Dòng sự kiện:
Làng nuôi cá chép đỏ cúng ông Công, ông Táo kiếm bộn tiền dịp Tết
13/01/2023 16:18:49
Truyền thống nuôi cá chép đỏ có từ nhiều đời nay ở một xã thuộc huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), mang lại nguồn thu nhập dồi dào cho người dân vào mỗi dịp cuối năm.

Cận ngày 23 tháng Chạp, làng nuôi cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo nổi tiếng ở thôn Tân Trúc, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) lại tấp nập người mua, kẻ bán, nhiều thương lái từ khắp nơi về chầu chực để mua cá đi tiêu thụ ở các tỉnh thành.

Cá được nuôi ở thôn Tân Trúc có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe nên được người dân các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế rất ưa dùng. Hiện nay cả làng có khoảng hơn 100 hộ có ao nuôi cá chép, trong đó có 4 hộ nuôi quy mô lớn lên đến vài ha, còn lại là ao nuôi nhỏ lẻ trong gia đình.

2 16122813640411454702899

Người dân thu hoạch cá chép đỏ để bán ngày ông Công, ông Táo

Với 2,7 ha diện tích mặt nước nuôi cá giống và cá thương phẩm, nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thu cá chép đỏ vào dịp cuối năm, hàng năm, vào khoảng tháng 7 âm lịch, gia đình anh Nguyễn Trọng Chiến, phố Bái Trúc, bắt đầu vệ sinh ao để thả nuôi cá chép đỏ phục vụ thị trường cuối năm.

Theo anh Chiến, để cá chép đỏ phát triển đều con, đạt kích cỡ đẹp, vừa ý khách hàng, đòi hỏi người nuôi phải chọn nhập nguồn giống ương nuôi tốt; thức ăn phải sạch sẽ, đầy đủ, hàm lượng dinh dưỡng cao, cho cá ăn đúng giờ, đảm bảo lượng thức ăn, cá khỏe mạnh sẽ có sức đề kháng tốt. Trước khi thả lứa nuôi mới cần vệ sinh ao sạch sẽ bằng cách rắc vôi bột, phun thuốc diệt khuẩn đáy ao; trong quá trình thả nuôi cần dựa vào tình hình thời tiết để chăm sóc cá đúng quy trình kỹ thuật nhằm đảo bảo cá khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao.

Trung bình một năm, anh Chiến xuất bán từ 2 tấn đến 2,5 tấn cá chép đỏ, với giá bán dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg, cho thu lãi 150 triệu đến 200 triệu đồng.

img20210202121931 01

Nghề nuôi cá mang lại thu nhập khấm khá cho bà con

Nghề nuôi cá chép cúng Ông Táo ở thị trấn Tân Phong đã có hàng chục năm nay, lúc đầu chủ yếu chỉ có ở phố Tân Cổ, nhưng sau khi nhận thấy nghề nuôi cá chép đỏ mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân nên đến nay nghề này đã nhân rộng lên đến trên 50 hộ nuôi với diện tích gần 30 ha, tập trung ở các phố: Tân Cổ, Bái Trúc, Tân Hậu, Tân Hoa. Hộ nào ít nhất thì có 01 ao nuôi, hộ nhiều có 03 đến 05 ao nuôi, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn để phục vụ tết Táo Quân.

Nghề nuôi cá chép đỏ đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Tân Phong có cuộc sống khấm khá. Trung bình một hộ, sau khi trừ chi phí cho thu lãi từ 50 triệu đến 100triệu đồng/vụ nuôi; những hộ nuôi lớn có thể cho thu nhập vài trăm triệu đồng một năm từ việc nuôi cá chép cúng Ông Táo, cao gấp 5 đến 7 lần so với nuôi các loại cá thương phẩm khác

Theo thống kê của UBND thị trấn Tân Phong , huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá toàn xã hiện có khoảng gần 200 hộ nuôi cá ông Công, ông Táo. Hiện địa phương đang có những chính sách hỗ trợ xác nhận để phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện về vốn cho người dân kinh doanh sản xuất.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến