Trung Quốc lo “mất” châu Âu vào “tay” Mỹ
Trong nỗ lực tiếp cận với châu Âu, Trung Quốc đã mời các ngoại trưởng của Ba Lan, Ireland và Hungary tới Trung Quốc vào cuối tuần qua, cùng với đối tác Serbia - một quốc gia không thuộc EU.
Ngoại trưởng Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh hướng đến thúc đẩy sự hợp tác với 4 quốc gia trên và đặt quan hệ Trung Quốc - châu Âu theo con đường "tích cực, toàn diện và cân bằng".
Ảnh minh họa: Reuters
Những kỳ vọng của Trung Quốc vào mối quan hệ tốt đẹp hơn với EU đã trải qua một cú đánh sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu đóng băng việc thông qua Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện vào 27/5 cho đến khi Bắc Kinh dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với các quan chức và các thực thể EU.
Bắc Kinh đã áp lệnh trừng phạt nhằm đáp trả việc một số nước châu Âu trừng phạt các quan chức nước này về vấn đề Tân Cương.
Tại cuộc họp trực tuyến của Hội nghị An ninh Munich hôm 25/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bác bỏ nhận định cho rằng Bắc Kinh và Brussels chỉ có thể hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời liệt kê 7 khía cạnh khác cho sự hợp tác tiềm năng giữa 2 bên gồm: cuộc chiến chống Covid-19, khôi phục kinh tế, chống khủng bố, quản trị toàn cầu, hỗ trợ các quốc gia kém phát triển, giải quyết những vấn đề như cuộc xung đột giữa Israel - Palestine và đẩy mạnh vai trò của Liên Hợp Quốc.
Căng thẳng với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Trump đã đẩy Trung Quốc xích lại gần châu Âu. Mặc dù Brussels khẳng định châu Âu không muốn chọn bên giữa 2 đối tác thương mại lớn nhất của khu vực này nhưng trong những tháng gần đây, Brussels đã thể hiện lập trường ngày càng cứng rắn với Bắc Kinh.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu ngày càng xích lại gần nhau dưới thời chính quyền Tổng thống Biden và thúc đẩy nỗ lực hợp tác nhằm đối phó với Trung Quốc. Tuần trước, 2 bên đã đưa ra một tuyên bố chung, theo đó khẳng định, Mỹ và châu Âu sẽ hợp tác với nhau để "khiến những quốc gia như Trung Quốc chịu trách nhiệm về các chính sách làm biến dạng thị trường".
Tổng thống Biden sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức tới châu Âu và Anh vào tháng 6 để tham dự hàng loạt cuộc họp với các đồng minh quan trọng.
"Châu Âu và Mỹ có những điểm chung về chính sách trên nhiều vấn đề từ Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan cho tới việc chấm dứt các hành vi thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc", ông Steven Blockmans, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu nhận định.
"Chính quyền Tổng thống Biden đang muốn viết lại các quy tắc mà họ cho rằng đang kiềm chế Mỹ nhưng lại khiến Trung Quốc tự do hơn. Trước tình trạng ngày càng hỗn loạn trong quan hệ quốc tế và để đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế tương lai của châu Âu, Brussels tán thành với việc viết lại những quy tắc đó, cũng như sẽ đóng vai trò là một cơ chế bên ngoài có thể đảm bảo luật pháp được thực thi".
Mở rộng không gian hợp tác
Tuy nhiên, các nhà quan sát Trung Quốc cho biết, nước này vẫn thúc đẩy quan hệ với châu Âu thông qua việc thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sun Qi, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải cho biết Trung Quốc và châu Âu có không gian hợp tác rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đồng thời đánh giá: "Giữa bối cảnh Trung Quốc đang mở ra những lĩnh vực hai bên đều chia sẻ lợi ích chung như kinh tế số và kinh tế xanh, Trung Quốc sẽ cởi mở hơn với các hoạt động đầu tư trên quy mô lớn trong những lĩnh vực công nghệ nhằm thu hút các nhà đầu tư châu Âu”.
Chuyên gia này cũng cho rằng châu Âu không thể hoàn toàn đứng về phía Mỹ mà sẽ tìm cách tận dụng tối đa lợi ích trong quan hệ với Washington và Bắc Kinh.
Wang Yiwei, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin nhận định, thỏa thuận đầu tư bị tạm dừng giữa Trung Quốc và châu Âu đã phản ánh mối lo ngại của Brussels về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, đồng thời hối thúc Trung Quốc cần phải kiên nhẫn hơn.
"Rõ ràng EU cần hợp tác với Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu. Mặc dù Tổng thống Biden hiện đã hợp tác trong việc cắt giảm khí thải carbon nhưng không có gì đảm bảo rằng Mỹ sẽ tiếp tục chính sách này sau khi ông Biden hết nhiệm kỳ".
Tác giả: Kiều Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy