Dòng sự kiện:
Lý do nhiều bệnh viện không muốn tự chủ tài chính
25/08/2022 15:33:57
Giá dịch vụ y tế thu theo bảo hiểm xã hội, nguồn thu giảm trong khi nguồn chi lớn... là những nguyên nhân khiến nhiều bệnh viện không còn mặn mà với cơ chế tự chủ tài chính.

Đề án về thí điểm bệnh viện tự chủ năm 2019 từng được hy vọng sẽ “cởi trói” cho các bệnh viện tuyến cuối, khi các đơn vị không còn phụ thuộc vào tiền ngân sách mà được tự quyết về nhân lực, giá dịch vụ cùng nhiều cơ chế mở khác.

Tuy nhiên sau hơn 2 năm triển khai, hai trong số 4 bệnh viện thực hiện thí điểm tự chủ là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai xin chuyển đổi mô hình tự chủ này sang mô hình đơn vị sự nghiệp công tư bảo đảm chi thường xuyên.

Nguồn thu giảm, nguồn chi không đổi

Trong buổi làm việc với quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan ngày 18/8, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết bệnh viện được giao thí điểm tự chủ từ năm 2020.

Dù vậy, sau gần 2 năm thí điểm, bệnh viện xin được chuyển đổi mô hình theo nhóm 2 của Nghị định 60 là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong quá trình tự chủ tài chính toàn diện. Hiện, giá viện phí tính theo bảo hiểm y tế ở mức của 4-5 năm trước khiến bệnh viện “thu không đủ chi”, dẫn đến không đảm bảo điều kiện tài chính để tự chủ.

“Trước khi tự chủ, nhiều dự án của bệnh viện là liên doanh và liên kết nên nguồn thu dồi dào. Hiện, các bệnh viện không liên doanh và liên kết nữa, trong khi thiết bị và máy móc y tế cũng không được xã hội hóa. Nguồn thu giảm trong khi nguồn chi lớn”, ông Đào Xuân Cơ nói về những khó khăn trong quá trình bệnh viện thí điểm tự chủ.

Bệnh viện Bạch Mai thí điểm cơ chế tự chủ tài chính trong vòng 2 năm qua. Ảnh: Việt Linh.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, việc không đảm bảo nguồn thu lớn hơn nguồn chi của bệnh viện công cũng là nguyên nhân nguồn cán bộ y tế chất lượng cao chuyển dịch sang y tế tư nhân ngày càng nhiều để đảm bảo được mức thu nhập cao, ổn định hơn.

Trong khi đó, GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết quá trình thí điểm tự chủ toàn diện, đơn vị cũng gặp những khó khăn như giá dịch vụ thanh toán bảo hiểm y tế phải theo khung giá quy định chung, bệnh viện cũng chưa có nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị mới.

Đồng thời, giai đoạn bệnh viện thí điểm tự chủ là lúc dịch Covid-19 xảy ra nên nguồn thu giảm khoảng 35-40%. Đây cũng là khó khăn cho bệnh viện khi nguồn thu giảm nhưng nguồn chi không đổi. Ngoài ra, nếu tự chủ hoàn toàn, riêng tiền thuế đất của cả 3 cơ sở, Bệnh viện K phải đóng đến hàng chục tỷ đồng/năm. Đây là một bài toán khó đối với bệnh viện.

“Về lý thuyết, cơ chế tự chủ toàn diện có nhiều ưu điểm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và giảm áp lực chi cho ngân sách. Tuy nhiên nếu áp dụng với thực tiễn của ngành y, cơ chế này chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại mà cần có lộ trình”, ông Quảng cho biết.

Đề nghị được hỗ trợ chi phí

Tại TP.HCM, từ tháng 1/2017, 51 bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế đã không nhận ngân sách Nhà nước và chính thức tự chủ nguồn kinh phí để chi thường xuyên cho toàn bộ hoạt động của bệnh viện.

Qua 5 năm thực hiện, trong đó 2 năm phải ứng phó với dịch Covid-19, các cơ sở y tế tại TP.HCM họ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ.

Trao đổi với báo chí ngày 20/8, đại diện Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM thông tin đơn vị đăng ký tự chủ ở nhóm 2, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên, không đầu tư.

Việc triển khai tự chủ tài chính hiện nay chỉ mới tính 4/7 yếu tố đối với các dịch vụ y tế. Để bệnh viện hoạt động tự chủ hơn, đại diện bệnh viện Ung Bướu đề xuất nên tính đủ, thu đúng đủ 7 thành phần cấu thành giá.

Mỗi ngày, 2 cơ sở của bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500 bệnh nhân ngoại trú và 700-800 nội trú. Hiện bệnh viện đủ thu chi và đảm bảo quỹ lương, phúc lợi, phát triển sự nghiệp. Cơ sở 2 của bệnh viện hiện đại, rộng rãi nên chi phí vận hành cũng nhiều hơn.

“Mong nhà nước, thành phố hỗ trợ thêm chi phí để đơn vị hoạt động”, đại diện Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, một số bệnh viện giảm nguồn thu khiến thu nhập của cán bộ, công nhân viên giảm. Ảnh: Duy Hiệu.

Còn lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết bệnh viện tự chủ tài chính theo hướng tự chủ vốn thường xuyên chứ chưa thể tự chủ vốn đầu tư. Nghĩa là khi tự chi, bệnh viện tạo nguồn thu mua thuốc, mua vật tư..., còn vốn đầu tư xây dựng, sắm trang thiết bị sẽ do Nhà nước cấp.

Thực tế từ đợt dịch Covid-19 vừa qua, bệnh viện không có nguồn thu nên gặp nhiều khó khăn khiến thu nhập của cán bộ, công nhân viên giảm.

Vị này đánh giá với cơ chế tự chủ một phần như hiện nay, bệnh viện chuyên khoa sẽ hoạt động tốt hơn các bệnh viện đa khoa, bệnh viện quận. Do đó, cần nghiên cứu và làm rõ nhiều quy định về việc thu viện phí. Giá BHYT thường cố định nhưng giá vật tư luôn thay đổi theo hướng tăng cao.

Tháng 5/2019, 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế là Chợ Rẫy (TP.HCM), Bạch Mai, Việt Đức và K (Hà Nội) được thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện.

Hội đồng quản lý bệnh viện sẽ có quyền quyết định cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế. Chủ tịch Hội đồng quản lý phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và quyết toán hoàn thành các dự án đầu tư.

Bệnh viện được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán, được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo khung giá do Bộ Y tế ban hành.

Tuy vậy, đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức không tiến hành tự chủ theo Nghị quyết 33 mà theo tự chủ chi thường xuyên nhóm 2.

Tác giả: Anh Nhàn - Mỹ Hà

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến