Lộ diện những góc khuất
Đợt bán tháo mạnh mẽ diễn ra trên thị tường tiền điện tử vừa qua đã khiến cộng đồng phải đặt ra những câu hỏi về hoạt động và nền tảng của các tài sản kỹ thuật số vốn nhiều biến động.
Kể từ khi đạt đỉnh vào đầu tháng 11/2021, vốn hóa thị trường của tài sản tiền điện tử đã giảm mạnh gần 70% xuống còn khoảng 900 tỷ đô la Mỹ
Chia sẻ với South China Morning Post, chuyên gia kinh tế Nicholas Spiro của Lauressa Advisory tại Anh cho rằng, mọi người phải hiểu rõ việc tham gia vào tiền điện tử, là một loại tài sản non trẻ với số lượng lớn các nhà đầu tư bán lẻ. Dù nhiều đợt hỗn loạn về giá cả đã diễn ra trong quá khứ, nhưng đợt sụt giảm gần đây nhất là nghiêm trọng hơn cả, gây hậu quả cho các loại tiền ảo và cơ sở hạ tầng đang phát triển nóng làm nền tảng cho chúng.
Kể từ khi đạt đỉnh vào đầu tháng 11/2021, vốn hóa thị trường của tài sản tiền điện tử đã giảm mạnh gần 70% xuống còn khoảng 900 tỷ đô la Mỹ. Bitcoin (BTC), mã thông báo được giao dịch rộng rãi nhất, giảm 55% kể từ cuối tháng 3 xuống còn khoảng 20.000 USD/BTC.
“Đáng lo ngại hơn, sự rạn nứt trong thế giới stablecoin, được cho là tương ứng giá 1-1 với USD để tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch trên thị trường tiền điện tử cũng trở nên sâu sắc. Điển hình là đồng Tether, stablecoin lớn nhất đã không duy trì được liên kết với tiền tệ của Mỹ vào tháng trước, một phần vì thiếu thông tin chi tiết về lượng dự trữ mà nó đã tích lũy để khớp với giá trị của đồng tiền đang lưu hành. Trong khi một số đối thủ nhỏ hơn của Tether đã sụp đổ.
Nhiều người cho vay tiền điện tử cũng phải chịu căng thẳng nghiêm trọng, làm dấy lên lo ngại về việc giải quyết nhanh hơn các khoản đặt cược có đòn bẩy cao vào tài sản kỹ thuật số”, vị chuyên gia phân tích.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã cho biết trong một báo cáo được công bố mới đây rằng: “Thực tế là các stablecoin vẫn phải dựa vào tiền của Ngân hàng Trung ương và dần lộ ra những thiếu sót về cấu trúc của khu vực tiền điện tử. Một phần của vấn đề là những câu chuyện đã bị cường điệu hoá sức hấp dẫn lâu dài và tiềm năng đáng kể của tài chính phi tập trung dựa trên blockchain, cùng sự ngụy biện xung quanh các tài sản kỹ thuật số”.
Theo chuyên gia Nicholas Spiro, Bitcoin không phải và không bao giờ được coi là hàng rào chống lại lạm phát, càng không phải là “nơi trú ẩn an toàn” như một số người ủng hộ đã tuyên bố. Ngược lại, mã thông báo kỹ thuật số này đã gây ra thiệt hại lớn nhất sau việc thắt chặt đột ngột và mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Trong khi đó, các nơi trú ẩn an toàn truyền thống cũng tỏ ra kém linh hoạt hơn so với dự đoán trong những giai đoạn nhiều biến động gần đây. Không ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia, Bitcoin đã thể hiện tất cả các đặc điểm của một tài sản có tính đầu cơ cao, dễ bị tổn thương do điều kiện kinh tế và thị trường đang ngày một xấu đi.
Bitcoin có về 0?
Năm 2022, Bitcoin không chỉ mất đi phần lớn giá trị, mà còn cho thấy có mối tương quan mạnh mẽ với các tài sản rủi ro khác, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ. Mặc dù diễn biến hai năm qua khiến nhiều người tin tưởng việc đưa Bitcoin vào danh mục đầu tư đa dạng hóa là hợp lý, nhưng điểm mấu chốt là nó đã thất bại trong bài kiểm tra quan trọng nhất: “Hoạt động tốt trong môi trường rủi ro cao”.
Trong tương lai, một khi niềm tin của các nhà đầu tư sụp đổ hoặc khi các quốc gia có chủ quyền tuyên bố Bitcoin là bất hợp pháp, nó sẽ trở lại giá trị ban đầu và hoàn toàn vô giá trị
Mặt khác, sự kết thúc của thời kỳ tiền siêu rẻ đã làm nổi bật những điểm yếu lâu nay của tiền điện tử. Các nhà đầu tư dường như sáng suốt hơn nhiều và bắt đầu tránh xa các tài sản đầu cơ để chuyển sang các tài sản chất lượng cao, đặc biệt là các công ty có mô hình kinh doanh rõ ràng và bảng cân đối kế toán lành mạnh.
Công nghệ đột phá hỗ trợ tiền ảo hiện được nhìn nhận chủ yếu qua lăng kính của một hệ thống không được kiểm soát, không thể kiểm soát và gian lận bùng nổ khắp nơi.
“Mức độ sụt giảm nghiêm trọng mới nhất của Bitcoin phản ánh tâm lý thị trường rõ nét và là dấu hiệu cho thấy nó đã đi được bao xa kể từ khi cất cánh vào năm 2017. Sự chấp nhận của thể chế rộng rãi hơn đối với tiền điện tử cũng là một con dao hai lưỡi, bên cạnh việc tạo ra một thị trường thanh khoản và trưởng thành hơn, thì cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm rủi ro tài chính trên diện rộng.
Nhận thức về tiền ảo có sự khác biệt tùy theo từng quốc gia. Ở các nền kinh tế có thu nhập thấp, nơi khả năng tiếp cận ngân hàng bị hạn chế và mọi người đã quen với sự biến động tài chính, thì sự sẵn sàng thử nghiệm với ví kỹ thuật số trở nên mạnh mẽ hơn, mà El Salvador là một điển hình.
Chúng ta không nên đánh giá thấp khả năng phục hồi và tiềm năng đổi mới của tài sản kỹ thuật số, nhưng không thể phủ nhận, Bitcoin là một tài sản rủi ro có tính xuyên suốt và nó vẫn đang đấu tranh để được chấp nhận rộng rãi hơn”, chuyên gia kinh tế Nicholas Spiro cho biết.
Vừa qua, tờ Economic Daily của Trung Quốc còn đưa ra cảnh báo rằng, các nhà đầu tư nên đề phòng nguy cơ “giá Bitcoin có thể về 0” trong bối cảnh sụt giảm trầm trọng.
“Bitcoin không hơn gì một chuỗi mã kỹ thuật số và lợi nhuận của nó chủ yếu đến từ việc mua thấp - bán cao. Trong tương lai, một khi niềm tin của các nhà đầu tư sụp đổ hoặc khi các quốc gia có chủ quyền tuyên bố Bitcoin là bất hợp pháp, nó sẽ trở lại giá trị ban đầu và hoàn toàn vô giá trị.
Đặc biệt, việc thiếu quy định ở các nước phương Tây chẳng hạn như Hoa Kỳ, đã giúp tạo ra một thị trường có đòn bẩy cao, đầy rẫy các mô hình công nghệ giả và thao túng giá thị trường”, Economic Daily cho biết.
Truyền thông Trung Quốc cho hay, những cảnh báo trên đã phản ánh đúng lập trường kiên định của Bắc Kinh khi chống lại tất cả các hoạt động tiền điện tử mà Chính phủ cấm, bao gồm giao dịch, gây quỹ và khai thác,... Cũng trong một cảnh báo riêng, Cục Quản lý Tài chính Thâm Quyến cho biết, giao dịch và đầu cơ tiền điện tử gây nguy hiểm nghiêm trọng cho “an ninh tài sản” của mọi người, phát sinh các hoạt động tội phạm và phá vỡ trật tự tài chính. Các nhà đầu tư cần lưu ý tránh tham gia vào các hoạt động tài chính bất hợp pháp và những cạm bẫy lừa đảo.
Tuy nhiên, những người đam mê tiền điện tử tại đất nước tỷ dân này vẫn âm thầm tìm các giải pháp để duy trì hoạt động ngầm. Điều đó đã thúc đẩy chính quyền tỉnh Quảng Đông đưa ra tuyên bố rằng, sẽ tăng cường hành động chống lại các hoạt động bí mật liên quan đến tiền điện tử.
Tác giả: Diễm Ngọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy