Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 4 triệu ca Covid-19 tử vong trên tổng số hơn 186 triệu người mắc, chiếm 2,16%.
Tại Mỹ, trong trên 34 triệu ca mắc có trên 620 nghìn ca tử vong, chiếm 1,79%. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại các nước lớn khác như Anh là 2,55%; Nga: 2,47%; Đức: 2,45%; Trung Quốc: 5,04%; Nhật Bản: 1,84%; Hàn Quốc: 1,23%.
Tại Đông Nam Á, một số quốc gia cũng có tỷ lệ tử vong khá cao, như Indonesia: 2,64%; Philippines: 1,76%; Campuchia: 1,45%.
Việt Nam tới sáng 10/7 đã ghi nhận 26.608 ca Covid-19 với 110 bệnh nhân tử vong (theo công bố của Bộ Y tế), chiếm 0,41%. Con số này thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Những lý do nào đã giúp chúng ta có tỷ lệ bệnh nhân tử vong thấp và làm thế nào để duy trì thành quả trên?
Dưới đây là chia sẻ của BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng từ khi dịch bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam tới nay về vấn đề này.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: Thạch Thảo
Theo bác sĩ, vì sao tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam thấp hơn so với các nước trên thế giới?
Từ trước đến nay, các làn sóng dịch Covid-19 ở Việt Nam chủ yếu xảy ra tại khu công nghiệp, người mắc đa số là công nhân trẻ, ít bệnh nền, do vậy số tử vong ít. Một số đợt dịch xảy ra trong bệnh viện, trên những nhóm bệnh nhân nặng, chúng ta cũng phải chứng kiến tỷ lệ tử vong khá cao.
Trong tất cả các đợt dịch xảy ra, chúng ta đều kiểm soát F0 ngay từ đầu, khống chế được số bệnh nhân nặng không vượt quá khả năng chăm sóc của hệ thống hồi sức. Việt Nam chưa từng để xảy ra tình trạng thiếu máy thở, thiếu oxy hay nhân viên y tế kiệt sức, không chăm sóc nổi bệnh nhân.
Do vậy, chúng ta đã giữ được tỷ lệ tử vong chung do Covid-19 khá thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Đợt dịch thứ tư lần này xảy ra ở diện rộng với số ca bệnh lớn, đòi hỏi hệ thống điều trị phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới giữ được thành quả đó.
Như bác sĩ đã nói, hệ thống hồi sức có vai trò đặc biệt quan trọng giúp giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19. Vậy ông đánh giá thế nào về năng lực của hệ thống hồi sức tại Việt Nam hiện nay?
Chuyên ngành Hồi sức cấp cứu vốn là chuyên ngành khó, đòi hỏi đào tạo kỹ càng, công việc vất vả và thu nhập thấp trong ngành y. Bởi vậy từ nhiều năm qua, khả năng thu hút thầy thuốc theo chuyên ngành này không nhiều.
Bên cạnh đó, mặc dù đã được Bộ Y tế quan tâm nhưng trên thực tế, các trang thiết bị hồi sức cấp cứu như máy thở, máy lọc máu, ECMO rất đắt tiền, lại không sinh lợi nhuận như những loại máy khác (máy siêu âm, can thiệp mạch,...) Bởi vậy, nhiều bệnh viện, địa phương chưa ưu tiên đầu tư.
Có thể nói trừ 3 trung tâm ở 3 miền là Hà Nội, TP.HCM, Huế-Đà Nẵng và một vài tỉnh lớn có đội ngũ thầy thuốc cùng trang bị hồi sức cấp cứu tương đối mạnh, còn lại ở nhiều tỉnh, năng lực về hồi sức còn hạn chế.
Thực tế trong các đợt dịch Covid-19 trước đây, Hà Nội, TP.HCM, Huế-Đà Nẵng,… đã tập trung hỗ trợ các tỉnh bạn. Tuy nhiên nếu dịch bùng phát trên diện rộng, khi không còn nhận được sự hỗ trợ nhiều, một số địa phương có thể sẽ gặp khó khăn trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Một số ý kiến cho rằng, các bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ có thể tự khỏi, bởi vậy nên cho nhóm này cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà để giảm áp lực cho cơ sở điều trị. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
Bệnh nhân khi mới mắc Covid-19 có thể xuất hiện các triệu chứng khởi phát hoặc không, sau đó đa số qua 7 ngày sẽ sang giai đoạn hồi phục.
Nhưng vẫn có nhiều ca khi khởi phát không có triệu chứng gì đáng kể, qua 7-8 ngày lại diễn biến thành rất nặng, thậm chí tử vong. Do vậy, tại thời điểm mới phát hiện dương tính, không thể biết trước ca nào sẽ diễn tiến nặng hay nhẹ. Chỉ qua ngày thứ 8-9 mới xác định được ai là bệnh nhân nặng, ai là người nhẹ.
Một bệnh nhân Covid-19 chỉ được coi là không triệu chứng, hay triệu chứng nhẹ nếu từ khi khởi phát bệnh đến lúc khỏi hẳn không hề có biểu hiện gì hoặc chỉ có biểu hiện nhẹ.
Điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: Đặng Thanh
Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp nào để sàng lọc, phân loại các bệnh nhân Covid-19 nặng hay nhẹ?
Thời điểm mấu chốt để phân loại bệnh nhân nặng hay nhẹ là ngày thứ 7-8 kể từ khi phát hiện dương tính. Tuy nhiên, điều khó khăn là nhiều ca bệnh khởi phát không triệu chứng nên không biết ngày nào là ngày thứ 7-8 của bệnh.
Do đó, cần coi những ca mới phát hiện dương tính trong tuần đầu tiên là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, theo dõi sát và sàng lọc dấu hiệu nặng, đặc biệt chú trọng thời điểm ngày thứ 7-8. Còn những người sau ngày thứ 8 vẫn không diễn biến xấu có thể coi là ca bệnh nhẹ, không cần điều trị gì thêm và đưa ra cách ly chờ hồi phục.
Khó khăn lớn nhất hiện tại là nhiều thầy thuốc còn nhầm lẫn, cho rằng ca nhập viện không triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ tức họ là bệnh nhân nhẹ, xếp họ vào khu vực không được theo dõi sát, dễ dẫn đến không phát hiện được các diễn biến nặng kịp thời.
Khó khăn thứ hai là để nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ diễn biến nặng, đòi hỏi phải có những xét nghiệm đánh giá về đông máu, miễn dịch và biết cách phiên giải phù hợp.
Do Covid-19 là bệnh lý mới xuất hiện, nhiều nơi chưa thực hiện được các xét nghiệm này, thầy thuốc chưa có kinh nghiệm nhận định, phiên giải. Phải đợi đến khi bệnh nhân biểu hiện lâm sàng nặng như khó thở, sốc mới phát hiện ra sẽ khiến việc điều trị kém hiệu quả.
Khó khăn thứ ba là ngay cả những bệnh nhân có tổn thương phổi nặng và suy hô hấp thì nhiều người cũng không biểu hiện khó thở. Tình trạng này được gọi là “thiếu oxy yên lặng”. Nếu y bác sĩ không có kinh nghiệm hoặc thiếu thiết bị đo độ bão hòa oxy máu, có thể bỏ sót dẫn đến bệnh nhân nguy kịch hoặc tử vong.
Hệ thống y tế phải làm gì, kiểm soát thế nào để giảm thiểu tối đa việc nhóm bệnh nhân không có triệu chứng diễn biến nặng?
Về công tác tổ chức, chúng tôi cho rằng phải coi những bệnh nhân Covid-19 trong tuần đầu kể từ khi phát hiện bệnh là nhóm nguy cơ diễn biến nặng, cần theo dõi sát.
Bất kỳ thời điểm nào ở giai đoạn này, đặc biệt là ngày thứ 7-8 mà sàng lọc, phát hiện các dấu hiệu nguy cơ hoặc biểu hiện nặng, phải chuyển bệnh nhân sang khu điều trị sớm theo cơ chế bệnh sinh để ngăn ngừa xu hướng diễn biến nặng, hồi sức kịp thời nếu tình trạng bệnh xấu đi.
Chỉ những bệnh nhân sau hơn 1 tuần vẫn không có dấu hiệu dự báo tiến triển nặng trên lâm sàng và xét nghiệm mới được coi là bệnh nhân nhẹ và chuyển sang khu cách ly chờ hồi phục.
Tại những địa bàn đã xảy ra dịch như Hải Dương hoặc Bắc Ninh trước đây, chúng tôi áp dụng mô hình điều trị gọi là “tháp 3 tầng”. Có thể tưởng tượng hệ thống điều trị như tòa tháp, càng thấp thì bệnh nhân càng nhiều nhưng nhân viên y tế ít, càng lên cao càng giảm số bệnh nhân nhưng tập trung nhân viên y tế và trang bị kỹ thuật càng cao.
Bệnh nhân Covid-19 mới phát hiện được nhập vào tầng 2 của tháp (khu vực có khả năng theo dõi và sàng lọc dấu hiệu nặng). Nếu sau 7-8 ngày không có biểu hiện nặng thì được chuyển xuống tầng 1 của tháp (khu vực cách ly chờ ra viện). Trong bất kỳ thời điểm nào phát hiện được xu hướng diễn biến nặng, bệnh nhân sẽ được chuyển lên tầng 3 của tháp điều trị (khu vực có thể điều trị và hồi sức tích cực).
Tác giả: Nguyễn Liên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy