Dòng sự kiện:
MB: “No” huy động, “nghẹn” giải ngân và “xấu” dần nợ xấu
13/04/2015 17:08:34
ANTT.VN – Tình hình nợ xấu của MB liên tục diễn biến “xấu” dần. Trong khi, trên sân chơi chủ chốt – tín dụng, cơ cấu cho vay – huy động của Ngân hàng Quân đội cũng đang cho thấy những dấu hiệu “lệch pha”.

Tin liên quan

EPS liên tục giảm

Kết thúc năm tài chính 2014, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội – MB (HSX: MBB) báo lãi 3.174 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5% so với 2013 và vượt 2% kế hoạch năm. Với kết quả kinh doanh ấn tượng, MB tiếp tục khẳng định vị thế số một trong khối các NH TMCP.

Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh được cổ đông đề ra tại Đại hội tháng 4/2014 đã được nhà băng đạt và vượt một cách xuất sắc. Tuy nhiên, như ANTT.VN đã trình bày trong kỳ trước, mọi sự chưa hẳn đã “sáng” hoàn toàn với MB khi mà kế hoạch tăng vốn vẫn nhiều năm liền rơi vào “việt vị”, chỉ số hiệu suất sinh lời (ROE) ghi nhận dây suy kéo dài sang năm thứ 4 liên tiếp (từ mức 29,02% của 2010 về chỉ còn 15,8% trong năm 2014).

Hệ quả của hiện tượng này đã tác động trực tiếp tới chỉ số EPS (Earning Per Share), phản ánh lãi cơ bản trên một cổ phiếu đã bị “teo” nhỏ từng năm.

Đơn vị: đồng

(Trừ việc tăng nhẹ vào năm 2011, thì EPS của MBB đã liên tiếp giảm sâu)

Nếu như 2008 việc sở hữu mỗi cổ phiếu MBB sẽ đem lại cho nhà đầu tư 3.137 đồng thu nhập thì 6 năm sau con số tương ứng đã “vơi” mất 1/3, về chỉ còn 2.136 đồng.

Nợ xấu càng ngày càng “xấu”

Hiệu quả sinh lời liên tục giảm sút, trong khi ở chiều ngược lại, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng lại liên tiếp tăng cao, cho thấy diễn biến tiêu cực của chất lượng dư nợ.

(Tỷ lệ nợ xấu ngày càng “xấu” thêm ở MB)

Tính đến 31/12/2014, Ngân hàng TMCP Quân đội đang có tổng cộng 2.862 tỷ đồng nợ xấu (NPL), tăng 716 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, chiếm 2,73% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Đáng chú ý, trong tổng số 2.862 tỷ đồng nợ xấu của MB thì Nợ có khả năng mất vốn lên tới 1.364,5 tỷ đồng, chiếm tới 48%. Đặc biệt, trước đó 1 năm, giá trị nhóm nợ “không thể xấu hơn” này mới chỉ là 818,7 tỷ đồng.

Cùng với Nợ có khả năng mất vốn, Nợ nghi ngờ của MB cũng đã “phình” lên đáng kể, thêm 33,9% đạt 902,9 tỷ đồng.

2,73% tổng dư nợ cho vay khách hàng là nợ xấu, một tỷ lệ dẫu còn khá cao, tuy nhiên, trở lại 3 tháng trước đó thì con số 2,73% cũng đã là cả một sự tiến bộ vượt bậc. Nên nhớ rằng, kết thúc quý III (30/9/2014), tỷ lệ nợ xấu của MB vẫn còn đang “ngất ngưởng” ở 3,1% với tổng nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 là 2.826 tỷ đồng.

Như vậy, về mặt giá trị tuyệt đối, 3 tháng cuối năm 2014, khối lượng nợ xấu ở MB vẫn không có nhiều chuyển biến, thậm chí còn “tệ” hơn (tăng 36 tỷ đồng) nhưng tỷ lệ nợ xấu đã được cải thiện nhanh chóng khi giảm mạnh tới 0,37% về sâu dưới “ngưỡng cho phép” 3% của NHNN. Tại sao lại như vậy?

Không thiểu hóa được Tử số (khối lượng nợ xấu) thì vẫn có thể  tác động vào Mẫu số (tổng dư nợ) và MB đã lựa chọn cách này. Cụ thể, trong khi NPL gần như “giậm chân” thì Cho vay khách hàng đã lại “chịu khó” hơn nhiều: tăng tốt 8.332 tỷ đồng lên chốt năm ở 99.578 tỷ đồng.

Một phép toán đơn giản và Ngân hàng Quân đội đã không quá khó để “chuẩn mực hóa” tỷ lệ nợ xấu của mình. Tuy nhiên, kể từ 01/4/2015, khi Thông tư 02/2013-TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức đi vào hiệu lực, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD nói chung và MB nói riêng sẽ “phình” thêm đến đâu thì vẫn là một câu hỏi lửng.

Được biết, trong tổng số  99.578 tỷ đồng Dư nợ cho vay khách hàng của MB có 62.330 tỷ đồng nợ ngắn hạn, 18.549 tỷ đồng nợ trung hạn và 18.699 tỷ đồng nợ dài hạn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay, trung dài hạn là 19,03%.

Tín dụng: “No” huy động, “nghẹn” giải ngân

Báo cáo tài chính năm 2014 tiếp tục chỉ ra “căn bệnh kinh niên” của Ngân hàng TMCP Quân đội, đó là khả năng cân đối hai chiều tín dụng.

Với mức tăng trưởng vốn huy động từ dân cư và TCKT (riêng ngân hàng) lên đến 23%, MB đã một lần nữa tái khẳng định uy tín rất cao của mình trên thị trường tín dụng vốn đầy rẫy những cạnh tranh. Trong khi, ở chiều ngược lại, dẫu rằng đạt và vượt nhẹ chỉ tiêu 100.000 tỷ được Đại hội đồng cổ đông đề ra, nhưng con số tăng tưởng 14% Dư nợ cho vay (riêng ngân hàng) vẫn còn khá khiêm tốn trong tương quan tín dụng hai chiều.

Tại 31/12/2014, Cho vay khách hàng của MB đạt 100.569 tỷ đồng, trong khi Tiền gửi của khách hàng là 167.609 tỷ đồng, tương ứng, Tỷ lệ cho vay/Tổng tiền gửi (LDR) (chưa cập nhật theo Thông tư 13/TT-NHNN) chỉ đạt 60,00%,thấp bậc nhất hệ thống. Trước đó một năm, LDR của MB có cao hơn chút ít, đạt 64,47%.

Ở một giác độ nào đó, tỷ lệ LDR rất thấp này phản ánh sự “lệch pha” trong công tác cân đối tín dụng của ngân hàng: “no” huy động song lại “nghẹn” giải ngân.

So sánh với các khoản mục tương đương ở một số ngân hàng mạnh khác, sẽ thấy một sự khác biệt rõ rệt.

Như tại Vietinbank, nhà băng số 1 về lợi nhuận trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay, LDR tại ngân hàng này thậm chí còn đạt tới 103,70% (Cho vay khách hàng: 439.869 tỷ đồng; Tiền gửi của khách hàng: 424.181 tỷ đồng), hay kế đến, là người về nhì, LDR ở BIDV cũng là 101,19% (Cho vay khách hàng:445.693 tỷ đồng; Tiền gửi của khách hàng: 440.472 tỷ đồng). Điều này có nghĩa, trái ngược hoàn toàn với MB, nguồn vốn huy động ở Vietinbank và BIDV đã được giải ngân cực tốt, thậm chí, “nhị vị đại gia” còn phải vay lại từ thị trường liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của các khách xin vay (Vay các TCTD khác của Vietinbank là 61.730 tỷ đồng, tăng 27%; của BIDV là 67.898 tỷ đồng, tăng 84% so với 2013; trong khi ở MB, Vay các TCTD khác lại giảm về chỉ còn 1/3). Tất nhiên, việc duy trì tỷ lệ LDR quá cao cũng gây ra không ít hệ lụy như rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản, vấn đề nợ xấu….

Về mặt thứ tự ưu tiên, bao giờ cho vay khách hàng cũng có lợi hơn nhiều với việc “đẩy” vốn vào thị trường liên ngân hàng hay đầu tư trái phiếu bởi ngoài việc có hiệu suất sinh lời cao hơn hẳn, việc cho vay khách hàng cũng giúp các nhà băng mở rộng mạng lưới, gia tăng thị phần để “choán” thị trường. Dễ hiểu vì sao trong khi Thu nhập lãi thuần (nguồn thu chủ yếu của mỗi tổ chức tín dụng) ở MB chỉ là 6.540 tỷ đồng thì con số tương tự ở Vietinbank và BIDV lại cực “khủng” ở 16.844 tỷ đồng và 17.580 tỷ đồng như vậy.

Nói thế để thấy, trong khi MB bị “bí” đầu ra, thừa vốn đem đổ vào chứng khoán (Chứng khoán đầu tư: 50.781 tỷ đồng) thì vẫn có những tổ chức tín dụng được “thỏa sức” giải ngân. Điều này cũng phần nào cho thấy một khoảng cách vẫn còn xa “vời vợi” giữa MB và những nhà băng hàng đầu khác.

Đón đọc kỳ tới…

Ninh Giang    

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến