mẹ chồng của chủ nợ Đỗ Thị Nguyệt. Tới lúc đó thì tất cả mới nhìn mặt nhau và tá hỏa khi mỗi người tự khai số tiền của mình đã cho bà Nguyệt vay lấy lãi rất nhiều.
Cùng thời điểm trên, tại xã Nghĩa An nằm bên kia sông cũng xảy ra cảnh tương tự. Đàn bà làng chài chạy tới chạy lui, mặt mày tái mét, miệng nói không ra câu. Nhưng cuối cùng, mọi người cũng ngã ngửa khi tin hết khả năng lấy tiền nợ. Đường dây vay nợ bên xã Nghĩa An lớn gấp 4 lần bên xã Nghĩa Phú. Vợ các ngư dân gặp nhau đều nói “bể lớn rồi, một ông hết tiền trả, một ông khóa cửa bỏ nhà đi và tắt điện thoại”. Mọi người bắt đầu cuống cuồng chạy loạn để xem 2 gia đình này còn tài sản gì có thể lấy được nhằm cấn trừ bớt nợ, như đất đai, xe, tàu thuyền...Bà Lương, một con nợ ở xã Nghĩa An vội vã điện ra Đà Nẵng nhờ người nhà đi lùng cho bằng được con cái của chủ nợ đang cư trú tại đâu? Tài sản trong nhà có gì? “có gì khiêng nấy, nhất là sổ đỏ”.
Làng chài ở cửa biển Cổ Lũy đang chìm trong nợ.
Bà Đặng Thị Kiệt (72 tuổi) ở xã Nghĩa Phú khóc đứng khóc ngồi, vì ngôi nhà đã được bà sang tên cho con trai đứng và lấy sổ đỏ vay ngân hàng lấy tiền gởi cho chủ nợ. Ông Huỳnh Công Trung, thôn trưởng Phổ Trường xã Nghĩa An ước tính chỉ riêng thôn mình đã có hàng trăm người cắm sổ đỏ cho ngân hàng để lấy tiền cho vay lại.
“Con Bé nó vừa về, tới đòi nợ nhanh lên”, chiều 26 tết, người dân làng chài xã Nghĩa An tiếp tục chạy loạn tới níu kéo một con nợ nhỏ vừa trốn nợ trở về “gặp mặt đầu năm và xin hứa”. Thực tế, dưới chủ nợ lớn có rất nhiểu chủ nợ nhỏ. Đó là những người đã đứng ra gom tiền đổ vào kênh tài chính của chủ nợ lớn nên vỡ nợ dây chuyền. Các chủ nợ lớn đã kéo nhiều đường dây biêu, hụi đổ theo dẫn đến loạn nợ. Anh Hùng, một ngư dân chỉ chiếc tàu còn nằm trên ụ cho biết, “thôi, khỏi bàn, thợ đóng tàu cũng bị giật tiền, tàu đóng dở không xuống nước được, mấy công ty nhỏ nhỏ ở gần đây cũng bị dính nợ cả chùm.
“Sóng thần" quét làng chài
Hai chủ nợ mà người dân xã Nghĩa An đang đã trót gởi tiền quá nhiều, đó là ông Trần Minh Đ (54 tuổi) và ông Nguyễn Minh Đ (50 tuổi). Đó là 2 gia đình vốn rất giàu có tại xã biển Nghĩa An, hiện có nhà ở thành phố Quảng Ngãi. Ông Trần Minh Đ xuất thân từ một ngư dân nghèo, nhưng sau đó trở thành chủ tàu, thuyền trưởng và làm ăn rất thành công. Ông là người đứng ra vay tiền của nhiều người và trả lãi suất là 30%. Số tiền này được ông Đ cho các chủ tàu vay nóng với lãi suất lên đến 60 – 70%. Nhiều người thấy lợi đã đổ tiền vào nhà ông Đ, và giờ chỉ biết than khóc.
Ông Đ vẫn ở tại địa phương và đã hết khả năng chi trả cho bà con ngư dân. Ngay sau khi vỡ nợ, ước tính con số khoảng gần 40 tỷ. Nhưng đến giờ này, nhiều người dân làng chài càng thất vọng và cho biết “chắc chỉ gặm gân thôi”. Vì số nợ của TMĐ được một cán bộ địa phương ước tính lên đến trên 100 tỷ đồng.
Còn ông Nguyễn Minh Đ là một người có gia cảnh nghèo khó, nhưng gần đây đã phất lên trông thấy. Nhiều người dân xì xào rằng “ổng có bạc tỷ, đất mấy sở, xe nhiều lắm”. Vậy là tiền ào ào chuyển vào kênh của ông Đ để thực hiện vòng quay cho vay lấy lãi. Ông NMĐ chủ yếu cho những ngư dân vay ngắn hạn để trả nợ ngân hàng khi đáo hạn và làm thủ tục tiếp tục đi vay tiền, hoặc giải quyết nhanh việc mua bán thường ngày ở làng chài.
Nhưng người lai lịch bấp bên nhất lại gom được vài chục tỷ đồng là bà Đỗ Thị Nguyệt ở xã Nghĩa Phú. Năm nay 25 tuổi, sống tại gia đình phía chồng, tài sản gần như không có gì. Ông H, một ngư dân địa phương kêu lên: “Trời ơi, do con Nguyệt chiếu phim vàng hay quá nên ai cũng tin”. Đó là bà con luôn xì xào về bạc tỷ của bà Nguyệt. Người nhà bà Nguyệt bỗng dưng trở lên lấp lánh vì vàng đeo đầy người. Có rất nhiều thông tin về sự giàu có ảo như: Mỗi lần người nhà ra chợ thì chọn mua những món ngon và đắt tiền theo kiểu tiêu tiền như nước. Một bà bán bình ga ghé vô nhà bà Nguyệt lấy 500.000 đồng, nhưng bê ra một bao tiền rất to và rút một tờ…Nhiều người tin tưởng bà Nguyệt để kết cục, chủ nợ đã tạo ra trận “sóng thần” quét sạch tiền làng chài.
Nhiều người già tại làng chài đã dồn hết tài sản, cả sổ đỏ cho chủ nợ .
Sập hầm lãi suất
Làng chài xã Nghĩa An và Nghĩa Phú có hơn 1.200 tàu thuyền. Nhu cầu vay tiền, bốc nóng để giải quyết việc giao dịch nhanh phục vụ cho việc mua bán tàu thuyền diễn ra thường xuyên. Từ đó đã hình thành rất nhiều hình thức cho vay, bốc nóng với lãi suất cao. Những chủ cho vay chủ yếu gom tiền của nhiều người và trả lãi, sau đó cho người khác vay với lãi suất trên trời, có khi lên đến 120%/tháng, gấp 15 lần lãi suất ngân hàng. Nhiều người dân cho biết, họ đã không thể cưỡng lại sức hút của tiền lời nên đã vét hết tài sản đưa cho chủ nợ. Ông Trần Văn Trung, công an xã Nghĩa Phú cho biết, hiện nay bà con bị dính nợ đã viết đơn gởi cho công an thành phố Quảng Ngãi và đã thống kê số tiền bà Nguyệt nợ ngư dân là 34 tỷ đồng, chưa tính vàng. Nhưng thực tế thì số tiền này rất lớn, vì khi tiếp xúc một số ngư dân cho biết, “bà Nguyệt nói đừng kiện cáo gì thì sẽ trả hết”.
Trong đống bùng nhùng của nợ nần tại các làng chài, có rất nhiều người vốn lâm cảnh khó, giờ chết đứng vì trắng tay, vừa bị nợ, vừa trở thành con nợ. Chị Đặng Thị Tâm (47 tuổi), chồng chị là ngư dân Nguyễn Văn Thủy qua đời cách đây vài tháng và để lại gia tài cho 3 mẹ con là một con tàu cũ kỹ chung phần hùn. Chị bán chiếc tàu kiếm được ít tiền làm vốn và mưu sinh bằng nghề bán bánh xèo ở chợ. 3 mẹ con sống ở căn nhà tạm. Chị Tâm đưa hết cho bà Nguyệt và còn ngây thơ, trở thành một kênh đứng ra huy động hơn 1 tỷ đồng và 3 cây vàng từ bà con tiểu thương, đổ vào luồng quay vòng của bà Nguyệt.
Chồng chết để lại 2 con, chị Tâm nhẹ dạ cả tin, vừa bị nợ, nhưng vừa là con nợ.
Một số ngư dân thoát khỏi vòng xoáy của nợ nần đã phân tích: “Đưa cho họ 1 tỷ thì mỗi tháng kiếm tiền lời 30 triệu. Trong khi ở làng chài này thì không có bất cứ nghề nghiệp gì đầu tư 1 tỷ mà lại kiếm được số tiền đó trong một tháng, kể cả những tàu đánh bắt trúng nhất trong làng chài. Vì vậy họ cứ tới nhà năn nỉ nhưng tôi không cho vay”.
Nguyên nhân của việc vỡ nợ có yếu tố lừa đảo, bội tín hoặc dính vỡ nợ dây chuyền…còn phải điều tra làm rõ. Nhưng trước mắt thì làng chài đang chìm trong lòng biển nợ nần.
Nên đọc
Hà Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy