Dòng sự kiện:
Mali tổ chức bầu cử quốc hội bất chấp dịch COVID-19
30/03/2020 18:16:57
Trong bối cảnh Mali đã ghi nhận 21 ca mắc COVID-19 với 1 ca tử vong, chính phủ đã bố trí các chai dung dịch sát khuẩn tại cửa ra vào mỗi điểm bỏ phiếu.

Cử tri bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Bamako, Mali, ngày 29/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 29/3, Mali đã tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội bị hoãn lâu nay, trong bối cảnh tình hình an ninh ở miền Trung và miền Bắc nước này bất ổn, cũng như dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành.

Các điểm bỏ phiếu trên cả nước mở cửa từ 8 giờ đến 18 giờ theo giờ địa phương để hơn 7 triệu cử tri đến bỏ phiếu. Tổng cộng 1.451 ứng cử viên, trong đó có 427 phụ nữ, chạy đua vào 147 ghế của quốc hội. Kết quả dự kiến sẽ được công bố trong những ngày tới. Các đơn vị bầu cử không có ứng cử viên nào giành đa số phiếu sẽ tiến hành bỏ phiếu vòng 2 vào ngày 19/4 tới.

Trong bối cảnh Mali đã ghi nhận 21 ca mắc COVID-19 với 1 ca tử vong, chính phủ đã bố trí các chai dung dịch sát khuẩn tại cửa ra vào mỗi điểm bỏ phiếu. Nhà chức trách kêu gọi người dân rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu, đồng thời không tụ tập trong và ngoài điểm bầu cử. Các cử tri đi bỏ phiếu được khuyến cáo duy trì khoảng cách ít nhất 1 mét, tránh ôm và bắt tay nhau.

Cuộc bầu cử năm nay cũng bị phủ bóng đen bởi bạo lực tiếp diễn tại miền Bắc và Trung Mali. Bộ An ninh cho biết 274 trong số gần 12.500 điểm bỏ phiếu không thể mở cửa do lo ngại bạo lực. Khoảng 200.000 người sơ tán đã không thể đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này.

Trong khi đó, hiện chưa rõ số phận của thủ lĩnh Liên đoàn vì nền cộng hòa và dân chủ (URD) Soumaila Cisse. Ông Cisse cùng 6 thành viên của URD bị bắt cóc và 1 vệ sĩ của ông đã thiệt mạng trong một vụ tấn công xảy ra ngày 25/3 vừa qua trong khi đang vận động tranh cử tại miền Trung Mali. Nguồn tin an ninh cho rằng nhiều khả năng ông đã bị các tay súng thuộc nhánh GSIM có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda hoạt động mạnh tại khu vực Sahel bắt cóc.

Đây là cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của Mali kể từ cuộc bầu cử năm 2013, trong đó đảng Đại hội Mali của Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita giành chiến thắng với 66 ghế. Cuộc bầu cử tiếp theo đó lẽ ra được tổ chức vào cuối năm 2018, song đã bị hoãn 2 lần do bạo lực gia tăng tại một số khu vực của quốc gia Tây Phi này.

Mali đã rơi vào hỗn loạn kể từ năm 2012 khi các tay súng thánh chiến tấn công lực lượng ly khai Tuareg để chiếm giữ toàn bộ vùng sa mạc phía Bắc Mali. Các nhóm thánh chiến đã bị đẩy lùi sau khi quân đội Pháp can thiệp năm 2013. Sau đó, các nhóm thánh chiến đã đẩy mạnh hoạt động với các vụ tấn công nhằm vào các khách sạn, nhà hàng ở khu vực thủ đô và các ngôi làng ở khu vực hẻo lánh. Bạo lực đã khiến khoảng 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Bất chấp sự có mặt của hơn 11.000 binh lính gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Mali, các cuộc tấn công của các nhóm phiến quân có quan hệ với Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Mali và các nước láng giềng Burkina Faso, Niger đã khiến hàng trăm người thiệt mạng trong năm 2019, châm ngòi cho những cuộc trả thù sắc tộc.

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến