Dòng sự kiện:
Lãnh đạo Bộ có nên bút phê vào công văn của doanh nghiệp?
27/01/2015 08:24:58
ANTT.VN – Trước việc dư luận đang xôn xao việc bút phê được cho là của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vào đơn xin tham ra thực hiện gói thầu của một doanh nghiêp, PV ANTT đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng về ý nghĩa của việc phê bút vào các văn bản.

Tin liên quan

Thưa ông, gần đây dư luận đang xôn xao việc Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có bút phê vào đơn xin tham gia thực hiện gói thầu thuộc dự án VRAMP của một doanh nghiệp, vậy về nguyên tắc bút phê trên văn bản đó có giá trị như thế nào?

Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Ảnh: vov.vn)

Việc phê vào văn bản đối với một lãnh đạo cấp Bộ là cách họ xử lý với văn bản đó, chẳng hạn, như phê vào đó là vấn đề trong này nêu ra rất thích đáng nên chuyển vụ nọ, vụ kia nghiên cứu, đề xuất cách giả quyết, ví dụ như vậy, hoặc với việc người ta xin dự thầu, trước khi dự thầu người ta làm đơn xin dự thầu thì chuyển cho ban quản lý dự án thì cũng là bút phê.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi lãnh đạo Bộ đã bút phê vào đơn xin dự thầu của nhà thầu thì đương nhiên dự án phải được giao cho nhà thầu đó, cụ thể bút phê được cho của Thứ trưởng Bộ GTVT có nội dung “ yêu cầu Tổng cục Đường bộ - Ban 3 để xử lý”, vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, cái đó không phải nói là yêu cầu, vì nếu chuyển cho một đơn vị cấp dưới thì đơn vị đó có trách nhiệm thực hiện, nên viết là chuyển Tổng cục Đường bộ xem xét, việc bút phê là yêu cầu tức là mệnh lệnh, là đòi hỏi, tuy nhiên đây không phải là đòi hỏi cho nhà thầu.

“ Yêu cầu Tổng cục Đường bộ - Ban 3 để xử lý”, ở đây họ ( Thứ trưởng Trường - PV ) cũng chỉ phê là yêu cầu là xử lý chứ không nói là anh phải chấp nhận điều gì đó, nên nội dung bút phê đó cũng chưa có gì là rõ ràng và đáng trách.

Ở đây, người ta chỉ nói yêu cầu anh nào đó xử lý việc này, xử lý nghĩa là thế nào? Nghĩa là nếu được thì nhận mà không được thì thôi, xử lý có thể hiểu như thế chứ không phải anh ta viết rõ ràng là anh này có năng lực nên nhận đi, vì vậy lời bút phê đó cũng chưa có nội dung gì rõ ràng cả.

Mỗi người có một cách bút phê khác nhau, nếu là tôi thì việc đó là việc của Tổng cục Đường bộ, người ta dự cái dự án đó thì chỉ cần phê là chuyển Tổng cục Đường bộ chứ chả cần viết thêm gì cả, vì trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ thì họ phải giải quyết, chẳng qua công văn của nhà thầu này gửi vượt cấp lên Bộ, nhưng Bộ không phải là nơi xử lý văn bản đó thì chuyển cho ai có trách nhiệm xử lý thôi chứ cũng không cần phải yêu cầu gì cả.

Các công văn xin thực hiện dự án có phù hợp với các thủ tục hành chính thông thường?

Cái đó là việc bình thường, không thì anh đọc văn bản đó làm gì? Công văn đến anh tỏ thái độ với công văn bằng mấy chữ ấy rồi chuyển cho ai đó giải quyết, chứ không thì làm sao biết công văn đó anh có đọc không, đã xem chưa. Chuyện bút phê của lãnh đạo nói chung là chuyện bình thường, không có gì cả.

Vậy với một doanh nghiệp gửi công văn vượt cấp thì lãnh đạo có nên bút phê vào đó không?

Nếu văn bản đó gửi vượt cấp thì mình phê là trả về nơi nó cần nhận thôi, thì có việc gì? Chẳng hạn người ta làm đơn, gửi đến mình nhưng thực chất lại không đúng địa chỉ, anh (doanh nghiệp - PV) đi dự thầu thì anh gửi nơi mà người ta ra cái lệnh mời thầu, đây anh gửi cấp cao hơn, cấp cao hơn người ta đọc bảo anh này gửi không đúng địa chỉ thì trả về nơi có trách nhiệm để xử lý, ở đây tức là trả về Tổng cục Đường bộ - Ban 3. Thực ra là chuyển chứ không phải yêu cầu, yêu cầu xử lý thì ở đây có việc gì mà phải yêu cầu xử lý.

Vậy liệu ở đây có dấu hiệu “ áo gấm đi đêm” giữa doanh nghiệp và lãnh đạo không thưa ông?

Theo tôi nghĩ, bút phê lãnh đạo ở đâ không được chỉnh lắm (chính xác – PV) nhưng cũng chưa phải là cái gì sai, nên không thể dựa vào đó mà phán xét đúng, sai được.

Ý của ông tức là bút phê đó chỉ không chuẩn chỉ cho lắm?

Cái này là ý kiến của người đọc (lãnh đạo – PV)  đối với vấn đề nêu trong văn bản đó, chứ không thì mình đọc làm gì? Nếu tôi không phê vào đó thì thư ký của tôi sẽ hoang mang và không biết công văn đó phải xử lý thế nào.

Vậy khi còn làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông có thường bút phê vào văn bản dạng như vậy không?

Văn bản nào tôi đọc tôi cũng phải viết vào đó cả, giả sử công văn vu vơ gửi đến tôi cũng phên vào đó là đã xem, rồi ký tên. Tức là người ta biết tôi đã đọc văn bản đó rồi, không có ý kiến thì lưu nó vào hồ sơ. Nếu công văn mà chuyển cho vụ nọ, vụ kia hoặc văn phòng họ chuyển nhầm đáng lẽ là gửi cho Thứ trưởng khác chứ không phải tôi thì tôi sẽ phê là chuyển sang cho Thứ trưởng đó xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Kiều Chinh (thực hiện)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến