Dòng sự kiện:
Liên tục đào được bom mìn: Ai quản lý?
31/03/2016 15:55:25
ANTT.VN – Vụ nổ kinh hoàng ở Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) hôm 19/3 làm 5 người chết, 6 người bị thương đã gióng lên hồi chuông về sự khẩn cấp phải siết chặt quản lý vật liệu nổ trên phạm vi cả nước, nhất là những ngày gần đây người dân liên tục đào được bom mìn, việc quản lý buôn bán phế liệu bao gồm vật liệu nổ cũng đang lỏng lẻo…

Tin liên quan

Vật liệu nổ: Con số thống kê nằm dưới lòng đất (!)

Sáng nay 31/3, ông Lê Quang Liêm (59 tuổi, ngụ tổ 10B, P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) vừa bàn giao kho đạn "khủng" hơn 1000 viên được phát hiện dưới nền nhà cho Công an phường.

Số đạn được phát hiện ở độ sâu 50cm trong quá trình đào đường làm điện nước của gia đình ông.

Trước đó, ngày 2/11/2015, Đội rà phá bom mìn của Trung tâm hành động và xử lý bom mìn Việt Nam (Bộ Lao động) đã di dời thành công quả bom Mỹ nặng gần một tấn được phát hiện tại ruộng lúa thuộc thôn Nam Mỹ (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Quả bom sót lại từ thời chiến tranh chống Mỹ, có chiều dài 1,7m, nặng gần một tấn, còn nguyên thuốc nổ, được phát hiện nằm sâu 3m dưới ruộng lúa.

Thậm chí, ngày 5/10/2014, Đội rà phá bom mìn thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn -  Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng còn phát hiện cả một hầm bom có số lượng lớn bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh tại khóm Ka Tăng - Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Hầm bom được phát hiện nằm ở độ sâu 2,5 m với gần 160 quả bom, đạn các loại như pháo cối 130; pháo cối 175, bom M 79, lựu đạn và bom bi.

Các loại bom đã được tháo rỗng ruột tại một cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - ảnh: Lao Động

Đến nay, chưa có số liệu thống kê đầy đủ về bom mìn, vật liệu nổ hiện nằm dưới lòng đất của Việt Nam, song trải qua 2 cuộc chiến tranh ác liệt, con số này chắc chắn không phải là ít.

Theo thống kê, riêng tỉnh Quảng Trị có 391.500ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, chiếm 83,8% diện tích toàn tỉnh.

Nhiều năm qua, cùng với sự hỗ trợ của quốc tế, công tác rà phá bom mìn trả lại môi trường sống an toàn cho người dân đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song thống kê con số vũ khí giết người còn sót lại hiện nay vẫn là một ẩn số đang nằm sâu dưới lòng đất.

Trong khi đó, vì mưu sinh, vì nhận thức hạn chế, nhiều người dân vẫn buôn bán, vận chuyển, tự cưa bom mìn lấy phế liệu và gây ra những vụ nổ đáng tiếc như vụ văn Phú.

Ai là người quản lý vật liệu nổ?

Hiện nay, chúng ta có một quy trình quản lý vật liệu nổ khá chặt chẽ, từ việc cấp phép sử dụng cho đến kiểm tra giám sát. Bất kỳ hình thức nào để thất thoát ra bên ngoài hoặc sử dụng trái phép đều có khả năng bị truy tố hình sự, bằng những chế tài rất nghiêm khắc.

Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sử chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.Theo CV Phạm Đăng Mạnh – Cty Luật Minh Gia: Điều 234 – Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009) quy định:

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đếu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Ngoài ra còn có Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 năm 2011, Nghị định 25/2012/NÐ-CP, 26/2012/NĐ-CP năm 2012, Thông tư 04/2014/TT-BCA năm 2014, Nghị định 76/2014/NÐ-CP… quy định chi tiết về lĩnh vực này.

Trao đổi với ANTT.VN, Đại tá Đoàn Hữu Thắng – Cục phó Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (C66 – Bộ Công an) cho biết: Quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và Bộ Quốc phòng.

Trong đó, những quy định về kỹ thuật, an toàn lao động, môi trường… liên quan đến vật liệu nổ chủ yếu thuộc về Bộ Công thương.

Quy định về chỗ nào được phép sản xuất, chỗ nào tiêu thụ, chỗ nào được phép vận chuyển là do Bộ Quốc phòng quản lý.

Chức năng quản lý Nhà nước về vật liệu nổ cũng thuộc về Cảnh sát PCCC, cụ thể là: đối với những cơ sở đó thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC thì cảnh sát PCCC phải lập hồ sơ, nếu họ xây dựng thì phải thẩm duyệt, trong quá trình các đơn vị này hoạt động thì phải kiểm tra an toàn PCCC, nếu có vi phạm thì phải xử lý, phải tuyên truyền, phổ biến v.v…

Đại tá - Cục phó C66 Đoàn Hữu Thắng (ảnh: D.C)

Tuy nhiên, theo ông Thắng, quản lý nhà nước về vật liệu nổ không thể bao quát được toàn bộ, ví dụ bom mìn rơi vãi không phải thuộc diện quản lý hhà nước, không có trong danh mục quản lý nhà nước. 

Đó là những vật liệu còn vương vãi sau chiến tranh, bị trộm cắp hoặc tàng trữ trái phép. Khi phát hiện vật liệu nổ, mọi người dân có trách nhiệm thu gom, giao nộp cho chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn.

Bộ Công an cũng có trách nhiệm hướng dẫn đôn đốcngười dân thu nộp, đó là quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội.

Trường hợp người dân phát hiện vật liệu nổ nhưng không giao nộp là vi phạm pháp luật, vật liệu nổ đó phát nổ gây ra hậu quả nghiệm trọng thì tội càng nặng hơn.

“Cái khó ở chỗ người dân có thể không phân biệt được cái nào là vật liệu nổ cái nào là phế liệu bình thường. Về mặt này, cần đề cao môn giáo dục quốc phòng trong nhà trường kết hợp với tuyên truyền phổ biến kiến thức quốc phòng tại địa phương” – ông Thắng nói.

Diệp Chi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến