Dự án của Cường “đô la” bị thế chấp, người mua nhà chịu rủi ro gì?
03/03/2016 12:08:29
ANTT.VN – Thông tin bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Quốc Cường Gia Lai vừa thế chấp dự án khu dân cư 6A Phước Kiển (Nhà Bè, Q1, TPHCM) và cổ phiếu cá nhân để vay 1.600 tỉ đang khiến dư luận và nhà đầu tư hết sức quan tâm.

Tin liên quan

Ảnh minh họa

Giới đầu tư bất động sản cho rằng đây là “cú tất tay” của người phụ nữ nằm trong danh sách những người giàu có nhất sàn chứng khoán Việt Nam để có tiền đầu tư vào chính dự án mà bà vừa thế chấp, trong bối cảnh kinh doanh bết bát của cty này,khi mà khoản vay nợ dài hạn đã lên đến 1.856 tỉ đồng. (Theo báo cáo tài chính hợp nhất Cty QCGL năm 2015).

Dự án 6A Phước Kiển cũng là dự án có ý nghĩa sống còn với QCGL trong thời điểm hiện tại, vì nó chiếm tỷ trọng tới 70% tổng hàng tồn kho, tính đến ngày 31/12/2015. Riêng trong năm 2015, QCGL đã rót thêm vào dự án này 815 tỷ đồng, tăng từ 2.983 tỷ lên 3.798 tỷ đồng.

Không chỉ dự án khu dân cư 6A Phước Kiển, hiện nay có khá nhiều dự án bất động sản của các chủ đầu tư khác cũng vướng vào tình trạng khó khăn tài chính, chủ đầu tư phải thế chấp chính dự án chưa hình thành (gọi là nhà ở hình thành trong tương lai) để vay tiền ngân hàng mới có tiền thi công nốt dự án.

Dưới góc độ ngân hàng thì các ngân hàng thương mại rất hào hứng khi giải ngân những hợp đồng vay vốn có tài sản thế chấp là bất động sản, vì khi hợp đồng rủi ro, họ vẫn còn khối bất động sản đó để giải chấp.

Còn xét dưới góc độ của nhà đầu tư bất động sản (mua đi bán lại) và người dân, dư luận đặt ra câu hỏi: Việc nhà đầu tư dự án thế chấp dự án đã chính thức mở bán cho người dân như thế này thì người mua căn hộ thuộc khu dân cư nói trên có thể vướng phải những rủi ro gì?

Về vấn đề này, pháp luật đã có những quy định rất cụ thể. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người mua nhà do không nắm được các quy định này nên dẫn đến bị thiệt hại, thua lỗ khi gặp phải chủ đầu tư không thực hiện đúng theo hợp đồng mua nhà đã ký kết.

Vướng mắc đầu tiên, dễ gặp phải nhất là chủ đầu tư đã bán một phần căn hộ cho người dân nhưng vẫn mang quyền sử dụng đất của dự án đi thế chấp ngân hàng, nếu chủ đầu tư chậm giải chấp khoản vay này thì người mua nhà cũng bị chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho căn hộ đã mua của mình.

Điều 93 Luật Nhà ở năm 2005 quy định, nếu hợp đồng giữa các bên không có thỏa thuận khác thì khi chủ đầu tư chậm thực hiện thủ tục sang tên để cấp Giấy chứng nhận, người mua có thể khởi kiện ra tòa. Còn trường hợp chủ đầu tư đã bán và giao nhà ở cho khách hàng mà nay lại lấy GCN được cấp trước đó để thế chấp là trái pháp luật.

Trường hợp này các ngân hàng cũng cần cẩn trọng bởi việc ngân hàng không xác định các căn hộ đã được bán hay chưa mà chỉ ký hợp đồng thế chấp với chủ đầu tư thì có nguy cơ hợp đồng thế chấp đó sẽ bị vô hiệu vì chưa được sự đồng ý của các đồng sở hữu còn lại. Khi xảy ra tranh chấp, ngân hàng sẽ là bên phải gánh chịu thiệt thòi.

Vướng mắc thứ hai là khi mua nhà của những dự án đã bị thế chấp, người dân cũng bị hạn chế quyền thế chấp và định đoạt đối với căn nhà của mình.

Để giảm thiểu rủi ro khi mua bất động sản hình thành trong tương lai, người mua nhà cần xem xét kỹ lưỡng bản sao hợp đồng bảo lãnh BĐS hình thành trong tương lai của ngân hàng cấp cho chủ đầu tư, lưu ý đến các quy định về bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm trong hợp đồng trước khi giao kết hợp đồng với chủ đầu tư.

Luật sư Phạm Công Út – Giám đốc Công ty Luật Phạm Nghiêm, Thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Chuyên gia luật về đất đai, nhà ở

Xin ông cho biết, dưới góc độ luật pháp, những nhà đầu tư và người dân đã mua nhà của dự án bất động sản hình thành trong tương lai đã bị chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng có thể gặp rủi ro gì?

Khi dự án bị chủ đầu tư thế chấp dự án nghĩa là người dân sẽ bị hạn chế quyền thế chấp hoặc định đoạt nhà ở mà mình đã mua, chỉ khi nào chủ đầu tư giải chấp phần nhà ở mà người dân đã mua thì chỉ lúc đó người dân mới được quyền thế chấp hoặc mua bán.

Được biết, Luật kinh doanh Bất động sản 2014 có quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư về bảo lãnh tài chính của Ngân hàng đối với cho thuê/ mua nhà ở hình thành trong tương lai, xin ông cho biết trong trường hợp này, người mua nhà của dự án này cần yêu cầu chủ đầu tư những giấy tờ gì để giảm thiểu rủi ro cho mình.

Người mua chỉ cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp chứng thư bảo lãnh của ngân hàng về việc bảo lãnh cho dự án đó là được.

Xin cảm ơn ông!

Diệp Chi (thực hiện)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến