Dòng sự kiện:
Lỗ hổng ngân sách của EU sau Brexit
24/01/2019 11:07:54
Các cuộc tranh luận về tài chính dự kiến sẽ làm nóng chính trường EU thời gian tới, đồng thời là thử thách lớn đối với nỗ lực xây dựng một liên minh mạnh mẽ và đoàn kết hơn...

Nước Anh là một trong những thành viên đóng góp nhiều nhất cho ngân sách EU cùng với Pháp, Đức và Ý khi số liệu thống kê cho thấy nước Anh đóng góp khoảng 10 - 11 tỷ Euro mỗi năm cho ngân sách của EU, chiếm khoảng 10% tổng ngân  sách EU.

Brexit đang làm ngân sách EU thâm hụt đáng kể

Việc Anh ra khỏi EU vào ngày 29/3 tới sẽ để lại lỗ hổng ngân sách lớn cho khu vực, ảnh hưởng tới chính sách đầu tư của EU ra nước ngoài, chính sách thúc đẩy việc làm và chống khủng bố. Với sự ra đi của quốc gia này, triển vọng nguồn ngân sách thấp làm dấy lên mối lo ngại về những căng thẳng trong vấn đề đóng góp tài chính giữa 27 nước còn lại của EU.

Trên thực tế, nếu Anh và EU đạt được thỏa thuận Brexit vào thời điểm trước ngày quy định thì EU sẽ chưa phải quá quan ngại về vấn đề thâm hụt ngân sách khi một quy định trong thỏa thuận đã nêu rõ Luân Đôn sẽ tiếp tục đóng góp cho ngân sách của EU trong thời kỳ quá độ Brexit cho đến hết năm 2020. Khi đó, ECB sẽ có thời gian để dần lấp đẩy lỗ hổng thâm hụt do Anh để lại.

Tuy nhiên, nếu thỏa thuận không được thông thì việc Anh đột ngột dừng mọi đóng góp cho ngân sách của EU sẽ diễn ra ngay từ năm 2019. Trong trường hợp đó, các nhà hoạch định chính sách của EU phải chuẩn bị phương án ứng phó khẩn cấp đối với vấn đề này.

Theo kế hoạch ngân sách được Ủy ban châu Âu (EC) công bố vào năm ngoái, ngân sách của EU cho giai đoạn 2021-2027 sau khi Anh rời khỏi EU được dự trù ở mức 1.000 tỷ EUR, chiếm 1,1% sản lượng kinh tế của EU, tăng so mức 1,03% hiện nay. Như vậy, trong khi lỗ hổng ngân sách do Anh để lại vẫn chưa có gì bù đắp thì việc dự toán tăng chi ngân sách tiếp tục tạo áp lực lên các quốc gia thành viên còn lại.

Ðể hiện thực hóa kế hoạch ngân sách nói trên, hiện các nhà lãnh đạo EU đã đưa ra hai phương án. Trước hết, EC yêu cầu tăng các khoản đóng góp của các nước thành viên, hiện đang ở mức trần 1% GDP, lên khoảng 1,1% đến 1,2% trong giai đoạn 2021 - 2027.

Bên cạnh đó, với những khó khăn hiện nay, các nhà lãnh đạo EC cho rằng, vấn đề thâm hụt ngân sách của EU không thể được giải quyết chỉ thông qua việc tăng đóng góp, mà cần thực hiện đồng loạt các phương án khác, như tạo nguồn thu mới và cắt giảm chi tiêu. Theo giới chuyên gia, việc cắt giảm sẽ đánh vào hai lĩnh vực chiếm gần ba phần tư tổng chi phí của khối, gồm quỹ hỗ trợ phát triển các nước Ðông Âu, chiếm 35% chi tiêu ngân sách EU và Chính sách Nông nghiệp chung (CAP), chiếm 37%.

Ngoài ra, để tăng thu ngân sách, EU có thể tận dụng các nguồn như thuế doanh nghiệp, một loại thuế đánh vào các giao dịch tài chính, hay thuế điện, nhiên liệu, khí thải có carbon hay tiền thu được từ việc phát hành tiền tệ của ngân hàng trung ương.

Mặc dù vậy, hiện nay các quốc gia thành viên trong khu vực EU vẫn chưa đi đến thống nhất trong kế hoạch ngân sách. Theo các quan chức châu Âu, hiện có 14 hoặc 15 nước chấp nhận tăng mức đóng góp cho ngân sách chung, nghĩa là vẫn còn gần một nửa số quốc gia thành viên vẫn chưa quyết định hoặc là phản đối.

Hiện tại mới chỉ có Ðức, nước đóng góp hàng đầu cho ngân sách châu Âu đồng ý chi thêm từ 11 đến 12 tỷ EUR mỗi năm cho ngân sách chung của khối nhưng với điều kiện EU cần tập trung hơn cho các nhiệm vụ mới. Trong khi đó, mặc dù nhất trí tăng mức đóng góp nhưng Pháp, nước hưởng lợi nhiều từ chính sách nông nghiệp chung EU, đã ngay lập tức phản đối gay gắt đề xuất giảm trợ cấp cho nông nghiệp trong kế hoạch ngân sách mới.

Bên cạnh đó, một số nước thành viên khác lại đưa ra quan điểm phản đối việc phải san sẻ gánh nặng kinh tế với EU giai đoạn hậu Brexit. Thụy Điển, Đan Mạch, Áo và Hà Lan tuyên bố phản đối mọi đề nghị tăng mức đóng góp vì cho rằng, EU cần tiết kiệm chi tiêu, thay vì đặt gánh nặng ngân sách lên vai các nước thành viên.

Một số quốc gia Nam Âu như  Ý và Tây Ban Nha yêu cầu EU cân đối lại các mục tiêu ngân sách, chú trọng hơn việc giải quyết nạn thất nghiệp trong giới trẻ mà các nước này đang phải đối mặt. Ba Lan và Hungary chỉ trích EU sử dụng ngân sách như một công cụ gia tăng sức ép chính trị. Bỉ, Phần Lan và Luxembourg mặc dù chưa tỏ rõ lập trường nhưng dường như đang nghiêng về phe phản đối.

Bất chấp những khác biệt và sự chia rẽ giữa các nước thành viên, các nhà lãnh đạo EU tuyên bố sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề hiện đại hóa ngân sách, với nỗ lực thông qua dự thảo ngân sách mới trước khi diễn ra các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 5/2019. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận về tài chính dự kiến sẽ làm nóng chính trường EU thời gian tới, đồng thời là thử thách lớn đối với nỗ lực xây dựng một liên minh mạnh mẽ và đoàn kết hơn.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : brexit , ngân sách , EU
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến