Dòng sự kiện:
Ma trận Facebook giả mạo tạo “sóng gió”
26/03/2015 15:40:21
ANTT.VN - Hiện nay tình trạng giả mạo facebook của cá nhân, doạnh nghiệp diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là mạo danh người nổi tiếng. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm mà có hình thức xử phạt.

Tin liên quan

Điêu đứng vì bị mạo danh

Sau sự kiện Tập đoàn Tân Hiệp Phát bị khách hàng tố “có ruồi” trong sản phẩm, trên mạng internet, nhiều fanpage (FP) đã được lập ra kêu gọi tẩy chay sản phẩm. Ngoài các FP tỏ rõ thái độ kêu gọi tẩy chay đồ uống của doanh nghiệp này, thì còn có nhiều FP được lập ra lấy tên chính của Tập đoàn Tân Hiệp Phát hoặc các cái tên tương tự để người đọc hiểu là đang “ủng hộ” sản phẩm của nhãn hàng đồ uống này.

Còn nhớ trước đó, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) đã viết đơn gửi Tổng cục An ninh - Bộ Công an bởi có người đã giả mạo cá nhân ông trên trang mạng xã hội facebook. Điều đáng nói, trên trang facebook giả mạo này đưa ra rất nhiều thông tin làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, hình ảnh cá nhân ông, gia đình ông và tập thể lãnh đạo, nhân viên, thương hiệu của Công ty Cổ phần Đại Nam. Trên FP giả mạo này, có nhiều thông tin “thay mặt” ông Dũng “lò vôi” được đưa ra như “Thông báo mới nhất, từ ngày 15/11 20/11, món quà đặc biệt, vui chơi miễn phí còn được tặng tiền”, “Đại Nam sử dụng 10 tỷ đồng tiền mặt để tặng cho bà con nghèo từ hôm nay 15/11 đến 20/11”...

Trong ma trận thông tin thật, giả lẫn lộn này, khổ chủ đã phải tìm cách lên tiếng để bảo vệ uy tín, hình ảnh của chính cá nhân của mình cũng như cho doanh nghiệp, thậm chí, chủ doanh nghiệp đã phải gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Theo đó, trước việc cộng đồng mạng “nhân bản” ra nhiều ông chủ của khu du lịch Đại Nam, ông Huỳnh Uy Dũng đã viết đơn gửi Tổng cục An ninh - Bộ Công an tổ cáo bị người khác mạo danh cá nhân ông trên trang mạng xã hội facebook. "Nội dung thông tin có đăng ảnh cá nhân tôi, khu du lịch Đại Nam của Công ty Cổ phần Đại Nam, các thông tin bình luận liên quan đến tôi... nhưng hoàn toàn không phải là do tôi xây dựng, đăng tải hay phát biểu. Tôi xin cam đoan tôi và Công ty Cổ phần Đại Nam không liên quan gì đến các thông tin trên trang facebook cá nhân tên “Huỳnh Uy Dũng - Dũng Lò Vôi”. Đây là một sự mạo nhận của ai đó và tôi không chịu trách nhiệm vấn đề này" - ông Dũng nhấn mạnh trong đơn.

Để tự bảo vệ mình, mới đây Công ty TNHH MTV Tân Hiệp Phát cũng phát đi thông cáo khách hàng và công chúng về việc tiếp cận thông tin chính thức của tập đoàn này.

Cụ thể, theo thông cáo của Tân Hiệp Phát, thời gian gần đây, trên internet xuất hiện những nguồn thông tin không chính thức được cho là xuất phát từ Tân Hiệp Phát, dẫn tới những hiểu lầm từ cộng đồng và một số cơ quan truyền thông.

“Để khách hàng, các cơ quan truyền thông và công chúng tiếp cận được những thông tin chính xác và đầy đủ nhất liên quan đến công ty, Tân Hiệp Phát thông báo mọi thông tin chính thức của Tân Hiệp Phát chỉ được cung cấp thông qua website của công ty tại địa chỉ: http://www.thp.com.vn và Cổng thông tin của công ty tại địa chỉ: http://congthongtin.thp.com.vn”, thông cáo này cho biết.

Theo đại diện của Tân Hiệp Phát, ngoài 2 địa chỉ web chính thức này thì Tân Hiệp Phát không sử dụng bất cứ kênh thông tin nào khác trên internet. “Tân Hiệp Phát không liên quan và không chịu trách nhiệm về các thông tin trên mạng không từ 2 địa chỉ nói trên”, đại diện Tân Hiệp Phát cho biết.

Có đủ căn cứ để khởi tố?

Hiện nay tình trạng giả mạo facebook của người khác diễn ra rất phổ biến đặc biệt là mạo danh người nổi tiếng. Theo phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 – Công an TP.Hà Nội), giả mạo facebook người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm có thể xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự. Xử lý facebook giả mạo thực tế quá trình đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Bởi facebook là một cộng đồng mạng lớn  với trên 1 tỷ thành viên, việc xác định danh tính lập facebook giả mạo rất khó khăn. Khó khăn nữa là sự phối hợp của cơ quan chức năng với đơn vị chính đơn vị quản lý facebook do họ từ chối cung cấp thông tin thành viên.  Mức độ nguy hiểm của việc giả mạo facebook là các đối tượng lợi dụng để nói xấu, bôi nhọ thậm chí đưa tin lừa đảo và hậu quả khôn lường, khó kiểm soát.

Để ngăn chặn tình trạng này, người bị giả mạo cũng cần có thái độ tích cực ngăn chặn hành vi vi phạm, tránh trường hợp để đến khi xảy ra hậu quả thì mới tìm cách giải quyết.

Liên quan đến các diễn đàn mạo danh “tung hoành” trên mạng, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với luật sư Luật sư Đặng Lam Giang - Phó giám đốc công ty Luật TNHH Inteco để hiểu rõ hơn các quy định pháp lý.

Thưa luật sư, hiện nay có nhiều website mạo danh cá nhân, doanh nghiệp và “khổ chủ” bị mạo danh khẳng định họ không lập bất cứ diễn đàn nào ngoài website chính thức của công ty. Ví dụ như trên mạng internet đang xuất hiện nhiều fanpase tự nhận là của Tân Hiệp Phát. Ông bình luận gì về điều này?

Trước hết phải khẳng định chỉ có công ty Tân Hiệp Phát mới có quyền nhân danh mình để đưa thông tin của công ty cho bên thứ ba. Nếu cá nhân, tổ chức nào chưa được sự cho phép của công ty mà cung cấp thông tin ra bên ngoài là không đúng. Hành vi này có nguy cơ làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty bởi công ty không thể nào kiểm soát được thông tin do người khác đưa ra. Theo Công ty Tân Hiệp Phát thì ngoài website http://www.thp.com.vn và http://congthongtin.thp.com.vn công ty không có các trang mạng xã hội, blog nào để đưa thông tin của công ty trên mạng. Toàn bộ các trang thông tin điện tử cá nhân hiện nay đều mạo danh công ty vàtrong số đó có nhiều trang đưa ra các thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm cho công chúng. Do đó, có thể khẳng định những trang tin đưa tin sai sự thật đã có hành vi vi phạm điểm d khoản 1 điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức…”.

Cho đến nay công ty cũng như cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ được mục đích các trang tin cá nhân này khi có những hành động này. Trên thực tế mỗi cá nhân có thể có nhiều mục đích khác nhau khi hành động như vậy. Đó có thể là vì muốn nổi tiếng, thỏa mãn sự vui thích hay để giải tỏa những bức xúc. Thậm chí đó có thể là hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa những hãng đồ uống khác. Trong trường hợp đó, hành vi này không chỉ là sự vi phạm mang tính cá nhân mà là có động cơ vì lợi nhuận. Khi đó, hành vi này có thể vi phạm Điều 43 (Gièm pha doanh nghiêp khác), Điều 44 ( Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiêp khác) của Luật Cạnh tranh.

Trước đây, ông chủ khu du lịch Đại Nam Huỳnh Uy Dũng cũng bị người khác mạo danh lấy tên FB là Huỳnh Uy Dũng nên chủ khu Đại Nam đã làm đơn tố cáo với lực lượng chức năng. Trong trường hợp này, chủ những doanh nghiệp bị mạo danh nên bảo vệ thế nào, gửi đơn tố cáo đến công an hay cơ quan chức năng nào khác?

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị người khác mạo danh thì điều quan trọng cần làm là thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc này. Như vậy công chúng sẽ biết và tự động tẩy chay những trang tin mạo danh.

Đa phần các trang thông tin điện tử cá nhân này đều được tạo lập trên cơ sở mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, máy chủ đặt ở nước ngoài. Do đó việc yêu cầu các doanh nghiệp này loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin vi phạm sẽ khó khăn. Nếu các trang tin này được tạo lập từ mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thì cá nhân, tổ chức bị xâm phạm có thể yêu cầu  Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý. Tuy vậy, theo quy định tại điểm g, khoản 2, điều 39 Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì Bộ Công an có trách nhiệm: “Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc thu thập, phát hiện, điều tra, xử lý thông tin, tài liệu, hành vi liên quan đến hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước và các hoạt động tội phạm khác”. Như vậy, cá nhân, tổ chức bị xâm phạm có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để nhờ cơ quan này điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho mình.

Khung pháp lý quy định xử lý về việc mạo danh này như thế nào, thưa ông?

Khoản 3 điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi: cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác...

Hoặc điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.  

Ngoài ra, như trên đã đề cập, nếu điều tra cho thấy những hành vi trên là do các doanh nghiệp thực hiện để cạnh tranh không lành mạnh thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 150.000.000 đồng theo quy định tại điều 31,32 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Doanh nghiệp cũng có thể khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi cho mình khi xác định được cụ thể cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm đến quyền lợi của mình.

Thu Thủy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến