Dòng sự kiện:
Mâu thuẫn quyền lợi trong kinh doanh xăng dầu
08/10/2022 15:00:04
Cơ quan quản lý không quy định, quản lý chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ và chậm trễ trong điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến tình trạng cây xăng đóng cửa hàng loạt.

Ngày 5/10, một doanh nghiệp phân phối sở hữu hơn 50 cửa hàng trực thuộc và đại lý thông báo không còn nguồn hàng và lo ngại có thể phải tạm ngưng trong thời gian sắp tới vì đầu mối ngừng cung cấp.

Cùng ngày, Công ty CP thương mại Long Thành (Đồng Nai) cũng có văn bản thông báo các cửa hàng xăng dầu thuộc công ty chỉ được bán xăng không quá 30.000 đồng/xe máy và 200.000 đồng/ôtô "vì tình hình nguồn cung xăng dầu rất khó khăn, đặc biệt là mặt hàng xăng".

Thực tế, tại khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam, tình trạng cây xăng đóng cửa, treo biển hết xăng, bán nhỏ giọt trên địa bàn kéo dài từ tháng 8 đến nay khiến việc cung ứng xăng dầu cho người dân liên tục bị gián đoạn.

Nguyên nhân được các chủ cây xăng phản ánh do nguồn hàng khan hiếm, chiết khấu rất thấp khiến họ không mặn mà nhập hàng, càng bán càng thua lỗ nặng.

Chiết khấu là nguyên nhân cốt lõi

Chiết khấu là khoản tiền của doanh nghiệp đầu mối chia cho các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ. Hiện nay, Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu cho các doanh nghiệp xăng dầu mà chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng này, doanh nghiệp đầu mối tự quy định mức chiết khấu.

Thông thường, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhận được chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu và được đầu mối chi trả chi phí vận chuyển. Song, khi thị trường bất ổn thời gian qua, doanh nghiệp bán lẻ không những không có chiết khấu hoặc chiết khấu rất thấp, mà còn phải tự chi trả chi phí vận chuyển khiến họ thua lỗ nặng, muốn đóng cửa, nghỉ bán.


Các doanh nghiệp cho biết việc điều hành thời gian qua "có vấn đề", gây bất lợi đến doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trao đổi với Zing, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho biết sau khi giá xăng giảm về mức thấp nhất trong hơn một năm qua, ngày 4-7/10, chiết khấu tại các kho đều bằng 0 hoặc âm. Đơn cử, tại Quảng Trị chiết khấu âm 300 đồng/lít, Bắc Giang âm 250 đồng/lít, Đồng Nai âm 200 đồng/lít...

Ông Giang Chấn Tây, chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh cho rằng doanh nghiệp xăng dầu phải dự trữ lượng hàng tồn kho theo quy định. Do đó, nếu doanh nghiệp nhập về giá cao, nhưng phải bán theo giá quy định - tức giá giảm liên tục như thời gian qua thì sẽ thua lỗ nặng.

"Hiện nay, kinh doanh xăng dầu không thể tách rời với chiết khấu khi Nhà nước vẫn quản lý giá. Việc nhà nước không quy định và quản lý chiết khấu xăng dầu cho các doanh nghiệp bán lẻ đã dẫn đến tình trạng bất ổn thị trường trong suốt thời gian dài trong khi đây là thành phần quan trọng giao dịch, ảnh hưởng trực tiếp với người dân và tác động mạnh đến toàn xã hội", ông nêu.

Cơ quan điều hành cần hiểu đúng ý nghĩa của chiết khấu rất quan trọng trong khâu phân phối lưu thông xăng dầu

Đại diện 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 6/10, đại diện 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phía Nam cũng chỉ rõ theo Nghị định 95, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố.

Nhưng thực tế trong quản lý, liên bộ đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, để các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0 đồng.

"Với cách này, khi cộng phí vận chuyển, doanh nghiệp bán lẻ phải mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định. Với quan điểm đè giá, chẳng hạn như giá xăng dầu theo thị trường là 20.000 đồng/lít nhưng muốn điều hành giá còn 19.000 đồng/lít và lấy đó làm thành tích quản lý thì việc bất ổn sẽ còn kéo dài", doanh nghiệp cho hay.

Theo các doanh nghiệp, điều này dẫn đến không tính đúng tính đủ chi phí trong giá cơ sở, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra.

Doanh nghiệp đề nghị cần áp dụng mức chiết khấu cố định với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu. "Cơ quan điều hành cần hiểu đúng ý nghĩa của chiết khấu rất quan trọng trong khâu phân phối lưu thông xăng dầu, nó quyết định đến sự ổn định của thị trường", đại diện 36 doanh nghiệp nhấn mạnh.

Vì sao chiết khấu thấp?

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 1/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo các quy định hiện hành không có quy định mức chiết khấu trong giá xăng dầu. "Khi nguồn cung dồi dào, giá thế giới giảm nên doanh nghiệp tăng chiết khấu để đẩy lượng bán ra và ngược lại", ông nói.

Người phát ngôn Bộ Công Thương thừa nhận thời gian qua có tình trạng chiết khấu thấp, tình trạng bán xăng nhỏ giọt và cho rằng xuất phát từ hai lý do chính.

Trong quý II, doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh nhập khẩu nhưng sang quý III, giá liên tục giảm, các doanh nghiệp thua lỗ do nhập khẩu lượng lớn, giá cao nên buộc phải giảm mức chiết khấu

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Thứ nhất, do đầu năm đến nay thị trường xăng dầu thế giới phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động biên độ lớn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xăng dầu trong nước.

"Trong quý II, doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh nhập khẩu nhưng sang quý III, giá liên tục giảm, các doanh nghiệp thua lỗ do nhập khẩu lượng lớn, giá cao nên buộc phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối", ông lý giải.

Thứ hai, do cuối năm 2021 đến nay chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, tuy nhiên để kiểm soát lạm phát, các chi phí này chưa được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh nên doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có chiết khấu xăng dầu.

Theo một số doanh nghiệp đầu mối lớn, các chi phí, phụ phí nhập khẩu xăng dầu hiện đã tăng 2-3 lần, song cách tính chi phí xăng dầu không thay đổi khiến họ phải cắt giảm chiết khấu cho doanh nghiệp phân phối, bán lẻ.

"Sẽ điều chỉnh chi phí để tăng chiết khấu"

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết trong ngày 6/10, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đã thống nhất, sớm nhất có thể điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu sớm nhất có thể.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu sớm nhất

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Từ đó góp phần giải quyết khó khăn và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu, từ đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ. Đồng thời cũng tác động đến chiết khấu, nâng chiết khấu các cửa hàng bán lẻ giúp tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

"Ngoài ra, chúng tôi cũng có những biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ, các cửa hàng hài hòa lợi nhuận, chia sẻ khó khăn, rủi ro trong lúc khó khăn như hiện nay", ông Đông nói.

Tác giả: Thanh Thương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến