Dòng sự kiện:
Lối thoát cho ‘núi rác’ mang tên Trung Quốc
20/03/2016 10:08:29
ANTT.VN – Trước hiện thực ô nhiễm rác thải trầm trọng, trong khi Bắc Kinh liên tiếp lên tiếng báo động đỏ về mức độ ảnh hưởng thì Chính quyền thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) lại đang lên kế hoạch giải quyết vấn đề ô nhiễm của mình bằng cách xây dựng một nhà máy biến rác thải thành năng lượng lớn nhất thế giới.

Tin liên quan

Ảnh: Getty

Khoảng 3 thập niên trở về trước, bầu không khí của Trung Quốc hoàn toàn trong sạch, dễ chịu nhưng trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ và khoa học trong những năm trở lại đây, lượng rác thải xả ra môi trường ngày càng nhiều. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, sẽ có khoảng 1,4 triệu tấn rác được đưa ra ngoài môi trường mỗi ngày vào năm 2025. Con số này tăng gấp gần 3 lần mức độ hiện tại.

Thậm chí, theo một nguồn tin, đây là một trong 300 nhà máy biến rác thải thành năng lượng mà chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng trong 3 năm tới. Mục tiêu là có thể xử lý 5.000 tấn rác thải mỗi ngày vào năm 2018.

Theo số liệu đã được công bố, Trung Quốc có Chỉ số chất lượng không khí (AOI) nằm trong khoảng 201 - 300. Tuy nhiên vào tháng 12 năm 2015, chỉ số này đã vượt ngưỡng 300. Thậm chí, đường kính của hạt bụi (PM) ở Thượng Hải tăng gấp 10 lần vào cuối năm trước so với mật độ trung bình là 25 microgam/m3 mỗi ngày.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng cùng ô nhiễm nguồn nước và rác thải đã  khiến giới chức Trung Quốc phải hạn chế sản xuất công nghiệp cũng như các hoạt động tại công trường xây dựng và xưởng đóng tàu. Người dân cũng được khuyến cáo nên ở trong nhà nếu không có việc thực sự cần thiết.

Trước đó, vào năm 1979, Thâm Quyến đã tạo ra 50 tấn chất thải rắn mỗi ngày nhưng hiện tại con số này đã lên đến 15.000 tấn/ngày, tăng trưởng 6,1% mỗi năm. Cụ thể năm ngoái, một trong những bãi đổ rác ở đây từng khiến hàng chục người thiệt mạng khi bất ngờ đổ sụp.Trước sức ép từ hậu quả của rác thải, quyết định cho xây dựng nhà máy điện từ rác được ủng hộ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo tờ Science Alert, quá trình đốt có thể chuyển ít nhất 1/3 số rác thành điện năng hữu dụng không phải là phương án tốt nhất cho môi trường do lượng CO2 thải ra, nhưng có thể thu nhỏ diện tích đất đổ rác và số lượng những bãi rác bất hợp pháp đang gia tăng ở Thâm Quyến.

Ông Chris Hardie ở Schmidt Hammer Lassen Architects, công ty Đan Mạch giành phần thắng trong cuộc thi thiết kế nhà máy, cho biết: "Nhà máy biến rác thành điện phải là một giải pháp năng lượng. Chúng là một cách xử lý rác và sử dụng quá trình này để tạo ra điện dưới dạng phụ phẩm. Các thành phố cần phải tiến hành tái chế và giảm lượng rác thải nhiều hơn nữa,cũng như phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo".

Mặc dù được xem là giải pháp tạm thời và Chính quyền Trung Quốc dự định sẽ chi khoảng 850 tỷ USD trong vòng 10 năm tới đây để đối phó với hiện tượng ô nhiễm quá sức nặng nề tại quốc gia này nhưng các chuyên gia về môi trường thừa nhận đây không phải là một phương án tốt nhất cho môi trường bởi nhà máy này sẽ khiến lượng CO2 trong không khí tăng lên do hoạt động của nó. Có chăng, ít nhất nó cũng đem lại những lợi ích khác bao gồm tiết kiệm đất đai cho mục đích chôn lấp rác và dọn dẹp được những bãi rác bất hợp pháp đã được xây dựng ở Thâm Quyến.

Thu Cúc

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến