Luật sư VietinBank: “Đáng lý ra, cần phải yêu cầu khởi tố các ngân hàng kia”
30/12/2014 10:48:28
ANTT.VN - “Về sai phạm của ACB tôi thấy không cần thiết phải đối đáp vì đã được chứng minh bởi bán án có hiệu lực pháp luật. Đáng lý ra, phải yêu cầu khởi tố các ngân hàng kia” - luật sư Nguyễn Văn Trung (bảo vệ quyền lợi của VietinBank) khẳng định.

Tin liên quan

Trong phần đối đáp của mình trước trước HĐXX sáng 30/12, luật sư Nguyễn Văn Trung nói “xin được bảo lưu toàn bộ ý kiến đã phát biểu tranh luận vì trong đó tôi đã trình bày toàn bộ bản chất sự việc, chứng cứ”.

Luật sư Trung khẳng định: “Đây là vụ án hình sự nhưng tôi không hiểu vì lý do gì luật sư ACB luôn nêu ra luật dân sự. Lại còn nói là ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại nhiều ngân hàng khác thu lợi rất lớn. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề cần lưu ý xem xét lại, đã gửi ở đâu, thu lợi bất chính bao nhiêu, nếu cần thì điều tra, làm rõ và tịch thu sung công quỹ số thu lợi bất chính”.

Nhiều ngân hàng liên quan đến vụ "siêu lừa" Huyền Như

Tại phiên tòa luật sư Trung đồng tình với quan điểm VKS là xác định bản chất vụ án không được cắt xén chi tiết khách quan. Đại diện VKS cũng xác nhận rằng VKS chỉ đề nghị chấp nhận 1 phần yêu cầu kháng cáo, hủy 1 phần bản án sơ thẩm chứ không phải đề nghị HĐXX chấp thuận yêu cầu của các công ty này được bồi thường như các vị luật sư đã hiểu lầm.

“Nên các công ty này đừng vội mừng vì có thể khi điều tra, chẳng những không đòi được tiền mà còn trở thành ACB thứ 2” - luật sư Trung cảnh báo. Theo luật sư Trung, trước đó ngày 26/4/2013 đã có quyết định tách vụ án số 02 để điều tra sau. MaritimeBank cũng được cơ quan điều tra xác định cố ý làm trái.

Theo luật sư Trung. VKS cũng xác định trước khi mở tài khoản 5 công ty đã bị Như dẫn dụ và VKS thừa nhận hành vi trước là tiền đề của hành vi sau. Vì vậy cần đi sâu phân tích bản chất sự việc. Thế nhưng khi phân tích, VKS chỉ tập trung phân tích sâu về mặt hình thức, mà không chú trọng đến việc họ mở tài khoản làm gì, sử dụng tài khoản thế nào, sao lại phó thác cho Như.

Căn cứ điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự, chúng tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm giúp HĐXX làm sáng tỏ bản chất thực sự của vụ án. Đó là khác biệt quan điểm lớn nhất giữa luật sư VietinBank và VKS, đó là lý do mà VKS và luật sư không gặp nhau.

Trước nhận định của VKS cho rằng hợp đồng ủy thác đầu tư giả mạo với Hưng Yên, SBBS, Toàn Cầu, xét về chủ quan chỉ giả mạo với Như, còn với họ là thật nên họ không có lỗi, luật sư Trung phản bác ý kiến này. “Tôi không đồng ý, các nguyên đơn dân sự không biết là giả vì họ tin Huyền Như, vì sao tin? Vì đã nhận được lãi suất trong và ngoài hợp đồng rồi giao cho Như chuyển tiền vì thế mới bị Như lừa đảo”.

Với Tiên Phong Bank và Maritimebank, VKS cho rằng các ngân hàng này chỉ là pháp nhân độc lập, không liên quan trong phạm vi phúc thẩm nhưng luật sư Trung khẳng định “trong hồ sơ vụ án, thẩm vấn, 2 ngân hàng này không khác gì Navibank và ACB, chỉ khác là ủy thác cho công ty thay vì cho cá nhân.

VKS căn cứ điều 241, 240 đề nghị HĐXX hủy 1 phần bản án sơ thẩm liên quan đến 1.085 tỷ đồng, luật sư Trung cho rằng việc áp dụng 2 điều luật này là không phù hợp. Tòa án chỉ xét xử bị cáo theo các tội danh mà VKS đã truy tố hoặc tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn.

“Điều 250 Bộ luật Hình sự quy định chỉ hủy án xét lại khi án sơ thẩm điều tra không đầy đủ, cấp phúc thẩm không điều tra được. Trong khi vụ án đã được làm rõ. Do đó việc VKS đề nghị hủy 1 phần đề điều tra lại Như phạm tội tham ô đã vượt quá thẩm quyền của VKS” - luật sư Trung khẳng định và đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn dân sự, giữ nguyên án sơ thẩm.

Phạm Vũ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến