Dòng sự kiện:
Malaysiatimes: Dệt may Việt Nam trước thách thức TPP
28/09/2015 18:44:48
ANTT.VN - Tờ Malaysiatimes của Malaysia hôm nay có bài bình luận về ngành dệt may Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP, theo đó lợi ích của các doanh nghiệp dệt may trong nước nhận được từ TPP có thể sẽ không lớn như kì vọng.

Tin liên quan

Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực dệt may trong nước nhằm đón đầu lợi thế từ các ưu đãi về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu ngay khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hoàn tất.

TPP là hiệp định thương mại đa phương đang được 12 quốc gia đàm phán, trong đó có có hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ và Nhật Bản.

Khi được hoàn thành, TPP hứa hẹn sẽ mang lại bước nhảy vọt cho nền kinh tế Việt Nam với những ưu đãi về thuế suất xuất khẩu. Mỹ là mục tiêu lớn nhất của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may.

Chỉ tính nửa đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may sang thị trường các nước thành viên TPP đã chiếm gần 70% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Khi gia nhập TPP, thị phần này chắc chắn sẽ chiếm cao hơn nữa.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong số 11 thị trường TPP, xuất khẩu sang Mỹ luôn đạt giá trị lớn nhất, 6 tháng đầu năm chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, đạt 5,18 tỷ USD, tăng 11,01% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 50% trong khối thị trường TPP. Tiếp đến là Nhật Bản với 1,3 tỷ USD...

Tuy nhiên tờ báo này cho rằng lợi ích đối với hàng nghìn doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể sẽ không cao như kì vọng.

Doanh nghiệp dệt may đang đứng trước những thách thức rất lớn trước thềm TPP.

Quy định về nguồn gốc nguyên liệu

Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu sản phẩm may mặc lớn thứ 3 vào thị trường Mỹ, tuy nhiên lại đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Có những dòng sản phẩm phụ thuộc tới 90% nguồn nguyên liệu từ các thị trường bên ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc và Đài Loan.

Vấn đề đặt ra ở đây là khi tham gia TPP, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không thể nhập nguyên liệu từ bên ngoài các nước TPP khác nếu muốn hưởng lợi từ mức thuế ưu đãi. Do vậy nếu giữ nguyên cơ cấu đầu vào nguyên liệu như hiện nay, dệt may Việt Nam hầu như không được hưởng lợi từ TPP.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, đại diện Công ty cổ phần May Hồ Gươm tại Hà Nội cho biết họ sản xuất 25 triệu sản phẩm may mặc mỗi năm, tuy nhiên tới hơn 50% lượng nguyên liệu tới từ Trung Quốc.

“Thậm chí có những chi tiết nhỏ như khóa kéo cũng rất khó để tìm được đối tác cung ứng, Chúng tôi thường xuyên phải liên hệ các nhà cung cấp ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, thậm chí ở Trung Quốc hoặc Đài Loan.”, bà Phí Ngọc Trinh, phó tổng giám đốc công ty cho biết.

Theo Malaysiatimes, trong nhiều năm qua dệt may Việt Nam chỉ tập trung vào các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như cắt, may. Trong khi các công đoạn quan trọng khác như dệt, nhuộm, thuộc da và hoàn tất dệt vẫn còn đang bỏ ngỏ do chi phí đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn dài. Trong đó dệt, nhuộm và thuộc da được cho là nền tảng của ngành công nghiệp dệt may.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam bà Đặng Phương Dung cho biết giá trị gia tăng trong hàng dệt may của Việt Nam rất thấp. Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng không chiếm vị trí quan trọng. Lợi thế duy nhất của Việt Nam chỉ là nguồn nhân công giá rẻ.

Tờ báo này cho biết hiện các nhà máy nguyên liệu trong nước chỉ sản xuất được 1/5 nhu cầu nội địa. Nghịch lý ở chỗ trong khi đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, thì Việt Nam lại xuất khẩu tới 60-70% lượng sợi sản xuất được ra nước ngoài. Thực lực hiện tại của ngành công nghiệp dệt may trong nước thì sẽ rất khó để  đạt được các tiêu chuẩn của TPP.

Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp phụ trợ.

Do vậy ngành công nghiệp dệt may Việt Nam giờ đây chỉ có hai lựa chọn:

Một là chuyển hướng nguồn nguyên liệu sang các thị trường TPP khác, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên nguyên liệu từ các nước ngoài Trung Quốc lại rất đắt đỏ (ví dụ nguyên liệu từ Trung Quốc chỉ bằng 25-35% từ Nhật Bản), qua đó khiến hàng Việt nam mất đi lợi thế giá cả. Tuy nhiên đây vẫn là bước đi khả dĩ nhất trong ngắn hạn, nếu dệt may Việt Nam muốn tận dụng các ưu đãi để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường đầy màu mỡ như Mỹ, Nhật Bản.

Cách tiếp cận thứ hai sẽ là bền vững và mang tính dài hạn hơn, đó là xây dựng nguồn nguyên liệu trong nước. Việc này sẽ tốn rất nhiều vốn cũng như thời gian, nhất là đối với công đoạn nhuộm, vì phải xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tốn kém; do vậy từ trước tới giờ rất ít các doanh nghiệp Việt dám nhảy vào lĩnh vực này. Chỉ có các doanh nghiệp FDI với ưu thế vượt trội về nguồn vốn, công nghệ mới có thể triển khai các quy trình sản xuất khép kín nhằm đón đầu cơ hội ưu đãi về thuế của TPP sắp tới.

Để xây dựng được một nguồn nguyên liệu vững chắc, chất lượng tốt, đáng tin cậy, khi mà lợi thế nhân công giá rẻ sớm hay muộn cũng sẽ mất đi, chính phủ cần có những chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt từ đầu tư nước ngoài, nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng, chú trọng tới các công đoạn dệt, nhuộm và hoàn tất dệt, đây là điều kiện sống còn không chỉ để tham gia TPP mà còn hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn của ngành.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến