Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam. Theo đó, Sở GDCK Việt Nam hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước dưới hình thức công ty mẹ - con, do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Sở GDCK Việt Nam có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
HNX là công ty con của Sở GDCK Việt Nam
Tại quyết định này, Thủ tướng cũng nêu rõ, việc thành lập Sở GDCK Việt Nam phải theo lộ trình phù hợp nhằm đảm bảo thị trường vẫn hoạt động ổn định, liên tục, bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019 - 2020): Thành lập Sở GDCK Việt Nam, tiếp tục duy trì hoạt động các thị trường GDCK như hiện nay tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE), Sở GDCK Hà Nội (HNX); Thống nhất tổ chức bộ máy hoạt động của Sở GDCK Việt Nam, sắp xếp lại bộ máy tổ chức của HNX và HoSE; Hoàn chỉnh dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thị trường do HoSE đang làm chủ đầu tư để có thể nâng cấp hiện đại hóa công nghệ thông tin cho toàn thị trường.
Giai đoạn 2 (2020 - 2023) sẽ đưa hệ thống công nghệ thông tin thị trường đi vào hoạt động áp dụng cho HNX và HoSE, trên cơ sở đó thực hiện lộ trình phân khúc các khu vực thị trường; Xây dựng phương án cổ phần hóa Sở GDCK để triển khai thực hiện sau năm 2023.
Việc thành lập Sở GDCK Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại HNX và HoSE nhằm thống nhất thị trường GDCK, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch; tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng tham gia thị trường; góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam; nâng cao sức cạnh tranh và từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế…
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32 có ý nghĩa rất quan trọng và đặc biệt cần thiết. Hiện nay trên TTCK Việt Nam có 2 Sở GDCK là HNX và HoSE hoạt động dưới hình thức Công ty TNHH nhà nước một thành viên, trực thuộc Bộ Tài chính. Trong đó, HoSE tổ chức thị trường giao dịch cho cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn, có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên. Còn HNX tổ chức thị trường giao dịch cho cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết vừa và nhỏ, có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên; thị trường giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng đã đăng ký lưu ký tại TTLKCK và chưa niêm yết (UPCoM); ngoài ra là thị trường giao dịch trái phiếu Chính phủ chuyên biệt (từ tháng 9/2009).
Các Sở GDCK đã có sự phát triển nhanh và mạnh về quy mô số lượng doanh nghiệp trong các năm qua, đã góp phần vào nỗ lực xây dựng thành công thị trường GDCK.
Tuy nhiên, thị trường giao dịch cổ phiếu tập trung đang bị chia nhỏ và chưa có phân định rõ ràng giữa hai Sở GDCK đã tạo nên sự cạnh tranh không cần thiết. “Hai Sở GDCK với 2 hệ thống giao dịch độc lập, khác nhau gây tốn kém nguồn lực xã hội như: chi phí các thành viên tham gia hệ thống của các Sở GDCK; chi phí đầu tư hệ thống, nhân sự của hai Sở GDCK. Xu hướng chung hiện nay trên thế giới là hợp nhất, sáp nhập các Sở GDCK để tăng sức mạnh cạnh tranh trên cơ sở giảm chi phí giao dịch cho nhà đầu tư, tăng quy mô để tạo hình ảnh một thị trường lớn, hấp dẫn và đa dạng sản phẩm và công cụ đầu tư”, bà Bình cho biết.
Không chỉ vậy việc thành lập SGDCK Việt Nam trên cơ sở hai Sở GDCK hiện tại tạo nên khối thị trường thống nhất với quy mô lớn hơn trên cơ sở phát huy và tận dụng tối đa nguồn nhân lực và tài chính hiện có, không gây xáo trộn thị trường GDCK do có lộ trình phù hợp để phân chia lại khu vực thị trường.
Không những thế nó còn giúp giảm chi phí của Nhà nước, DN và nhà đầu tư so với hiện nay. Như đối với Nhà nước: Vốn điều lệ cho Sở GDCK Việt Nam (công ty mẹ) không phải cấp từ ngân sách Nhà nước do được điều chuyển từ HNX và HoSE và là vốn đầu tư của Sở GDCK Việt Nam tại các Sở GDCK.
Đối với doanh nghiệp, Sở GDCK hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con sẽ góp phần làm giảm chi phí đầu tư tại các Sở GDCK và các thành viên, tạo thuận lợi cho công tác phát triển theo chiều sâu để khai thác tối đa hệ thống công nghệ và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khác nhau của thị trường. Các thành viên có điều kiện để chú trọng phát triển kinh doanh và cung cấp dịch vụ tiện ích hỗ trợ cho nhà đầu tư. Việc thành lập Sở GDCK Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn và niêm yết, tăng cường quảng bá trên TTCK có quy mô lớn.
Đặc biệt, đối với nhà đầu tư, việc thành lập Sở GDCK Việt Nam và triển khai phân chia lại các khu vực thị trường thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc nghiên cứu, đầu tư sản phẩm trên TTCK theo chiều sâu, khả năng thỏa mãn nhu cầu đầu tư của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
“Lợi ích của nhà đầu tư được nâng lên khi các quy định, nguyên tắc trong việc giao dịch được thống nhất tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc theo dõi thông tin và giao dịch”, bà Bình nhấn mạnh.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy