Ngân hàng (NH) Nhà nước từng nhiều lần yêu cầu các NH thương mại, công ty tài chính và đơn vị liên quan thực hiện đúng quy định về giao dịch thẻ tín dụng. Thế nhưng, với thông tin mà chúng tôi có được và ý kiến phản ánh của nhiều chủ thẻ tín dụng, những quy định này chưa được các bên tuân thủ.
Nhờ đối tác chi hộ
Theo phản ánh của chị L.T.D, một công chức tại TP HCM - chủ thẻ tín dụng do công ty tài chính F. phát hành, trong tháng 6 và tháng 7-2020, có đến hai lần chị nhận được tin nhắn điện thoại của công ty F. liên quan đến việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.
Tin nhắn đầu tiên thông báo số tiền được rút là 6 triệu đồng, mã số rút tiền CRCIPP 3298030 kèm hướng dẫn chị L.T.D mang mã số này, chứng minh nhân dân (CMND) đến chi nhánh của 3 NH và các siêu thị TGDĐ, ĐMX để nhận tiền mặt, lãi suất 2,9%/tháng (34,8%/năm).
Tin nhắn thứ 2 có mã số rút tiền là CRCIPP 3619276, số tiền được rút 6 triệu đồng, lãi suất 0% trong vòng 6 tháng nhưng chủ thẻ tín dụng phải thanh toán phí rút tiền 5,99%, địa chỉ nhận tiền là các chi nhánh của 3 NH do công ty tài chính F. chỉ định.
Do không có nhu cầu vay tiền nên chị L.T.D không phản hồi các tin nhắn nói trên. Tuy vậy, đến giữa tháng 8, nhân viên công ty tài chính F. tiếp tục điện thoại mời chào chị rút 20 triệu đồng từ thẻ tín dụng, phí rút tiền 0,22% cộng với lãi suất 34,8%/năm. Nhận thấy mức lãi suất này thấp hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng của công ty tài chính F. là 49,9%/năm nên chị L.T.D đồng ý tiếp nhận thông tin rút tiền mặt để khi có nhu cầu sẽ thực hiện.
Giao dịch tại một điểm POS chấp nhận rút tiền mặt, đáo hạn nợ thẻ tín dụng
Lập tức, công ty này gửi tin nhắn thông báo mã số rút tiền của chị L.T.D là CPCIPP 49094423; hướng dẫn chị mang mã số này và CMND đến các chi nhánh của 3 NH, các siêu thị TGDĐ, ĐMX hay điểm giao dịch của một nhà mạng điện thoại di động để rút tiền mặt.
"Liên tiếp những ngày sau, nhân viên công ty F. gọi điện hối thúc tôi rút tiền. Những người này nói tôi đã đồng ý tiếp nhận tin nhắn rút tiền mặt, nghĩa là số tiền đã được giải ngân, không rút cũng tốn phí. Họ nói nếu tôi không cần tiền thì cứ rút rồi hoàn trả ngay cho công ty" - chị L.T.D kể.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện công ty tài chính F. xác nhận việc mời chào chị L.T.D rút tiền mặt là một trong những sản phẩm cho vay của công ty. Theo đó, sau khi gửi tin nhắn mời chào chị L.T.D rút 20 triệu đồng, hạn mức trong thẻ tín dụng của khách hàng này từ 22 triệu đồng giảm còn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu sau 15 ngày, chị L.T.D không rút tiền thì công ty sẽ hoàn trả 20 triệu đồng về lại thẻ tín dụng. Chủ thẻ không phải chi trả bất cứ khoản phí nào.
Chúng tôi đã gửi thêm những câu hỏi khác như: Vì sao chủ thẻ tín dụng chỉ đồng ý nhận mã số rút tiền mặt 20 triệu đồng (chưa rút tiền) nhưng hạn mức của thẻ đã bị trừ số tiền tương ứng? Nếu chẳng may trong vòng 15 ngày đó, số tiền này bị người xấu rút thì ai là người chịu trách nhiệm? Hiện nay, Chính phủ khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt, việc công ty mời gọi chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt liệu có phù hợp với xu hướng không dùng tiền mặt? Tuy nhiên đến nay, công ty này chưa có ý kiến phản hồi.
Trong khi đó, phó tổng giám đốc NH S. - đối tác chi hộ tiền mặt cho công ty tài chính F. - cho biết sẽ kiểm tra lại các điều khoản hợp tác với công ty này. "Nếu việc chi và giải ngân hộ cho công ty tài chính F. có nguồn gốc là rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, chúng tôi sẽ xem xét dừng hợp tác, vì như vậy là đi ngược xu hướng khuyến khích người dân không sử dụng tiền mặt" - vị phó tổng giám đốc NH S. khẳng định.
Kích thích chủ thẻ rút tiền mặt
Đề cập việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, Giám đốc Trung tâm Thẻ của một NH lớn tại TP HCM cho hay các đơn vị phát hành thẻ luôn mong muốn giải ngân cho thẻ tín dụng, bao gồm cả việc kích thích khách hàng rút tiền mặt. Bởi trên thực tế, không ít chủ thẻ có nhu cầu tiền mặt nhưng nếu họ rút tiền tại máy ATM thì chi phí quá cao (phí rút tiền 4%, cộng với lãi suất 28%-49%/năm). Từ đó, một số nhà phát hành thẻ hợp tác với các tổ chức khác, tạo lập mạng lưới giải ngân cho chủ thẻ tín dụng, đem lại lợi ích cho các bên.
Mẩu quảng cáo chào mời rút tiền, đáo hạn thẻ tín dụng
"Cụ thể, với việc rút tiền mặt tại các địa chỉ do công ty tài chính F. chỉ định, chủ thẻ tín dụng tiêu tốn chi phí thấp hơn so với việc rút tiền tại máy ATM. Nhà phát hành thẻ thu được lợi nhuận từ việc cho vay tiền mặt thông qua qua thẻ tín dụng với lãi suất hơn 30%/năm. Còn đơn vị giải ngân hộ tiền mặt cũng được công ty tài chính F. chia phần trăm lợi nhuận" - vị giám đốc trung tâm thẻ phân tích.
Thực tế, phóng viên Báo Người Lao Động - chủ thẻ tín dụng của NH P. - cũng từng được NH này mời chào, hướng dẫn cách thức rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Theo đó, sau khi đăng ký với tổng đài của NH P. về hạn mức rút tiền mặt xong, lập tức, tiền từ thẻ tín dụng sẽ được NH chuyển vào tài khoản cá nhân của phóng viên, lãi suất cho vay 20,2%/năm. Trong khi đó, nếu mua hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ tín dụng của NH P. và sau khi kết thúc 45 ngày miễn lãi, phóng viên phải trả lãi suất trên 30%/năm.
Biến hóa khoản vay cũ thành mới
Trong nhiều ngày khảo sát thị trường thẻ, chúng tôi bắt gặp mẩu quảng cáo được dán bên cạnh máy ATM đặt tại cổng ra vào một phòng giao dịch của NH B., nằm trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP HCM. Nội dung: Dịch vụ 24/24 giờ, rút tiền - đáo hạn thẻ tín dụng, phí chỉ từ 1,8%; đổi tiền tài khoản lấy tiền mặt và ngược lại, phí chỉ từ 10.000 đồng; số điện thoại liên hệ xxxx 555 302, địa chỉ giao dịch cũng nằm đường Quang Trung.
Tại địa chỉ này, chúng tôi ghi nhận đây là tiệm bán sinh tố - nước ép trái cây nhưng không có nhân viên bán hàng. Tuy nhiên, bên trong tiệm có một bàn làm việc khá lớn và một người - tạm gọi là chủ điểm giao dịch - luôn bận rộn với 5 máy POS (máy cà thẻ) cùng chứng từ được in ra từ các máy này.
Khi nghe chúng tôi nói đang nợ 20 triệu đồng thẻ tín dụng và có nhu cầu đáo hạn số nợ này, chủ điểm thông báo phí giao dịch là 2% (tương đương 400.000 đồng). "Tôi sẽ thanh toán cho NH phát hành thẻ tín dụng 20 triệu đồng rồi dùng thẻ của anh để "cà" thanh toán 20 triệu đồng mua hàng hóa tại một địa chỉ được cài đặt sẵn để rút ra 20 triệu đồng. Khi đó, khoản vay cũ của anh đã được chuyển thành khoản vay mới và được miễn lãi suất trong 45 ngày" - người này giải thích.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo một số tổ chức phát hành thẻ thừa nhận thị trường đang có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều tổ chức phát hành thẻ mạnh tay cung cấp máy POS cho các chủ cửa hàng và chỉ cần biết doanh số giao dịch lớn là được. Còn việc cửa hàng đó có sử dụng máy POS để chủ thẻ tín dụng thanh toán tiền mua hàng hóa hay để rút tiền mặt, đáo hạn khoản vay…, họ gần như không quan tâm.
Mặt khác, trong khi mặt bằng chung thu phí chủ điểm POS từ 1,5% - 2,5% thì không ít đơn vị phát hành thẻ lại thu phí khá thấp, chỉ từ 1%-1,2%/doanh số giao dịch. Từ đó, một số chủ điểm POS cho phép chủ thẻ tín dụng đáo hạn nợ vay, rút tiền mặt với mức phí 2%-2,5% để kiếm lợi nhuận.
Như vậy, chủ điểm POS có được lợi ích từ chênh lệch phí giao dịch. Chủ thẻ tín dụng giảm được chi phí rút tiền mặt lẫn chi phí trả lãi. Còn nhà phát hành thẻ, cung cấp máy POS có được doanh số giao dịch lớn và số phí thu được cũng tăng lên.
Để thị trường đi vào lề lối, không ít chuyên gia về thẻ đề xuất NH Nhà nước ấn định mức phí cụ thể đối với chủ điểm POS, nghiên cứu và đưa ra mức phí cũng như lãi suất hợp lý cho thẻ tín dụng; đồng thời tăng cường kiểm tra, mạnh tay chế tài xử phạt các đơn vị vi phạm về giao dịch thẻ…
Sẽ rà soát và chấn chỉnh Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NH Nhà nước, cho biết về nguyên tắc, thẻ tín dụng chỉ để thanh toán hoặc chỉ rút tiền tại máy ATM song các đơn vị phát hành thẻ không khuyến khích chủ thẻ rút tiền mặt. Tuy nhiên, một số nhà phát hành thẻ đang vận dụng loại hình cho vay qua thẻ tín dụng để đưa ra nhiều hình thức giải ngân nhằm mang lại lợi ích cho mình lẫn khách hàng, làm cho thẻ tín dụng vận hành không đúng bản chất, làm méo mó thị trường. "Trước thông tin phản ánh từ báo chí, NH Nhà nước sẽ rà soát, kiểm tra hoạt động của các đơn vị liên quan đến thẻ tín dụng để chấn chỉnh hình thức cho vay này" - ông Hùng nói. |
Bài và ảnh: Thy Thơ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy