Dòng sự kiện:
Mặt trái của các gói kích thích tăng trưởng sau tác động của COVID-19
15/04/2020 06:09:34
Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng các kế hoạch giải cứu rộng rãi cũng có thể để lại di sản là các công ty mắc nợ và ốm yếu, điều rốt cuộc sẽ cản trở sự phục hồi.

Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tại London. (Ảnh: PA/TTXVN)

Theo tạp chí The Economist, trong tháng qua, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã lần lượt tung ra hàng loạt gói cứu trợ doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử.

Mặc dù mục tiêu giúp các công ty vượt qua những phong tỏa tạm thời là hợp lý, nhưng thật khó để đưa ra những nhận định tích cực trong dài hạn.

Các chính phủ châu Âu và Mỹ đã cam kết cho vay và trợ cấp các công ty tư nhân số tiền ít nhất 8.000 tỷ USD, tương đương với tổng lợi nhuận của các công ty này trong hai năm qua.

Tác động nặng nề của virus SARS-CoV-2 đối với nền kinh tế đã khiến hơn nửa triệu doanh nghiệp châu Âu phải nộp đơn xin hỗ trợ tiền lương. Tuy nhiên, một vài đối tượng thụ hưởng của những gói cứu trợ này khiến người ta phải đặt câu hỏi, ví dụ như hãng Boeing, vốn đang lao đao vì các vụ tai nạn rơi máy bay 737 MAX, có thể sẽ nhận được hàng tỷ USD tiền thuế.

Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng các kế hoạch giải cứu rộng rãi cũng có thể để lại di sản là các công ty mắc nợ và ốm yếu, điều rốt cuộc sẽ cản trở sự phục hồi.

Tốc độ là điều cần thiết, nhưng các chính phủ cũng cần một bộ khung rõ ràng hơn để tổ chức những kế hoạch này, nhằm bảo vệ người nộp thuế và bảo tồn tính năng động của nền kinh tế.

Trên thực tế, 8.000 tỷ USD là một con số lớn, bao gồm cả các khoản cho vay của nhà nước và ngân hàng trung ương, bảo lãnh và trợ cấp tạm thời để tiếp tục trả lương cho những người lao động phải nghỉ làm.

Tổng chi phí hoạt động của tất cả các công ty phi tài chính tại Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), không bao gồm các khoản thanh toán lẫn nhau, là 13.500 tỷ USD một năm, trong đó 11.600 tỷ là tiền lương.

Tuy nhiên, vẫn không có gì đảm bảo rằng núi tiền này có thể ngăn chặn sự hỗn loạn. Các công ty còn phải tái cấp vốn 4.000 tỷ USD nợ trái phiếu trong 24 tháng tới và thị trường nợ vẫn thận trọng với những người đi vay nhiệt tình nhất.

Hãng du thuyền Carnival đã phát hành trái phiếu với lãi suất khủng khiếp là 11,5%. Trong khi đó, tình trạng có quá nhiều chương trình hỗ trợ (ít nhất tại Mỹ có 10 chương trình với các tiêu chuẩn khác nhau) sẽ gây khó khăn cho một số công ty tham gia.

Một phần tư các công ty niêm yết của phương Tây đang nợ rất nhiều và nếu những công ty này vơ vét các khoản cho vay của nhà nước, họ có thể phá hỏng bảng cân đối kế toán.

Đối với một số công ty lớn, những khoản thua lỗ tiềm năng lớn đến nỗi có thể tạo ra gánh nặng đáng kể cho nhà nước. Ví dụ, Volkswagen cho biết mỗi tuần họ đang mất đi 2,2 tỷ USD.

Lý tưởng là các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào - tỷ phú Warren Buffett có quỹ dự phòng 125 tỷ USD và Blackstone có 151 tỷ USD. Tuy nhiên, do không rõ thời gian phong tỏa là bao lâu, nên họ có thể không muốn góp mặt. Kết quả là bên cạnh các khoản vay giá rẻ của nhà nước sẵn có, việc cứu trợ nhà nước được bắt đầu.

Gói kích thích mới nhất của Mỹ dành ít nhất 50 tỷ USD cho các hãng hàng không và các công ty "quan trọng đối với an ninh quốc gia."

Đức đã cho công ty du lịch TUI vay 2 tỷ USD và quỹ đầu tư quốc gia Temasek của Singapore đã mua thêm cổ phần của Singapore Airlines.

Nước Mỹ đã mất hơn 10 tỷ USD trong cuộc giải cứu General Motors năm 2009 và việc cứu trợ các ngân hàng ở Phố Wall để lại dư vị đặc biệt cay đắng.

Các cuộc đàm phán có thể bị các chính trị gia sử dụng để đỡ đầu hay thao túng chiến lược của công ty. Nếu các công ty được giải cứu cuối cùng chìm ngập trong nợ nần và bị đè nặng bởi việc phải đảm bảo công việc dài hạn, nền kinh tế có thể trở nên cứng nhắc và năng suất giảm.

Thật không công bằng khi yêu cầu các công ty hoạt động tốt phải cạnh tranh với các đối thủ được nhà nước hậu thuẫn.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng chính phủ cần cung cấp sự hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách tổng hợp. Cần cung cấp gói hỗ trợ" cho tất cả các công ty với các khoản vay với chi phí thấp cũng như giúp trả lương cho những nhân viên nghỉ việc 3-6 tháng mà gần như không kèm theo sợi dây ràng buộc nào.

Đây đúng là điều mà các khoản cho vay và bảo lãnh trị giá 8.000 tỷ USD cố gắng thực hiện, nhưng có những lỗ hổng và những nghi ngờ về việc làm thế nào để các công ty nhỏ nhận được tiền.

Lời giải là phải đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn lực cho vay, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải tạm dừng chia cổ tức, như nước Anh đã làm trong tuần qua. Mục tiêu có thể là tạm thời đóng băng phần lớn nền kinh tế cho đến khi việc phong tỏa được nới lỏng.

Tuy nhiên, chi phí của việc mở rộng tín dụng không giới hạn cho tất cả các công ty là quá lớn và nền kinh tế cuối cùng sẽ phải điều chỉnh theo hoàn cảnh mới, ví dụ các công ty thương mại điện tử cần nhiều nhân công hơn trong khi các rạp chiếu phim có thể không bao giờ phục hồi hoàn toàn.

Sự hỗ trợ hơn 6 tháng nên được giới hạn cho các công ty cung cấp các dịch vụ thiết yếu, như viễn thông, tiện ích hoặc tiền bồi hoàn, hoặc cho các công ty trung tâm của các chuỗi cung ứng công nghiệp quan trọng.

Cuối cùng, chính phủ không nên can thiệp bằng những cách khác. Sẽ có những lời kêu gọi dân túy đòi các hãng hàng không cung cấp thêm chỗ để chân, các công ty xe hơi xây dựng các điểm sạc điện và các nhà sản xuất xây dựng nhà máy ở các khu công nghiệp hoang tàn.

Tuy vậy, cứu trợ các công ty tư nhân là một cơ chế tồi để xử lý các vấn đề này. Một quy định mà các chính phủ nên áp đặt là cấm các công ty nhận cứu trợ trả tiền cổ tức cho cổ đông và mua lại cổ phiếu cho đến khi các khoản vay nhà nước đã được trả.

Giới quan sát cho rằng năm nay sẽ chứng kiến sự can thiệp của nhà nước vào doanh nghiệp ở quy mô chưa từng có.

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến