Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VFC) và Tổng Công ty Chè Việt Nam (VinaTea).
"Không còn hồ sơ"
Cơ quan thanh tra đã tập trung làm rõ công tác quản lý, sử dụng đất; thực trạng đất đai bị chồng lấn, tranh chấp; việc giao khoán đất; việc bàn giao đất cho địa phương; việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; sử dụng đất để liên doanh, liên kết tại 3 đơn vị nêu trên. Trong đó, nổi cộm là việc dùng đất để liên doanh, liên kết tại VinaTea.
Khu đất số 67 Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) được Tổng Công ty Chè Việt Nam đưa đi liên doanh, liên kết .Ảnh: MINH DŨNG
Cơ quan thanh tra cho biết theo hồ sơ tài liệu được cung cấp, liên quan đến 12 khu đất với tổng diện tích hơn 68.587 m2, trước khi cổ phần hóa, HĐQT, Ban Giám đốc VinaTea đưa đi góp vốn liên doanh, liên kết bằng giá trị quyền sử dụng các khu đất, thoái vốn, chuyển nhượng giá trị đầu tư. Tuy nhiên, quá trình cơ quan thanh tra làm việc, doanh nghiệp này báo cáo đến nay không còn hồ sơ, tài liệu hoặc không cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan. Đơn cử, với lô đất tại số 25D Cát Linh, quận Đống Đa (TP Hà Nội), VinaTea ký hợp đồng với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội thuê 60,9 m2 đất có thu tiền thuê đất hằng năm. Cơ sở nhà, đất này được đơn vị đem góp vốn liên doanh liên kết với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nhật Minh để xây dựng khu nhà Trung tâm Thương mại và dịch vụ. Giá trị nhà và giá trị lợi thế từ quyền sử dụng đất thuê 60,9 m2 được VinaTea và bên liên doanh xác định là 3,5 tỉ đồng. Một số khu đất khác có vị trí thuận lợi khác được doanh nghiệp này đưa đi góp vốn như khu đất trên đường Trần Khát Chân (TP Hà Nội), khu đất số 126 Lạch Tray (TP Hải Phòng), khu đất số 341 Vạn Mỹ (TP Đà Nẵng)...
Theo TTCP, việc VinaTea đưa 12 lô đất góp vốn liên doanh, liên kết, thoái vốn, bán tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước không được chủ sở hữu chấp thuận, không thông qua đấu giá là chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra để xử lý theo quy định pháp luật đối với vi phạm trong quản lý, sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị VinaTea cung cấp hồ sơ, tài liệu để cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm trong việc sử dụng nhà đất, góp vốn liên doanh liên kết không xin ý kiến chủ sở hữu, thoái vốn không thông qua đấu giá, ký các hợp đồng cho thuê nhà đất vi phạm quy định của pháp luật về đất đai.
VinaTea còn có 2 cơ sở nhà, đất tại TP HCM chưa thực hiện đo đạc, xác định ranh giới do còn tranh chấp, gồm số 59 An Bình (quận 5) và nhà đất tại số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3). Trong số 497,53 ha đất bị lấn, chiếm của VinaTea, có tới 98% đất tại tỉnh Phú Thọ.
Trách nhiệm địa phương
Đối với VRG, kết luận của cơ quan thanh tra cho biết đến nay, đơn vị này mới hoàn thành xử lý, sắp xếp đối với 43 cơ sở nhà, đất; còn lại 716 cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp, xử lý. Quá trình quản lý, sử dụng cũng đã xảy ra các tồn tại, hạn chế như cơ sở nhà đất tại số 177 Hai Bà Trưng (quận 3, TP HCM) và số 56 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) được VRG cho một số đơn vị thuê một phần diện tích làm văn phòng là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Bên cạnh đó, việc cho thuê đất, mượn nhà, để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc không sử dụng gây lãng phí tại nhà E1, phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), các cơ sở tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP HCM). TTCP đánh giá công tác quản lý hồ sơ đất đai trước đây của VRG còn sơ sài, không đầy đủ. Tính đến thời điểm thanh tra, còn hơn 11.971 ha đất bị lấn, chiếm chưa giải quyết dứt điểm. Đáng chú ý, giám đốc Công ty CP Cao su Đồng Phú (đơn vị thuộc VRG) đã cho cán bộ, công nhân viên mượn đất làm nhà ở tại thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Đến nay, có 33 cán bộ, công nhân viên đang sử dụng lô đất làm nhà ở là vi phạm quy định Luật Đất đai năm 2003. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai khi cho 44 công nhân mượn hơn 2.575 m2 nhà để ở trên diện tích 3,2 ha là sử dụng đất sai mục đích. Tình trạng đất bị lấn, chiếm cũng được TTCP chỉ ra tại các cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của VFC.
Tại VFC, tổng diện tích đất nông nghiệp bị lấn chiếm hơn 8.600 ha; trong đó, diện tích đất đã thu hồi là 1.200 ha, chủ yếu xảy ra vào giai đoạn năm 2005 về trước. TTCP chỉ ra nguyên nhân là do các lâm trường quốc doanh được giao đất nông nghiệp nhưng để đất trống nhiều năm không đưa vào sử dụng nên bị dân lấn chiếm; đất lâm nghiệp chưa được đo đạc, cắm mốc và chưa có bản đồ địa chính, không có hồ sơ ranh giới cụ thể nên không có đầy đủ hồ sơ pháp lý. VFC cũng còn 76 cơ sở nhà, đất phải thực hiện xử lý, sắp xếp.
Tại kết luận, cơ quan thanh tra đã chỉ ra tồn tại, vi phạm, khuyết điểm của các địa phương liên quan đến đất đai của 3 đơn vị nêu trên. Theo đó, một số tỉnh, TP còn để tình trạng đất đai bị lấn chiếm, không xử lý hoặc xử lý, thu hồi chưa dứt điểm như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk, Quảng Trị, Lạng Sơn, Hà Tĩnh... Các địa phương còn có trách nhiệm trong việc lập hồ sơ thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định đơn giá thuê đất… Vì vậy, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương xử lý dứt điểm tình trạng nhà, đất bị lấn, chiếm. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm của UBND tỉnh, TP trong việc xử lý, sắp xếp tài sản công. TTCP cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc bộ có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Đặc biệt là xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm xảy ra tại VinaTea.
Truy thu tiền sử dụng đất
Tổng TTCP kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương rà soát, xử lý, truy thu nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất các đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách.
Tác giả: Minh Chiến
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy