Dòng sự kiện:
Liên tiếp thủng mặt cầu Long Biên, Bộ GTVT yêu cầu khẩn
02/06/2022 10:24:27
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý thực hiện ngay việc bảo trì, vá ổ gà, có cảnh báo để người dân biết được thực trạng của cầu.

Bộ GTVT cho biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang kiểm định tổng thể để đề xuất giải pháp lâu dài, trong đó có việc sửa chữa đồng bộ cầu Long Biên khi chỉ trong 1 tháng đã xảy ra 2 vụ thủng mặt cầu.

Bên cạnh đó, Công ty CP Đường sắt Hà Hải cần tăng cường theo dõi, kiểm tra trạng thái cầu, đánh dấu ngay các vị trí xung yếu như chuyển vị, biến dạng để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố. Tăng cường các biển cấm tụ tập đông người, phương tiện trên mặt cầu, lối đi bộ hành. Việc sửa chữa này là hết sức cần thiết vì cầu Long Biên đã khai thác hơn 120 năm.

Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải Nguyễn Quốc Vượng thông tin, công ty đã kiểm tra sơ bộ, đánh dấu các vị trí nguy cơ, xung yếu để chờ có giải pháp xử lý lâu dài.

Mặt cầu Long biên hư hỏng nặng (Ảnh: đình Hiếu)

Trong khi chờ giải pháp kỹ thuật, vốn cho sửa chữa các vị trí xung yếu, đơn vị sẽ mua vật tư dự phòng như tấm bản thép để kê cập kênh giữa các tấm đan trên mặt đường, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân lưu thông.

Mới đây, Cục Đường sắt đã trình Bộ GTVT dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong quy hoạch này, Cục Đường sắt nêu phương án không sử dụng cầu Long Biên để kết nối đường sắt quốc gia, sẽ xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội theo hướng Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng; trong đó, có đoạn từ Ngọc Hồi (tuyến phía Nam) đến Lạc Đạo (tuyến phía Đông).

Cầu Long Biên thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có chiều dài 1691,15m. Cầu được xây dựng từ năm 1899, đến năm 1902 hoàn thành, đưa vào khai thác.

Trải qua hơn 120 năm khai thác, sử dụng, cầu đã nhiều lần được khôi phục, gia cố sửa chữa do bị chiến tranh phá hoại cũng như bị hư hỏng kết cấu do khai thác. Đến nay, cầu không còn nguyên vẹn kết cấu như ban đầu.

Mặt khác, thiết kế cầu Long Biên không có phần lối đi bộ hành, sau này mới làm thêm. Phần đường bộ ban đầu chủ yếu dành cho ô tô qua nên phần hệ thép đỡ hai phía bánh ô tô được làm chắc chắn, gắn với kết cấu cầu. Phần giữa chỉ là các thanh sắt chữ L để đỡ tấm đan theo kiểu nắp hố ga do không phải chịu lực chính. Sau này lượng xe máy, xe thồ qua cầu quá nhiều, gây áp lực lên các tấm đan ở giữa làm hỏng mặt đường.

Tác giả: Vũ Điệp

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến