Dòng sự kiện:
Lý do Trung Quốc chọn Thượng Hải là nơi đàm phán thương mại với Mỹ
26/07/2019 11:18:16
Trung Quốc chọn Thượng Hải thay cho Bắc Kinh vì muốn giảm nhẹ khía cạnh chính trị của cuộc đàm phán và nhấn mạnh yếu tố thương mại.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại Bắc Kinh hồi tháng hai. Ảnh: AP.

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc dự kiến khởi động lại nỗ lực đàm phán thương mại vào ngày 30/7 tại Thượng Hải. Phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đứng đầu còn phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn dắt.

Larry Hu, chuyên gia kinh tế tại Macquarie Capital, nhận xét rằng Thượng Hải là địa điểm đàm phán có tính biểu tượng vì thành phố này đóng vai trò đặc biệt trong quan hệ Mỹ - Trung.

"Thông cáo Thượng Hải quan trọng đã được ký ở đây", ông Hu nói, đề cập đến văn kiện ngoại giao Mỹ - Trung ký năm 1972 trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Đây là một trong những tài liệu mở đường để hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1979.

Cuộc đàm phán ở Thượng Hải sẽ là lần đầu tiên quan chức hai nước gặp trực tiếp kể từ khi nỗ lực đàm phán đình trệ vào tháng 5, khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết hai bên đã thống nhất vào phút chót còn Trung Quốc cho rằng Mỹ đòi hỏi quá nhiều.

Giới phân tích cho rằng với việc chọn địa điểm là trung tâm tài chính toàn cầu Thượng Hải thay vì trung tâm chính trị Bắc Kinh như những lần họp trước đây, Trung Quốc đang cố giảm nhẹ khía cạnh chính trị của cuộc đàm phán và nhấn mạnh yếu tố thương mại.

Ngoài những yêu cầu Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ, chính quyền Trump còn muốn Bắc Kinh có biện pháp mạnh mẽ hơn với hành vi vi phạm bằng sáng chế nước ngoài, quy định nghiêm khắc hơn để ngăn chặn việc ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ quan trọng cho doanh nghiệp Trung Quốc và thay đổi luật an ninh mạng. Những thay đổi này sẽ cần sự thông qua của quốc hội Trung Quốc.

Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại công ty tài chính và công nghệ JD Digits, cho rằng Trung Quốc thay đổi địa điểm để gửi thông điệp rằng "thương mại nên là thương mại, chính trị nên là chính trị", hai vấn đề cần tách biệt.

Ông nói thêm Trung Quốc đang thể hiện họ cố gắng tập trung vào các vấn đề kỹ thuật như việc Mỹ nới lỏng hạn chế thương mại với Huawei và Trung Quốc mua thêm sản phẩm nông nghiệp của Mỹ thay vì các vấn đề chính trị khó giải quyết hơn. "Cuộc đàm phán ở Thượng Hải sẽ chỉ là một bước nhỏ", Shen nói.

Chang Jian, chuyên gia từ công ty dịch vụ tài chính Barclays, cũng cho rằng việc lựa chọn Thượng Hải là dấu hiệu cho thấy mục tiêu của cuộc đàm phán sẽ "nhỏ hơn", tập trung nhiều hơn vào các thỏa thuận xuất nhập khẩu cụ thể thay vì thay đổi thể chế quy mô lớn.

"Việc đó cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đàm phán thương mại kéo dài trong nhiều năm tới", Chang nói. "Đối với Trung Quốc, điều kiện tiên quyết để đạt được thỏa thuận với Mỹ là Washington phải dỡ bỏ tất cả thuế quan nhưng Mỹ rất khó thực hiện điều đó".

Aidan Yao, nhà kinh tế tại công ty nghiên cứu và đầu tư AXA Investment Managers, chỉ ra rằng gần một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định "đình chiến" tại hội nghị G20 ở Nhật Bản, các nhà đàm phán hai bên mới gặp nhau trực tiếp. Ông đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy khác biệt sâu sắc giữa hai bên vẫn tồn tại.

"Nếu Mỹ - Trung không có chiến lược rõ ràng để giải quyết những vấn đề này, khó có thể tạo ra đột phá dù hai bên đã trao nhau một số cử chỉ thiện chí trong những ngày gần đây", Yao nói.

Liao Qun, từ ngân hàng China Citic Bank International, cho rằng sự thay đổi địa điểm có thể "thổi làn gió mới" vào cuộc đàm phán. "Thượng Hải là khung cửa cải cách và mở cửa của Trung Quốc và là trung tâm kinh tế của đất nước", Liao nói. "Đây có thể là một thay đổi tích cực".

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến