Dòng sự kiện:
Licogi muốn huy động vốn để đầu tư vào dự án 'đắp chiếu' 14 năm
21/09/2018 14:25:39
Tổng Công ty Licogi đang xin ý kiến các cổ đông để phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn đầu tư vào một dự án đã đắp chiếu 14 năm.

Mới đây,Tổng Công ty Licogi đã văn bản xin ý kiến các cổ đông về việc để phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn đầu tư vào một dự án đã đắp chiếu 14 năm. Cụ thể, Tổng công ty này đề nghị phát hành trái phiếu với tổng giá trị tối đa 4 nghìn tỷ đồng và hạn mức bảo lãnh cho người mua nhà tối đa là 4 nghìn tỷ đồng để đầu tư vào dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội).

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, dự kiến được phát hành trong một hoặc nhiều đợt trong năm 2018 và có thể sang năm 2019 tùy thuộc tình hình thị trường.

Kỳ hạn trái phiếu trên 1 năm, được thế chấp bởi toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi tại dự án Thịnh Liệt. Tổng công ty Licogi cũng sẽ thế chấp 100% phần vốn tại Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi.

Đồng thời công ty này cũng đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT Tổng công ty Licogi quyết định tất cả các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch huy động vốn cho Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt và quá trình triển khai dự án.

Việc huy động vốn để “rót” thêm tiền vào Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt của Licogi được diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang rà soát, đẩy nhanh việc thu hồi các dự án bỏ hoang.

Đáng nói, “Khu đô thị mới Thịnh Liệt” được xếp vào một trong những dự án chậm triển khai điển hình tại Hà Nội. Năm 2004, Licogi được UBND TP Hà Nội tạm giao 351.618 m2 đất các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ và Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai để lập phương án GPMB, triển khai dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Sau đó 2 năm, Hà Nội bàn giao diện tích đất trên cho Licogi.

Khu đô thị mới Thịnh Liệt bị bỏ hoang suốt 14 năm không triển khai.

Tuy nhiên, trong suốt 14 năm (2005-2018), dự án khu đô thị này vẫn dậm chân tại chỗ, cỏ dại mọc um tùm, khắp dự án cắm biển cảnh báo “Đề phòng cướp, cướp giật”. Thậm chí thời điểm hiện tại dự án đã bị “xẻ thịt” cho thuê làm bãi đỗ xe, nhà xưởng… khiến người dân bức xúc.

Điều này cho thấy thực tế, Licogi đang thiếu vốn nghiêm trọng để đầu tư vào dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, việc huy động vốn đang là ‘nước cờ’ cuối cùng khi TP. Hà Nội mới đây vừa ra quyết định như tấm tráp ‘báo tử’ cho các dự án đắp chiếu.

Theo đó, TP. Hà Nội yêu cầu kiểm tra, rà soát, hủy bỏ dự án ôm đất quá 3 năm chưa triển khai. Đây được xem là quyết sách quyết liệt với doanh nghiệp cố tình ôm đất, đặc biệt là các lô đất "vàng”. Nếu Licogi không sớm triển khai Khu đô thị mới Thịnh Liệt, có thể dự án này sẽ bị thu hồi.

Dẫu vậy, quyết định huy động vốn này được đưa ra trong thời điểm Licogi đang bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục vì hàng loạt sai sót kế toán. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng dù có vốn thì Licogi cũng khó lòng triển khai dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt hiệu quả.

Theo đó, Báo cáo tài chính bán niên đã soát xét của Tổng Công ty Licogi (UPCoM: LIC) cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc trong lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm trước, từ khoản lỗ 950 triệu đến nay đã chuyển thành lãi 2.6 tỷ.

Tuy nhiên, số liệu trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm 30/06/2018 cho thấy tài sản ngắn hạn chỉ ở mức 786.6 tỷ đồng trong khi nợ ngắn hạn lên đến 2,124 tỷ đồng dẫn đến nghi ngờ khả năng trả nợ. Bên cạnh đó là khoản lỗ lũy kế giữa niên độ là 393 tỷ đồng, chiếm 44% vốn điều lệ. Với tình hình tài sản ngắn hạn quá thấp so với nợ ngắn hạn cộng thêm hàng loạt các sai sót kế toán từ những kỳ trước mang sang khiến Licogi bị nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động.

Trong BCTC soát xét kỳ này, kiểm toán đã lưu ý đến hàng loạt các khoản mục có liên quan đến những kỳ kế toán trước.

Loạt vấn đề ngoại trừ kiểm toán đưa ra gồm số dư đầu năm liên quan đến phê duyệt cổ phần hóa, dự án khu đô thị Nam Ga Hạ Long, khu đô thị mới Thịnh Liệt, các khoản phải trả.

Cụ thể, công ty mẹ Licogi chưa nhận được phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền về các phương án xử lý tài chính được áp dụng trong BCTC cho giai đoạn từ 1/1/2013 đến 31/12/2015. Do vậy, số dư đầu năm 2017 có thể thay đổi và đơn vị kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng của các số dư này trong năm tài chính 2017.

Với dự án khu đô thị Nam Ga Hạ Long, công ty mẹ Licogi đã ghi nhận doanh thu bán một số lô đất với doanh thu, giá vốn, lợi nhuận lần lượt 16,7 tỷ, 12,7 tỷ và 4 tỷ đồng. Nếu hạch toán theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam 14 (VAS 14) thì doanh thu và giá vốn sẽ tăng lên, lợi nhuận cũng tăng thêm 0,7 tỷ đồng làm ảnh hưởng đến lỗ kế toán trước thuế trong năm 2017 giảm 0,7 tỷ đồng. Do dự án đã được chuyển nhượng cho công ty con năm 2017 nên số liệu không ảnh hưởng đến BCTC riêng giữa niên độ của công ty mẹ nữa.

Với khu đô thị mới Thịnh Liệt, năm 2016 trước khi bàn giao sang cho công ty con – Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi, công ty mẹ LIC đã ghi nhận vốn hóa lãi vay cho dự án vào tài khoản đối ứng "phải trả ngắn hạn khác" 87,46 tỷ đồng. Việc hạch toán này chưa tuân thủ Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 (VAS 16), nếu ghi nhận đúng thì khoản phải thu từ công ty con trên và khoản "phải trả ngắn hạn khác" tại thời điểm 31/12/2017 sẽ giảm 87,46 tỷ đồng.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến