Dòng sự kiện:
Mang nợ kỷ lục vì nhanh chóng về đích nông thôn mới
05/05/2016 09:26:19
Nếu “bổ đầu người” từ đứa trẻ mới sinh ra cho đến ông già, bà cả sắp xuống lỗ, mỗi người dân ở Tân Dân (thị xã Chí Linh, Hải Dương) đang phải hứng chịu khoảng 7 triệu đồng tiền nợ vì mục tiêu nhanh chóng về đích nông thôn mới (NTM) của xã nhà.

Tin liên quan

Cột điện mọc giữa đường

Con nợ

Với tổng chi phí xây dựng NTM hơn 100 tỉ trong đó nợ xấp xỉ 70 tỉ (hiện tại còn nợ 41 tỉ), Tân Dân được cho là xã nợ kỷ lục của tỉnh Hải Dương. Hoàn thành mục tiêu NTM vào cuối năm 2014, Tân Dân từng là niềm tự hào của thị xã Chí Linh.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của NTM như đường giao thông, đường nội đồng, hệ thống thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa xã hội có tiến bộ nhưng mặt trái của nó là nợ nần. Từ trong nhà ra đến ngõ, đâu đâu người ta cũng râm ran chuyện nợ. Nợ luẩn quẩn, nợ vòng quanh. Xã nợ doanh nghiệp, xã nợ thôn, dân nợ thôn, thôn nợ đại lý xây dựng. Lúc nào cũng rối như canh hẹ.

Đội ngũ lãnh đạo cũ gồm Bí thư và Chủ tịch giờ đã chuyển công tác hết lượt để lại gánh nợ cho Bí thư và Chủ tịch mới. Nhưng cứ như ông Trần Văn Trường, Chủ tịch xã Tân Dân, thì cũng chẳng có gì là nóng dưới cái ghế ông đang ngồi. Các khoản ngốn tiền nhất là xây dựng đường giao thông, mương máng, trụ sở làm việc ủy ban, các công trình văn hóa.

Nợ thì cứ tạm để đấy, khi nào bán được đất thì trả. “Chúng tôi hiện đang nợ 41 tỉ đồng… Ngân sách dựa vào Nhà nước, quy định rất chặt chẽ, ngành nào ra ngành đấy, sao mà cắt lương ra mà trả nợ được? Nguồn thu trên địa bàn cũng không có gì ngoài khoản đất công điền mỗi năm được khoảng hơn 100 triệu. Tất cả đều trông đợi vào bán đất dôi dư xen kẹt mà thôi”, ông Trường cho biết.

Cuộc họp nào ở xã cũng đều báo cáo chuyện nợ. Nghị quyết nào của xã ban ra cũng đều lồng ghép ý bán đất trả nợ.

Năm 2015, Tân Dân trình phương án bán đấu giá đất nhưng không được phê duyệt. Năm 2016, xã lại trình tiếp phương án bán thêm mấy chục lô đất nữa với tổng diện tích 0,4 ha cũng chưa thấy có ý kiến trả lời. Thời kỳ mà những nhà hoạch định cho công cuộc xây dựng NTM ở Tân Dân cũng là lúc bất động sản đang ở đỉnh cao. Giờ cơn sốt đã qua, nhu cầu gom đất xẹp lép như bánh mì gặp nước thành ra có được duyệt đi chăng nữa cũng rất dễ ế sưng.

Theo ông Nguyễn Văn Lan, Trưởng thôn Giang Hạ, huy động xây dựng NTM ở cấp thôn có hai khoản đóng góp là đắp nền đường ra đồng và xây dựng nhà văn hóa. Cụ thể xây nhà văn hóa, mỗi một khẩu phải đóng 200.000 đồng không kể là người già hay trẻ con, đắp nền đường nội đồng, mỗi đầu sào phải đóng 400.000 đồng không kể ruộng xấu hay ruộng tốt.

Tính trung bình, một gia đình 5 khẩu, 5 sào ruộng phải đóng 2 triệu đồng tiền đắp đường, 1 triệu  đồng tiền xây nhà văn hóa tổng cộng là 3 triệu đồng. Số tiền không hề nhỏ nhỏ với nhà nông nhất là với tình trạng giá cả hạt lúa, củ khoai đang rẻ mạt như hiện nay.

Theo hoạch toán, thôn phải huy động khoảng 2 tỉ đồng để đóng góp xây dựng NTM nhưng hiện nay dân vẫn còn đang thiếu khoảng 150 triệu đồng, thôn lại đang thiếu các nhà thầu khoảng 400 triệu đồng tiền đổ đất nền và vật liệu xây dựng. Sức trong dân như quả chanh đã vắt đến kiệt nước.

Thế nên Giang Hạ chỉ còn cách đề nghị UBND xã trả nợ khoản tiền hỗ trợ lắp nước sạch cho mô hình điểm, khoản tiền đắp nền đường vượt địa phận của thôn. Tất tật khoảng hơn 150 triệu đồng. Mà đâu chỉ một thôn Giang Hạ đòi, Ủy ban xã lấy gì mà trả nợ trong khi chính bản thân mình còn đang chùn lưng, khom gối vì gánh nợ khổng lồ trên vai?

Chủ nợ và những hậu quả bày sàng

Ông Ngô Văn Đỗ, Giám đốc Cty TNHH Xây dựng và Thương mại HD, là 1 trong 8 chủ nợ của xã Tân Dân. Tiếng là công ty nhưng doanh nghiệp của ông bé con con, lấy trụ sở ngay tại nhà, không có lao động gắn kết mà chỉ thuê theo thời vụ.

“Tôi là đảng viên, thấy quê hương mình đăng ký làm điểm xây dựng NTM nên rất phấn khởi khi được chọn làm nhà thầu. Cứ ứng trước rồi về sau sẽ bán đất để trả, ban đầu xã bảo thế. Tôi thầu làm đường, vỉa hè, xây mương máng, xong đã lâu nhưng giờ vẫn còn bị nợ khoảng 70%, tương đương khoảng 13 tỉ đồng.

Nếu tính theo thời giá huy động vay hiện nay hàng tháng chúng tôi mất trên 100 triệu lãi… Dù có lo lắng, đốc thúc nợ đến mấy cũng không được mà tôi toàn phải lựa lời nói chứ còn biết làm sao?”.

Vất vả chống chọi với việc hàng chục tỉ đồng bị nợ đọng 2 năm nay nên giờ nhiều xã có mời ông Đỗ đến xây dựng NTM kiểu ứng trước ông cũng chắp tay mà… vái cả nón vì đã “tởn” đến già.

Mang cả búi nợ nần chồng chất như vậy nhưng hậu xây dựng NTM ở Tân Dân vẫn còn có lắm chuyện đáng phải bàn.

Thứ nhất là hệ thống điện ở nhiều thôn xập xệ đến nỗi bóng đèn cũng không thể làm đúng chức năng của nó là phát sáng được vào giờ cao điểm. Thứ hai là kiến trúc xây dựng không hề thực hiện theo quy hoạch mà nhà thì thò ra, nhà lại thụt vào thành ra đường làng, đường xã như một hàm răng vẩu, khấp khểnh.

Thứ ba là chẳng có ở đâu lại tồn tại hệ thống cột điện nằm giữa đường như ở Tân Dân. Số là, trước đây đường xã chỉ hẹp hơn 4 m sau mở rộng thêm 2,5 m nhưng lại không có kế hoạch chuyển cột điện kèm theo thành ra hàng cột nằm chình ình gần tâm đường đã mấy năm nay. Bởi vậy, tai nạn chực chờ bất cứ loại phương tiện nào muốn thử độ cứng với… cột điện.

Nhiều người dân còn bức xúc nợ hàng núi tiền như vậy nhưng một số công trình mới đầu tư đã có dấu hiệu xuống cấp. Điển hình là con đường xã khoán cho các nhà thầu mới đưa vào sử dụng vài năm đã bong tróc, lồi lõm trong khi đường thôn Giang Hạ làm 10 năm vẫn phẳng lì.

Ông trưởng thôn Giang Hạ bảo nhỏ với tôi rằng: Tự mua vật liệu, tự làm dưới sự giám sát chặt chẽ của người dân sẽ giảm được khoảng 30-40% giá thành so với thầu khoán vì không lo phải triết khấu này nọ.

Vậy là mấy năm ròng huy động sức dân, nợ nần ngang chúa Chổm, từ một chủ trương đúng là xây dựng NTM nhưng Tân Dân đã nôn nóng, không biết “liệu dưa gắp mắm”, đã gắp quá tay để giờ đây cả ngàn người xuýt xoa vì mặn. Không bán được đất, không “bổ” được đầu người để đóng góp, chẳng biết bao giờ xã này có thể trả hết nợ. Cũng phải lưu ý là trước khi bắt đầu xây dựng NTM Tân Dân thuộc diện rất khá so với mặt bằng chung bởi đã xong hòm hòm đến hơn 10 tiêu chí

Theo báo Nông nghiệp

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến