Các dự án Thủ Thiêm đồng loạt tăng giá nhưng giao dịch rất ít
Đây là nhận định được Bộ Xây dựng đưa ra tại báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý IV/2021 và năm 2021.
Về việc đấu giá đất, Bộ Xây dựng cho biết, vừa qua nhiều địa phương thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung vào nguồn thu lớn cho địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp trúng đấu giá với giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
"Ăn theo" cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm, giá rao bán tại các dự án khu đô thị, nhà ở khu vực này đã đồng loạt tăng, tuy nhiên ghi nhận giao dịch rất ít
Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1767/CĐ-TTg gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường hiệu quả đối với công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở, đảm bảo thị trường phát triển ổn định.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản,... đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường.
Theo báo cáo đánh giá của các địa phương, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đúng theo quy định của pháp luật.
Kết quả trúng đấu giá với giá bình quân ở nhiều địa phương không quá cao so với giá khởi điểm (Cần Thơ tối đa cao hơn 53%, Đồng Tháp tối đa cao hơn 24%, Bến Tre bình quân cao hơn 20%, Đắk Nông tối đa cao hơn 50%, Tuyên Quang bình quân cao hơn 34,4%, Phú Yên tối đa cao hơn 17%, Sơn La tối đa cao hơn 85,68%, Lai Châu cao hơn khoảng 20%...).
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho hay, bên cạnh những lợi ích đạt được, việc đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian vừa qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Có một số trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.
Cụ thể với trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho thấy, kết quả trúng đấu giá của 4 lô đất đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường bất động sản của khu vực Thủ Thiêm.
“Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất này, giá rao bán tại các dự án khu đô thị, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng, tuy nhiên ghi nhận giao dịch rất ít” – Bộ Xây dựng thông tin.
Cũng theo Bộ này, sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, thị trường bất động sản khu vực đã cơ bản ổn định trở lại.
Được biết, sau khi ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước xin chấm dứt hợp đồng mua bán đất vàng Thủ Thiêm, mới đây, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt – thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM để đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá lô đất 3-12 thuộc khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thị trường còn tiềm ẩn rủi ro
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, trong khoảng 2 năm qua, nhiều cuộc đấu giá tại các thành phố lớn cho đến khu vực vùng ven từ Bắc tới Nam luôn thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia. Các cuộc đấu giá đất diễn ra sôi động trong đó có những phiên ghi nhận nhà đầu tư trúng đấu giá cao hơn nhiều so với giá khới điểm. Có thể kể đến như phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2, thu hút tới 800-900 hồ sơ nộp tham dự. Kết quả trúng cao hơn giá khởi điểm từ 2 đến 2,6 lần, khiến nhiều nhà đầu tư nộp 5 -10 bộ hồ sơ mà vẫn ra về trắng tay.
Lô B12 diện tích 44,5m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2, nhưng mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gấp gần 2 lần so với giá khởi điểm - cao nhất phiên đấu giá.
Hay tại Bắc Giang thời gian vừa qua cũng đã diễn ra nhiều phiên đấu giá đất thu hút nhiều nhà đầu tư. Như tại dãy LK11, khu dân cư Yên Ninh, thị trấn Nếnh ghi nhận lô trúng cao nhất trị giá hơn 8,3 tỷ đồng với diện tích hơn 150m2, tương đương 55 triệu đồng/m2. Hầu hết các lô đất đều chênh lệch hơn 1 tỷ đồng/lô so với giá khởi điểm.
Đánh giá về thị trường bất động sản thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Sau khi có quy định về nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, lượng giao dịch, giá bất động sản có xu hướng tăng cao.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sinh, sự phát triển của thị trường bất động sản thời gian qua còn tiềm ẩn rủi ro; tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu, quy định; một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Thậm chí, có trường hợp giá cao bất thường có thể tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, bất động sản…
Chuyên gia bất động sản cho rằng, khi đấu giá đất tăng cao, thiết lập mặt bằng giá mới, việc Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất cho người dân sau này sẽ gặp nhiều rào cản, khiến quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án gặp khó khăn. Nhà nước cần đưa ra chính sách, quan điểm rõ ràng về trường hợp này.
Trước thực tế trên, mới đây, cả Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất trong đó đề nghị các địa phương kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 21/12/2021, Thủ tướng đã ban hành công điện chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đấu giá đất, ngăn chặn lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường.
Tác giả: Thuận Phong
- Tân Hoàng Minh chính thức bỏ cọc đấu giá lô đất 2,4 tỷ/m2 ở Thủ Thiêm
- Bộ Xây dựng: Các dự án Thủ Thiêm đồng loạt tăng giá nhưng giao dịch rất ít
- Bất cập trong đấu giá bất động sản nhìn từ vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm
- Góc nhìn mới từ vụ Thủ Thiêm: Đề xuất nâng cọc, bỏ đấu giá bằng lời nói
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy