Dòng sự kiện:
Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước
23/12/2018 20:45:53
Sau 5 năm triển khai, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) cũng đã chính thức vận hành thương mại, sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Cung cấp 40% nhu cầu nhiên liệu trong nước

Chiều 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự Lễ vận hành thương mại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Tại buổi lễ, nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đã có mặt chúc mừng sự kiện trọng đại này.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Chính phủ)

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được khởi công ngày 23/10/2013, là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay với tổng vốn đăng ký đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày (gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất).

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) được đầu tư bởi 4 đối tác liên doanh là Tập đoàn dầu khí Việt Nam chiếm 25,1% vốn điều lệ, Công ty Idenmitsu Kosan 35,1%, Công ty Hóa chất Mitsui 4,7%, Tập đoàn dầu mỏ Cô-oét 35,1%.

Các đại biểu nhấn nút chính thức vận hành thương mại nhà máy

Lượng dầu thô nhập về trong năm 2018 đạt hơn 4 triệu tấn, đã sản xuất gần 3 triệu tấn, tổng sản lượng các sản phẩm đã đạt trong năm 2018 là khoảng 4,5 triệu tấn. Tháng 5 và tháng 6/2018, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã sản xuất thành công 10 sản phẩm lọc hóa dầu theo thiết kế như: Khí hóa lỏng, xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa...

Trong năm 2018, dự án đã nộp ngân sách nhà nước khoảng trên 8.000 tỷ đồng, đưa tổng thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa lên mức 23.000 tỷ đồng (cao nhất từ trước tới nay).

Theo kế hoạch, khi đạt 100% công suất vận hành, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đáp ứng được 40% thị trường nhiên liệu trong nước, các sản phẩm hóa dầu chiếm khoảng 17% tổng sản lượng sẽ được xuất bán ở thị trường nước ngoài.

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Tổng thầu EPC và các nhà thầu trong, ngoài nước đã lao động với tinh thần vượt khó, hăng say, sáng tạo với gần 200 triệu giờ công lao động an toàn để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ.

Thủ tướng khẳng định, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là biểu tượng tốt đẹp của sự hợp tác quốc tế thực chất và hiệu quả; được sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của các Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản, Kuwait và những đối tác quan trọng có các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư sâu rộng với Việt Nam.

Ví dụ như dự án nhận được sự bảo lãnh cam kết của Chính phủ Việt Nam; nguồn dầu thô nhập khẩu dài hạn 70 năm bảo đảm từ Kuwait; nguồn vốn vay được tài trợ từ các ngân hàng có uy tín của Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu.

Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Ảnh: Chính phủ)

"Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đưa vào vận hành thương mại có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong quá trình phát triền đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Với công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm, cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành thì sản lượng xăng dầu cung cấp từ các Nhà máy này sẽ đáp ứng khoảng 80-90% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ thị trường bên ngoài", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ đạo, sau sự kiện này, NSRP cần quản lý và vận hành thật tốt để Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động an toàn, ổn định, bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra, không để tồn tại các lỗi kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành. Đặc biệt phải tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường cũng như hoàn thành các thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng theo đúng pháp luật Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh trong khu vực khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế. Điều này là nhằm tạo động lực mới, sức mạnh tổng hợp mới, đưa Thanh Hóa phát triển thành một trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của khu vực Bắc Trung Bộ, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng và cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo doanh nghiệp và chính quyền địa phương chăm lo giải quyết tốt việc làm, đời sống cho đồng bào địa phương, nhất là đồng bào phải tái định cư đến nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cho xây dựng Liên hợp Lọc hóa dầu. Ngoài ra cần quan tâm đến việc tiếp tục phát triển những ngành công nghiệp sau hóa dầu.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến