Lộ diện hàng loạt sai phạm tại Hà Tĩnh
02/03/2015 08:59:38
ANTT.VN – Hàng loạt sai phạm tại Khu kinh tế Hà Tĩnh như việc chỉ định nhà thầu, bồi thường giải phóng mặt bằng… và nghiêm trọng hơn là việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất vượt cả thẩm quyền của Chính phủ dần lộ diện.

Tin liên quan

Buông lỏng quản lý đất đai

Trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng xác định đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong một thời gian dài, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khiếu nại, tranh chấp, cá biệt đã có nơi phát sinh tranh chấp gay gắt, phức tạp. Đặc biệt, công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng tại H.Kỳ Anh để lấy đất cho dự án Formosa đã xảy ra “một số khuyết điểm lớn, gây thất thoát cho nhà nước và tiềm ẩn khiếu kiện phức tạp”.

Cụ thể, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự toán bồi thường hỗ trợ thực hiện dự án Formosa đối với hơn 90 ha đất được ghi là “đất tranh chấp” với số tiền bồi thường là gần 33 tỉ đồng. Hội đồng giải phóng mặt bằng đã chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân mà không kiểm tra làm rõ việc tranh chấp (kiểm tra trên hồ sơ địa chính cho thấy các diện tích này là đất công do UBND đang quản lý) biểu hiện sự thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt cho Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng H.Kỳ Anh thống kê, lập phương án bồi thường gần 42 ha đất công ích do UBND xã đang quản lý cho các hộ gia đình, cá nhân với số tiền hơn 15,5 tỉ đồng. Việc bồi thường đất công ích trong trường hợp này là không đúng với luật Đất đai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chỉ định cổ đông làm nhà thầu

Qua kiểm tra 1.120 gói thầu xây lắp tại 402 dự án cấp huyện, sở được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, có tới 664 gói thầu (chiếm gần 60%) được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép thực hiện đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu sai với quy định luật Đấu thầu, luật Xây dựng. Mặc dù công trình có sử dụng vốn ngân sách nhưng chủ đầu tư đã thực hiện chỉ định thầu (trong đó chỉ định cả cổ đông của chủ đầu tư làm nhà thầu) trong khi chưa được Thủ tướng cho phép, vi phạm luật Đấu thầu.

Mặt khác, trong số 404 gói thầu được lựa chọn hình thức đấu thầu hạn chế có tới hơn 60% chậm tiến độ và đã phải thực hiện bù giá vật liệu nhân công với số tiền hơn 40 tỉ đồng. Trong 260 gói thầu chỉ định có hơn 33% gói chậm tiến độ, phải thực hiện bù giá hơn 3,5 tỉ đồng. Một số gói thầu do điều kiện địa chất thi công khó khăn nhưng không được chỉ ra từ khâu khảo sát, lập phương án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu không sát thực tế. Việc chỉ định thầu và đấu thầu hạn chế không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, tăng giá trị quyết toán mà còn gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Qua kiểm tra dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu công nghiệp Vũng Áng phát hiện có hiện tượng chỉ định thầu bất thường. Cụ thể, dự án này được UBND tỉnh giao cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vũng Áng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, UBND tỉnh chọn chủ đầu tư là đơn vị không có chuyên môn, chưa có kinh nghiệm trong dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn.

Theo Thanh Niên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến